Gần 4.000ha lúa và hành tím bị ảnh hưởng do cơn bão số 1

Cập nhật, 07:33, Chủ Nhật, 06/01/2019 (GMT+7)

Mấy ngày qua, do ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão số 1 nên tại địa bàn Sóc Trăng đã xảy ra mưa to gió lớn, giông lốc làm thiệt hại nặng đến nhà cửa, cây trồng, rau màu của người dân Sóc Trăng.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng thăm hỗ trợ và giúp dân ở Vĩnh Châu khắc phục thiên tai. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)
Lực lượng Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng thăm hỗ trợ và giúp dân ở Vĩnh Châu khắc phục thiên tai. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)


Theo thống kê chưa đầy đủ, tại các địa phương trong tỉnh đã có gần 90 căn nhà bị thiệt hại do giông lốc; trong đó có 15 căn bị sập hoàn toàn, còn lại là tốc mái, hư hại một phần. 

Ngoài ra, gần 4.000ha lúa và hành tím của nông dân Sóc Trăng bị ảnh hưởng, thiệt hại có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.

Thiệt hại nặng nhất là có tới hơn 2.100ha trên tổng số 3.700ha hành tím vụ Tết của nông dân ở thị xã Vĩnh Châu bị mưa ngập, trong đó có 625ha bị ngập sâu. Việc ngập úng lâu ngày không khắc phục được sẽ ảnh hưởng nặng đến năng suất, chất lượng hành, nhiều diện tích trong số này sẽ mất trắng.

Theo các hộ trồng hành tím Vĩnh Châu, mỗi ha trồng hành, phải đầu tư khoảng 120 triệu đồng với diện tích hành bị ảnh hưởng lớn trong những trận mưa vừa qua có thể gây thiệt hại cho người trồng hành lên tới hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, nguồn hành cung ứng vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới được dự báo sẽ khan hiếm, có thể gây sốt giá cao.

Ngoài hành tím, tính đến ngày 4/1, diện tích lúa ở Sóc Trăng bị ngập, ngã đổ thống kê được là trên 1.700ha, chủ yếu thuộc địa bàn các huyện Mỹ Tú và Kế Sách với 85ha lúa bị thiệt hại 40%. Khoảng 490ha lúa mới xuống giống bị ngập, 20ha mía bị đổ ngã; 1 căn nhà bị sập; một số đoạn bờ bao và đường đal bị sạt lở. Ước tổng giá trị thiệt hại hơn 5,5 tỷ đồng.

Trước tình trạng lúa và rau màu, hành tím của người dân bị ảnh hưởng nặng do mưa bão, giông lốc gây ra để giảm thiệt hại và hướng khắc phục nhanh cho người dân, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã cử cán bộ kỹ thuật về cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo nông dân nhanh chóng khắc phục bằng cách tuyên truyền, vận động, huy động nhân dân cùng các lực lượng phối hợp nhanh chóng bơm tát nước ở vùng lúa, hành tím bị ngập, rút nước nhanh bằng các phương tiện sẵn có. 

Riêng với lúa đã chín bị ngập, người dân phải nhanh chóng thu hoạch, hạn chế ngâm nước lâu, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, đối với diện tích hành tím bị ngập ở thị xã Vĩnh Châu, cán bộ ngành nông nghiệp hướng dẫn bà con đánh rãnh thoát nước; sau khi rút nước, tăng cường các loại phân bón lá, kích thích ra rễ, giàu canxi, silic để giúp cây phục hồi; phun các loại thuốc phòng trị các loại bệnh do vi khuẩn trên cây hành tím.../.

Theo TTXVN