Mùa bắt cá cạn, nhớ hoài rô dăm…

Cập nhật, 05:32, Thứ Bảy, 09/02/2019 (GMT+7)

Khi ruộng đồng còn mùa ngập lên ngập xuống, no hạt phù sa, lũ trẻ thuộc thế hệ 8X như chúng tôi không ai mà không biết, không nhớ đến những lần đi bắt cá hầm, cá cạn… rồi nhớ nhất đến những món ăn con cá rô đồng, cá rô dăm…

 

Cùng nhau “bày tiệc” cá rô đồng. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Cùng nhau “bày tiệc” cá rô đồng. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Khi những cơn mưa đầu mùa dai dẳng, mặt ruộng xăm xắp nước, nhiều loại cá đồng ngoi lên tìm nhau để duy trì nòi giống.

Ở miền Tây, nhớ cái hồi những cánh đồng lúa từ khi bắt đầu trổ cho đến gần chín cũng là mùa gió bấc bắt đầu thổi, đây là thời điểm “đẹp” để lũ trẻ chúng tôi chuẩn bị xách mấy cái rổ tre đi bắt cá đồng.

Con cá rô dăm. Ảnh: Internet
Con cá rô dăm. Ảnh: Internet

Đối với những loại cá đồng, chúng có đặc điểm hết sức tự nhiên là mùa mưa thì tìm đường lên ruộng để sinh sôi nảy nở, hết mùa lại về với sông rạch, lung đìa…

Rồi sau những cơn mưa lớn cuối tháng 10 âl, cộng với mùa nước lũ trắng đồng, cá lớn sẽ tự biết tìm về sông, rạch, còn phần đông những chú cá nhỏ thì vẫn nhởn nhơ trên đồng, chưa chịu về.

Lúc gió bấc bắt đầu thổi mạnh thì đồng ruộng bắt đầu rút nước, chỉ còn lại những vũng nước tròn tròn, đục đục, những vũng nước nhỏ là dấu chân của người đi ruộng hay những dấu chân trâu còn sót lại, cá bắt đầu “gom” về đó…

Thời điểm này, nhiều người đi theo bờ ruộng ở những cánh đồng lúa mênh mông tìm những vũng nước để bắt cá. Nhiều nhất vẫn là cá lóc, cá trê, cá rô, lòng tong, cũng có khi là lươn, là chạch…

Có những nơi vào đầu mùa bấc, người ta đã làm những cái hầm rộng chừng 4- 5 tấc để cá theo bản năng mà về đó, cá ban đêm là của chủ hầm, ban ngày là của cộng đồng- chủ yếu là lũ trẻ chúng tôi.

Còn cuối mùa bấc, cũng là thời điểm chuyển từ bắt cá hầm sang cá cạn, lúc này, cá chỉ còn cách duy nhất nằm yên chờ vào giỏ, nếu không thì cũng bị chết khô theo vũng nước đang cạn dần.

Chúng tôi còn nhớ mãi những kỷ niệm thời đó. Ruộng lúa, bờ ranh nhiều khi bị bọn trẻ chúng tôi dẫm nát luôn một khoảnh, có khi bị chủ ruộng la rầy hoặc “mắng vốn” lên tới nhà.

Ấy vậy mà vui, bởi không chỉ là khoảnh khắc bắt được những con cá đồng mà còn là biết bao món ăn mà chúng tôi có thể nghĩ ra. Hoặc nướng trui, khi lại mang về nấu canh hay chiên giòn với “keo mỡ thắng” của mẹ…

Con cá rô đồng, con cá rô dăm đối với chúng tôi là đặc biệt hơn cả, bởi loại cá này khá nhiều với những kích thước khác nhau, vì vậy cũng dùng làm nhiều món khác nhau. Đối với con cá lớn, chúng tôi thường đem về làm sạch, hái mớ rau diệu sau hè là có được món canh ngọt lành.

