Về An Hòa Tây nghe chuyện trồng rau sạch

Cập nhật, 06:41, Chủ Nhật, 18/11/2018 (GMT+7)

Khi mâm cơm gia đình còn nóng rẫy câu chuyện an toàn, chúng tôi bon bon xã An Hòa Tây (huyện Ba Tri- Bến Tre) nghe chuyện bà con trồng rau sạch. Họ tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm phân bón để sản xuất rau theo hướng hữu cơ.

Được bao tiêu đầu ra, rau thành phẩm không chỉ giảm giá thành còn bán được giá cao hơn rau thông thường.

Hệ thống nhà lưới giúp giảm độ nắng, phun nước tự động cho rau và giảm bớt công lao động.
Hệ thống nhà lưới giúp giảm độ nắng, phun nước tự động cho rau và giảm bớt công lao động.

Tận dụng phế phẩm tự nhiên

Tận dụng phụ phẩm khí sinh học trong sản xuất nông nghiệp, những nông dân ở Tổ hợp tác (THT) Rau hữu cơ Hữu Nhiên (ấp An Bình 2) không chỉ giúp bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu mà còn trồng rau hữu cơ.

Với nguồn cung ổn định được công ty ở TP Hồ Chí Minh bao tiêu, nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ giá trị nông sản tăng gấp 2- 3 lần so với rau thông thường.

Mỗi hộ gia đình trồng rau hữu cơ đều tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm phân bón.
Mỗi hộ gia đình trồng rau hữu cơ đều tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm phân bón.

Ông Bùi Văn Hiếu- Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hòa Tây- cho biết: “Việc ủ phân rơm, phân bò, các phế phẩm nông nghiệp để làm phân, bà con ở xã đã biết từ lâu, nhờ được tập huấn việc ủ và xử lý phân hiện nay an toàn và hiệu quả hơn, giúp bà con tiết kiệm chi phí sản xuất”.

THT Rau hữu cơ Hữu Nhiên gồm 16 thành viên, thành lập và đăng ký sở hữu trí tuệ năm 2017. THT này liên kết với công ty hợp đồng tiêu thụ rau sạch các loại như: rau muống, mồng tơi, cải xanh, cải thìa,… chủ yếu ở thị trường TP Hồ Chí Minh.

Chú Mạc Văn Hoàng- Tổ trưởng THT- cho biết: “Quy mô của tổ gần 12.500m2, mỗi ngày tổ thu hoạch từ các hộ thành viên bán cho công ty 140- 150kg rau, củ, quả sạch”.

Dẫn chúng tôi ra khu ủ phân bò, chú Hoàng cho biết: “THT có 16 hộ thành viên, được tuyển chọn từ 35 thành viên đăng ký tham gia, đều lắp đặt mô hình khí sinh học và tận dụng nước xả làm phân bón cho vườn rau hữu cơ”.

Luống cải chuẩn bị thu hoạch của chú Hoàng.
Luống cải chuẩn bị thu hoạch của chú Hoàng.

Nhà chú Hoàng nuôi 7 con bò, nước thải dội chuồng được dẫn xuống hệ thống bể phân giải để xử lý.

Chú Hoàng cho biết, các thành viên trong THT đều trộn nước xả vào hỗn hợp phân chuồng, vôi, nấm Trichoderma rồi ủ hoai từ 3 đến 6 tháng, sau đó mới bón cho rau “trộn thêm phân cá để tăng hàm lượng dinh dưỡng”.

Sử dụng khí sinh học làm nhiên liệu trong sinh hoạt cũng giúp tiết kiệm chi phí chất đốt trong sinh hoạt gia đình. Ngoài nấu ăn, sinh hoạt, nhà chú Hoàng còn nấu mỗi ngày 2 kháp rượu nếp được khoảng 20 lít rượu đều dùng khí sinh học.

