Sức sống trong những ngôi nhà cổ

Cập nhật, 09:53, Thứ Sáu, 15/02/2019 (GMT+7)

Thế hệ tiền nhân đã dày công tạo nên những căn nhà vững chãi để lại cho con cháu đời sau. Trên địa bàn tỉnh có nhiều ngôi nhà gần 100 năm hoặc đi qua hơn thế kỷ, là một di sản quí báu, có nhiều giá trị thông tin. Nhà cổ cũng là môi trường dung dưỡng cho bao thế hệ trưởng thành của một gia tộc, góp phần tạo nên nét đẹp truyền thống gia đình Việt.

Ông Lê Hữu Hùng đọc lại các giấy tờ liên quan đến sự thừa kế ngôi nhà
Ông Lê Hữu Hùng đọc lại các giấy tờ liên quan đến sự thừa kế ngôi nhà

Ngôi nhà cổ số 781/13, đường Phạm Hữu Lầu, phường 6, TP.Cao Lãnh, hiện thuộc quyền sở hữu của ông Lê Hữu Hùng (sinh năm 1961). Nhà có 3 gian 2 chái bát dần, cột gỗ tròn, nền lót gạch tàu, vách xây gạch thẻ, mái lợp ngói mốc với những đường nét chạm khắc công phu.

Ông Lê Hữu Hùng thừa kế ngôi nhà từ đời ông cố: Lê Hữu Điểu, tức Hương cả Điểu, để thờ cúng ông bà tổ tiên trong dòng họ.

Ảnh lưu niệm ông Lê Hữu Điểu và các con
Ảnh lưu niệm ông Lê Hữu Điểu và các con

Ông Lê Hữu Điểu sinh năm 1864 và mất năm 1942 tại làng Tân Tịch. Nguồn gốc ông bà của ông ở miền Trung vào đây lập nghiệp, đến đời ông Điểu là đời thứ ba.

Ông sống bằng nghề làm mướn, ai mướn gì cũng làm. Chính nhờ cần cù lao động, tiết kiệm, dành dụm nhiều năm được số tiền lớn nên ông cất ngôi nhà trên phần đất của ông bà, cha mẹ khai phá để lại.

Vợ ông là bà Trần Thị Phưởng, một người phụ nữ đảm đang mọi việc nhà, góp sức cùng ông cất ngôi nhà. Ngôi nhà được cất vào năm 1922 trong khoảng 6 tháng.

Chi phí cất nhà 4.500 đồng bạc lớn, hơn 30 giạ gạo nấu cơm cho nhân công ăn ngày 3 bữa (thời điểm đó giá lúa là 0,12 đồng/giạ).

Sau khi cất nhà xong, thấy ông là người có tài sản, nhiều đất đai và uy tín nên ông được cử làm Hương cả làng Tân Tịch, mọi người thường gọi ông là Hương cả Điểu.

Những năm 1947, 1948, ngôi nhà bị giặc Pháp bắn phá hư hại rất nhiều, sau đó có sửa chữa lớn nhưng không làm thay đổi kiến trúc ban đầu, giữ nguyên vẹn, không biến dạng.

Một số vết đạn vẫn còn trên các cột gỗ. Năm 1982, ông Lê Hữu Khuôn là cháu nội ông Lê Hữu Điểu thừa kế ngôi nhà, cho xây dựng vách và sửa chữa lại mặt trước nhà.

Đến năm 2005, ông Lê Hữu Khuôn mất, ngôi nhà được tộc họ giao lại cho người con trai út là ông Lê Hữu Hùng quản lý đại hương quả này.

Qua gần 100 năm, một số vật liệu đã hư hỏng, nhưng với tinh thần giữ gìn di sản của ông bà, để giáo dục con cháu, những người kế thừa và tộc họ đã bảo vệ ngôi nhà rất chu đáo và còn nguyên giá trị.

Ông Lê Hữu Hùng - chủ sở hữu ngôi nhà bộc bạch: “Những thế hệ của dòng họ Lê Hữu chúng tôi hôm nay rất tự hào về ngôi nhà và những đồ vật trong ngôi nhà ông bà đã để lại. Gần đây, chúng tôi đã tu bổ lớn cho ngôi nhà như làm lại bộ cửa, thay ngói,... với chi phí hơn 500 triệu đồng, nhưng vẫn cơ bản giữ nét cũ, hình dáng, không gian, bày trí của ngôi nhà.

Nhìn từng cây cột, kèo, những nét hoa văn tinh tế, bao lam khánh thờ, tranh cẩn thờ, tủ thờ, bộ ván ngựa,... chúng tôi càng nhớ về công lao của ông bà. Ngôi nhà có giá trị tinh thần rất lớn, nhắc nhở con cháu phải luôn phấn đấu học hành, làm ăn, sống tử tế như các ông bà ngày xưa”.

Nhà cổ do ông Nguyễn Chí Thành sở hữu
Nhà cổ do ông Nguyễn Chí Thành sở hữu

Còn ông Nguyễn Chí Thành (58 tuổi), hiện sống trong ngôi nhà sàn gỗ (số 417, đường Nguyễn Hữu Kiến, ấp Hòa Long, xã Hòa An, TP.Cao Lãnh), do người bà là chị của ông nội của ông cất vào năm 1938, cho biết: “Ba tôi thừa kế ngôi nhà này từ người bà, rồi ba tôi giao lại cho tôi.