Cánh đồng mênh mông là nơi mà lũ trẻ chúng tôi thường đi bắt cá đồng, sau những giờ tan học.
Cánh đồng mênh mông là nơi mà lũ trẻ chúng tôi thường đi bắt cá đồng, sau những giờ tan học.

Cũng có khi gặp con cá lớn, bắt được ngay trên đồng là dùng rơm để nướng trui, cá rô đồng đặc biệt thịt trắng và rất ngọt, nói không ngoa, chúng tôi xem nó ngon nhất trong những loài cá đồng khác.

Nhưng đặc biệt hơn cả là con cá rô dăm, mỗi con chỉ bằng đầu ngón tay là ngon nhất, chúng tôi chỉ việc rửa sạch rồi chiên giòn với “keo mỡ thắng”, sang lắm thì chấm nước mắm me. Xét về độ béo, độ bùi thì có lẽ ít loại cá đồng nào sánh kịp.

Đối với những đứa trẻ 8X chúng tôi, tuy mỗi năm chỉ có một mùa bắt loại cá này nhưng món cá rô dăm chiên giòn dường như được ăn suốt mùa mà không biết ngán, bởi sau mỗi giờ học là cả bọn lại cùng nhau “xông” ra đồng, vừa bắt cá vừa cười nói rôm rả cả một góc trời.

Đó không chỉ là trò chơi của tuổi thơ, mà còn là cả một khoảng trời kỷ niệm, về con cá đồng, về con cá rô dăm, về những mùa nước ngập tràn đồng, về vũng nước nhỏ ngầu đục phù sa cuối mùa…

Khác với cá rô lớn, cá rô dăm thì ăn luôn cả xương. Nếu không chiên giòn thì có thể kho hoặc lăn bột chiên, làm món nào cũng ngon…

Đối với chúng tôi, hương vị ngọt lành, béo bùi của cá rô dăm không chỉ ở từng miếng thịt nhỏ mà còn chất chứa biết bao hương vị của đồng ruộng. Nghĩ đến thôi mà mong có cơ hội mang chiếc rổ tre ra đồng, gặp đúng vũng nước cá rô dăm.

Con cá rô được nhiều người thích bởi thịt ngọt thanh.
Con cá rô được nhiều người thích bởi thịt ngọt thanh.

Người miền Tây thường dùng câu cửa miệng “nhỏ mà có võ”, câu này đúng với nhiều trường hợp cũng lại rất phù hợp với những nồi cá rô dăm kho, chiên giòn, lăn bột…

Ngày nay, vì nhiều nguyên nhân, cảnh bắt cá đồng trong những vũng nước cạn cũng dần đi vào quá khứ, xếp lại biết bao kỷ niệm mà nhiều thế hệ đi trước đã trải qua.

Con cá rô đồng, con cá rô dăm giờ cũng như nhiều loại cá khác cũng thưa dần trên ruộng lúa, nhường lại môi trường sống thuận tiện cho những mô hình sản xuất năng suất cao…  

Bình minh trên cánh đồng lúa mùa Tư Việt (Kiên Giang).
Bình minh trên cánh đồng lúa mùa Tư Việt (Kiên Giang).

Có chăng, giờ chỉ còn một vài nơi lưu giữ cánh đồng lúa mùa thuở khai hoang như ở Tư Việt (Kiên Giang), khu bảo tồn lúa mùa nổi Tri Tôn (An Giang) hay gần đây nhất là cá đồng đang dần kéo về khu trồng lúa hữu cơ ở huyện Tam Bình (Vĩnh Long), những vùng lúa nằm ngoài đê cho mùa nước tràn về… Những loại cá đồng còn thuận theo bản năng, tìm đường sinh sôi khi mưa dầm, rút về sông khi mùa bấc thổi…

Có đôi khi, đối với những người con xa quê, xa đồng ruộng, có những buổi chiều mưa dầm, món cá rô đồng, rô dăm như một món ăn tinh thần, nhắc nhở về quê nhà bình dị, cánh đồng thân thương, còn tình quê thì chân chất đến lạ thường… 

Bài, ảnh: KHÁNH DUY