Cho rau ngon lành

Các luống rau cải xanh tươi của THT hoàn toàn không sử dụng thuốc hóa học được công ty luân phiên thu hoạch lần lượt ở các hộ thành viên mỗi ngày, sau đó đưa về khu sơ chế đặt tại nhà chú Hoàng để làm sạch, đóng gói và vận chuyển đi tiêu thụ. Chú Hoàng cho biết: “Giá rau ổn định, cung cấp theo lịch đặt hàng của công ty với giá 18.000 đ/kg”.

Để hạn chế sự tấn công của sâu bệnh hại rau, các vườn rau ở đây được áp dụng các biện pháp xen canh và luân canh giữa các giống rau khác nhau và trồng thêm các loại rau gia vị để tạo thêm tính đa dạng sinh học.

Bên cạnh, các loại hoa dẫn dụ côn trùng cũng được trồng xung quanh vườn rau để thu hút các loại côn trùng và thiên địch có lợi giúp cân bằng hệ sinh thái.

Chúng tôi đi thăm vườn rau hơn 1.000m2 của chú Hoàng, chú cho biết, muốn trồng rau hữu cơ, trước hết người trồng phải có tâm, không thuê nhân công được, tự tay mình trồng mới chăm chút kỹ lưỡng.

Được cái, khi trồng hữu cơ thì cây rau ít sâu bệnh, trồng đa dạng sinh học có tính chất đối kháng.

2 luống rau cải bó xôi tới ngày thu hoạch xanh tươi tốt. Chú cầm cọng rau đưa chúng tôi xem và nói: “Các con xem, cọng rau giòn khấu hà. Rau hữu cơ có màu xanh của đọt chuối non chứ không xanh rì”.

Rồi chú tiếp lời: “Sâu bệnh nó thích loại rau này nhưng lại kỵ loại rau kia nên trồng rau hữu cơ này phải trồng đa dạng, chứ trồng một thứ là không được. 

Như trồng rau nào cũng phải xen canh với cải xà lách bởi con sâu tơ rất kỵ nó. Rau cải bó xôi chịu nhiệt tốt lắm.

Chú Hồ Văn Châu bên giàn mướp chuẩn bị thu hoạch.
Chú Hồ Văn Châu bên giàn mướp chuẩn bị thu hoạch.

Vào mùa mưa nhiều, mình trồng nhiều rau ăn trái như mướp, khổ qua rừng, bí đao, bồ ngót Nhật, đậu bắp. Trồng xen canh vậy nên ngày nào cũng có rau, củ bán hết”- chú Hoàng cho biết.

Cô Huỳnh Thị Nhịn- một hộ trong THT- vừa thoát nghèo. Lúc trước, cô trồng màu bình thường, bán ra không được giá, còn bị sâu bệnh, thu nhập bấp bênh.

Từ khi chuyển sang trồng rau sạch, kinh tế gia đình cô ổn định hơn trước. Với 1 công đất, mỗi ngày cũng được khoảng 200.000đ.

Huyện Ba Tri hiện đang mở rộng các hộ sản xuất rau hữu cơ theo chuẩn PGS. Bên cạnh đó, THT Rau hữu cơ Hữu Nhiên cũng đang hoàn thành các thủ tục để được công nhận tiêu chuẩn Organic.

An Hòa Tây đang thực hiện ước mơ giúp nông dân thoát nghèo dù diện tích canh tác nhỏ lẻ bằng nông sản an toàn như thế.

Ngoài THT Rau hữu cơ Hữu Nhiên, tại xã An Hòa Tây còn có nhóm rau hữu cơ do Tổ chức See to table của Nhật Bản tài trợ. Là một hộ thành viên trong nhóm này, chú Hồ Văn Châu có diện tích 1.500m2, sản xuất rau hữu cơ theo chuẩn PGS.

Chú trồng đa dạng các loại rau ăn lá và ăn quả như: dưa leo, khổ qua, mướp, cải bẹ xanh, xà lách, đay, mồng tơi, rau dền. Chú Châu cười khoe: “Sau một thời gian cải tạo đất, giờ nó ngon lành rồi năng suất gần bằng rau sản xuất bằng phân, thuốc hóa học; giá bán thì lại cao hơn gấp đôi”.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- CAO HUYỀN