Về miền tây ghé Vĩnh Long, Tân Châu

Cập nhật, 17:29, Thứ Bảy, 11/08/2018 (GMT+7)

Nếu bạn chỉ có đôi ba ngày thong thả, bạn lại muốn ngắm miền sông nước, sao không thử xuôi về miền Tây?

Ghé Vĩnh Long đi, nơi có một số làng nghề nổi tiếng được đông đảo du khách biết đến như: làng nghề bánh tráng Cù lao Mây (huyện Trà Ôn), làng nghề tàu hũ ky (thị xã Bình Minh), làng nghề đan thảm lục bình (huyện Tam Bình), làng nghề trồng lác và chế biến sản phẩm từ cây lác (huyện Vũng Liêm), làng nghề sản xuất gạch, gốm mỹ nghệ (huyện Long Hồ, Mang Thít), làng mai Phước Định (huyện Long Hồ)...

Thông qua các tour “Về miền quê”, “Vòng tay thiên nhiên”, “Đêm thôn dã” hoặc bắt một chuyến xe đò tốc hành, bạn có thể khám phá Chợ nổi Cái Bè, tham quan lò cốm, kẹo Cửu Long, làng mai vàng Phước Định, tìm hiểu quy trình làm gạch gốm từ nguồn đất sét với kỹ thuật và sự khéo léo của người dân địa phương.

Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế có chợ nổi Trà Ôn, thiên nhiên sông nước hữu tình, những năm gần đây nhiều hộ dân ở làng nghề bánh tráng Cù lao Mây (huyện Trà Ôn) cũng đầu tư phát triển nghề tráng bánh gắn với hoạt động du lịch, thông qua dịch vụ phục vụ du khách tham quan,

nghỉ qua đêm tại nhà dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân địa phương tráng nên những vỉ bánh thơm ngon đủ loại, nào là bánh tráng nem, bánh tráng ngọt, bánh tráng nhúng, bánh tráng dừa, mà giờ đây những loại bánh này đã trở thành đặc sản và nổi tiếng được du khách phương xa biết đến.

À, nếu đã đến Vĩnh Long rồi, đừng vội đi nếu chưa thử xem vì sao nơi đây được gọi là “Vương quốc gạch ngói”.

Từ cầu Mỹ Thuận, nơi sông Tiền tách dòng Cổ Chiên, kéo dài 30 cây số đến vàm sông Mang Thít, bạn có thể thấy trên 1.000 lò gạch mọc lên như một thành phố cổ.

Nói vậy để biết, toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có khoảng 2.800 miệng lò của 1.326 cơ sở sản xuất gạch ngói và gốm mỹ nghệ xuất khẩu.

Có đến Vĩnh Long mới thấy hết được sự kỳ diệu của đất và đôi bàn tay tài hoa của người thợ gốm. Gốm đất Vĩnh Long với màu đỏ tự nhiên đã trở thành dòng sản phẩm đặc trưng, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng...

Sản phẩm của làng nghề đã có mặt tại các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Úc và một số nước châu Á: Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản... sản lượng ngày càng tăng.

Bằng việc tìm thị trường, khai thác và tổ chức lại sản xuất theo hướng công nghiệp, đa dạng các mặt hàng, nhất là chất lượng và mẫu mã là điều kiện quyết định để gốm sứ Vĩnh Long ngày càng được vươn xa...

Theo Sở công thương tỉnh Vĩnh Long, gốm đất đỏ Vĩnh Long mang tính đặc thù một phần ở những kiểu dáng, thể hiện được nét tài hoa của người thợ thủ công vựa lúa phía Nam, đặc thù chính ở chỗ những sản phẩm gốm đất nung không men có màu đỏ hồng, xen lẫn các mảng loang trắng bạc, tạo nên sự hấp dẫn độc đáo đối với khách hàng từ nhiều nước châu Âu, châu Mỹ...

Tân Châu nói riêng, An Giang nói chung không chỉ hấp dẫn du khách bởi lợi thế về cảnh quan thiên nhiên mang đậm nét vùng sông nước, mà còn có nhiều di tích lịch sử và các lễ hội văn hóa dân tộc đặc sắc...

Tân Châu là địa bàn cù lao biên giới, vừa tiếp giáp sông Tiền, sông Hậu; chính vì vậy mà phát triển du lịch đường sông rất là mạnh.

Tân Châu thường được chọn là điểm dừng chân cuối cùng ở miền Tây trước khi sang Campuchia của nhiều tàu du lịch dành cho khách nước ngoài. Gần 10 năm qua, các dịch vụ phục vụ du khách ngày càng phát triển.

Đến nay, Tân Châu phát triển du lịch rất mạnh, lượng khách chủ yếu là khách du lịch quốc tế; hiện nay trên địa bàn thị xã có 18 công ty lữ hành du lịch đi tour, tuyến từ TP.HCM lên Xiêm Riệp (Campuchia), vì vậy mà Tân Châu là điểm dừng chân của du khách.