Có người trong dòng họ nói nếu tôi đồng ý sẽ hỗ trợ tôi dỡ nhà cũ cất biệt thự. Tôi trả lời phải giữ lại phần hương quả của ông bà để lại, gia đình ở trong nhà cũ đến khi nào không còn ở được thì mới tính.

Ngôi nhà là chốn quay về để anh em, con cháu trong dòng họ ôn lại truyền thống gia đình, công lao tạo dựng cơ ngơi của ông bà mình, nhất là dịp giỗ ông bà, lễ, Tết. Còn ngôi nhà và các hiện vật, thì thế hệ con cháu hôm nay dễ hình dung về sự nỗ lực và đời sống của các thế hệ ông bà mình”.

Nhà cổ do ông Nguyễn Công Ích sở hữu hiện nay
Nhà cổ do ông Nguyễn Công Ích sở hữu hiện nay

Ông Nguyễn Công Ích (sinh năm 1939) hiện là chủ ngôi nhà chữ đinh hơn 100 tuổi ở ấp An Lợi B, xã Định Yên, huyện Lấp Vò. Ông Nguyễn Văn Bàu (Trùm Cả) là người xây dựng ngôi nhà, là nội tổ của ông Nguyễn Công Ích.

Ông Bàu là 1 trong 4 vị có công đóng góp xây dựng đình Định Yên (khởi công năm 1909 và hoàn thành năm 1912), được dân bầu vào Ban Cúng tế và giữ chức Hương cả của đình.

Theo lời kể của chủ nhân thì ngôi nhà ban đầu có 7 gian 2 chái và một nhà khách ở phía trước. Năm hoàn thành ngôi nhà do thất lạc giấy tờ nên không nhớ rõ, nhưng căn cứ vào tuổi tác của ông Bàu (1835-1928) cùng sự kiện ông và những người khác đứng ra xây dựng đình Định Yên thì có lẽ ngôi nhà của ông Trùm Cả - Nguyễn Văn Bàu cất trước.

Bà Nguyễn Thị An (sinh năm 1944) - em gái của ông Ích chia sẻ: “Tôi là con cháu thuộc thế hệ thứ tư sống trong nhà này và các cháu của tôi là thế hệ thứ năm. Ngoại thất, nội thất cũng như các vật dụng trong nhà của ông bà để lại, con cháu hôm nay rất trân trọng, bảo quản chu đáo.

Nhìn thấy những đồ vật có tuổi hơn mình, tôi thấy mình rất hạnh phúc, nhớ ơn công lao của bậc gia tiên. Sống trong ngôi nhà cổ, chúng tôi luôn thấy ấm áp, bình an như được ông bà che chở!”.

Do thời gian và chiến tranh, một số bộ phận bị hư hỏng nên nhà thu hẹp lại, hiện nhà trên 3 gian 1 chái và nhà dưới, lợp ngói âm dương, vách ván, nền ốp đá xanh, tôn cao hơn mặt sân.

Nhà trên là nơi thờ cúng gia tiên, tiếp khách và cũng là nơi nghỉ ngơi của các thành viên nam trong gia đình. Nhà dưới là nơi sinh hoạt hàng ngày của gia đình như: tiếp khách thân quen, nấu ăn, chứa lúa, nông cụ... Nhà trên có 4 vì cột, xếp dọc, chia thành 3 gian.

Các bộ phận liên kết nhau chắc chắn theo kỹ thuật ráp mộng, chốt và con niêm, con xỏ bằng gỗ (không sử dụng đinh kim loại vì đinh dễ bị ôxy hóa). Các bộ phận cột, kèo, đòn tay được chế tác to, đảm bảo sự chịu lực lâu bền.

Bên cạnh đó, yếu tố mỹ thuật cũng được chú trọng, tùy vào vị trí liên kết của các bộ phận có công năng khác nhau mà có hình thức chế tác hoặc trang trí hoa văn phù hợp như: các thân cột được bào, gọt thon nhỏ ở hai đầu, chính giữa thân hơi phình ra trông rất khỏe và đẹp; thân kèo chế theo dạng tam đoạn, trên thân viền chỉ; đầu kèo chạm lọng hình đầu chim phượng, trang trí hoa lá, mây cuộn có giá trị nghệ thuật cao; cặp hai bên câu đối có áp quả lọng hình cánh dơi rất cân đối và uyển chuyển...

Nội thất trong ngôi nhà này hiện nay thu hẹp hơn xưa, nhưng vẫn thể hiện sự uy nghi, bề thế. Những bức bao lam, hoành phi, liễn... chữ Hán Nôm đều cẩn ốc xà cừ hoặc sơn son thếp vàng. Các vật dụng, tủ thờ, trường kỷ, ván... đều là gỗ quí, được chạm trổ, cẩn ốc cầu kỳ, tinh xảo.

Theo kết quả điều tra nhà cổ năm 2007 của Bảo tàng tỉnh, toàn tỉnh có 79 ngôi nhà cổ: 26 ngôi nhà có niên đại trên 100 năm, 11 ngôi nhà trên 90 năm, 42 ngôi nhà trên 80 năm.

Từ đó đến nay chưa thực hiện thêm đợt điều tra nhà cổ, nhưng có thể nhận định niên đại và số lượng nhà cổ của tỉnh đã tăng hơn trước. Rêu phong cổ kính phủ lớp thời gian, làm cho nhà cổ ngày càng “già nua”, cần được bảo tồn để phát huy giá trị.

Theo Báo Đồng Tháp