Xâm nhập mặn tại Hậu Giang diễn biến phức tạp

Cập nhật, 16:14, Thứ Ba, 02/04/2019 (GMT+7)

Theo ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, tình hình xâm nhập mặn năm 2019 trên địa bàn tỉnh đang diễn ra phức tạp và khó lường.

Các cống ngăn mặn trên địa bàn tỉnh được vận hành khi độ mặn từ 1,5‰ trở lên. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN
Các cống ngăn mặn trên địa bàn tỉnh được vận hành khi độ mặn từ 1,5‰ trở lên. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN

Tỉnh đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để đầu tư các công trình cấp bách phòng chống hạn mặn với kinh phí khoảng gần 70 tỷ đồng; trong đó, đắp đập và nâng cấp sửa chữa cống ngăn mặn là gần 8 tỷ đồng; nạo vét kênh cấp 2, cấp 3 ở vùng bị hạn và xâm nhập mặn có tổng cộng 71 tuyến kênh, với kinh phí hơn 60 tỷ đồng.

Đến nay, độ mặn đo được trên địa bàn tỉnh tại huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh cao nhất là gần 11 phần nghìn, tăng hơn 8 phần nghìn so năm 2018. Mặc dù tỉnh chủ động thực hiện quyết liệt các giải pháp trong phòng chống xâm nhập mặn, tuy nhiên xâm nhập mặn tiếp tục ảnh hưởng sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh đó, Hậu Giang là tỉnh có hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt với gần 500 km kênh cấp I, hơn 1.300 km kênh cấp II và gần 1.700 km kênh cấp III. Do đó, tỉnh là vùng bị ảnh hưởng trực tiếp về biến đổi khía hậu và nước biển dâng, nhất là tình hình sạt lở bờ sông diễn ra ngày càng phức tạp.

Trong những năm qua, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang diễn ra rất phức tạp, nhất là tại huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A và thị xã Ngã Bảy.

Tình trạng sạt lở xẩy ra thường xuyên, mức độ thiệt hại ngày càng tăng cao, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân. Tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí khắc phục sạt lở cấp bách năm 2019 với hơn 77 tỷ đồng.

Kiểm tra tình hình sản xuất lúa tại xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN
Kiểm tra tình hình sản xuất lúa tại xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN

Cùng với đó, tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh kinh phí di dời dân cấp bách do thiên tai và xây dựng đê bao sông Mái Dầm, huyện Châu Thành với tổng kinh phí 100 tỷ đồng; xây dựng Kè chống sạt lở kênh xáng Xà No thuộc địa bàn huyện Vị Thủy và huyện Châu Thành A với tổng vốn đầu tư là 50 tỷ đồng; nạo vét kênh ranh huyện Châu Thành A và huyện Vị Thủy, tới tổng kinh phí 100 tỷ đồng.

Cũng theo ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, tỉnh còn nhiều khó khăn, ngân sách tỉnh chỉ đáp ứng hơn 41% nhiệm vụ chi ngân sách, số còn lại do Trung ương trợ cấp. Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được tỉnh bố trí các danh mục cụ thể.

Để chủ động khắc phục tình hình sạt lở, ổn định dân cư, phát triển kinh tế địa phương, hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn, để đời sống sản xuất nông nghiệp của người dân không gặp nhiều khó khăn, tỉnh đang cần hỗ trợ cấp bách nguồn vốn dự phòng thực hiện trong năm 2019.

Những tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xẩy ra 11 điểm sạt lở, tăng 5 điểm so cùng kỳ năm 2018.

Theo TTXVN