Theo bà Lê Thị Kiều Hạnh, chủ cơ sở Hồng Ngọc, phường Long Châu, thị xã Tân Châu cho biết: “Hàng tuần, cứ đến ngày thứ hai, tư, sáu, bảy và chủ nhật,

cơ sở dệt lụa Hồng Ngọc tất bật với công việc đón hàng trăm khách Tây đến bằng tàu du lịch Cánh Buồm Đông Dương, từ TP. HCM, đoàn khách đã ghé qua khu du lịch sinh thái ở Tiền Giang, tham quan nhà cổ Sa Đéc ở Đồng Tháp, rồi về quê lụa Tân Châu để tận mắt thấy, tận tay sờ những dải lụa mềm dệt bằng tơ tằm tự nhiên.

Bề dày lịch sử của làng nghề trên trăm năm tuổi và tiếng tăm của chất lụa Tân Châu trên nhiều sàn diễn thời trang quốc tế đã thu hút sự chú ý của du khách. Cảm nhận trực tiếp từ sản phẩm càng làm du khách thích thú”.

Tại nơi đây, du khách một lần nữa được nghe về thiên đường tơ lụa cách đây chừng một thế kỷ, nơi đã sáng tạo nên Lãnh Mỹ A nổi tiếng, ngay cả vải “xá xị Xiêm” - một loại lụa Thái Lan nức tiếng cũng không thể sánh được.

Thời kỳ đầu của nghề ươm tơ, dệt lụa ở Tân Châu, người ta dệt lụa theo khung dệt cổ. Khổ vải dệt ra chỉ rộng khoảng 4 tấc, khi may quần áo phải nối vải nên không đẹp.

Dần dần, làng nghề tạo ra khung dệt khổ 8 tấc, rồi 9 tấc, đồng thời nghiên cứu làm cho lụa đẹp hơn, bền hơn với nhiều hoa văn tinh xảo như: cẩm tự, hoa dâu, hoa cúc, mặt võng, mặt đệm...

Lụa được dệt xong sẽ nhuộm màu bằng trái mặc nưa. Đây là kỹ thuật phát kiến độc đáo nhất của người làng nghề xưa làm cho lụa Tân Châu đen tuyền, óng ả, cho đến bây giờ, không ai biết chính xác người nào đã tìm ra cách nhuộm loại lụa mà trước đây còn xuất hiện ở Ấn Độ, Singapore, Philippines... và rất được giới thượng lưu, hoàng tộc các nước ưa chuộng.

Muốn làm ra những thước lụa tuyệt đẹp, lóng lánh một màu đen đặc biệt, từ lúc xe tơ dệt lụa rồi công đoạn tiến hành thuốc nhuộm từ trái mặc nưa cũng mất đến 60 ngày, trong đó thời gian nhuộm và phơi mất khoảng 40 - 45 ngày.

Nét nổi tiếng và độc đáo riêng của lụa Tân Châu chính là sự mềm mại, dai, bền và hút ẩm cao. Các trang phục may từ lụa Tân Châu đều mang đến cho người mặc cảm giác thoải mái, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp về mùa đông. Vì vậy, thật xứng danh khi được mọi người gọi lụa Tân Châu là “Nữ hoàng” của các loại tơ.

Thời gian gần đây, bên cạnh màu đen truyền thống do nguyên liệu nhuộm tự nhiên của trái mặc nưa, những người sản xuất lụa Tân Châu còn tìm kiếm những kỹ thuật nhuộm tự nhiên nhiều màu khác nhằm phục vụ nhu cầu ngày một đa dạng của du khách.

Bên cạnh đó, thổ cẩm Châu Giang cũng gây được sự chú ý bởi không những mang nét đẹp truyền thống của thổ cẩm mà còn mang nét đặc sắc của văn hóa Chăm với các đường nét lạ độc đáo.

Với nhiều loại sản phẩm thổ cẩm đa dạng như: xà rông, khăn choàng, nón, áo khoác..., thổ cẩm Châu Giang là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, hấp dẫn người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Đến khám phá Tân Châu, du khách sẽ được xem quy trình thực hiện đầy kỳ công của một tấm vải thổ cẩm dù không thể sánh bằng lụa Lãnh Mỹ A nhưng cũng đặc sắc không kém.

Ngoài lụa, nghề dệt chiếu UZU xuất khẩu Tân Châu Long cũng là điểm dừng chân thứ hai tham quan và mua sắm của khách Tây ở Tân Châu với các mặt hàng dép cói, thắt lưng, giỏ, chiếu xếp du lịch tắm biển...

Sau khi mua vài món đồ lưu niệm, du khách trở lại tàu ăn uống và tiếp tục hành trình sang Campuchia hay quay hành trình về TP.HCM. Ông Lê Văn Tho, chủ cơ sở dệt chiếu Tân Châu Long chia sẻ:

“Từ 10 năm trước, các công ty du lịch xem trên mạng thấy cơ sở dệt chiếu UZU xuất khẩu Tân Châu Long có mẫu mã đẹp; bắt đầu người ta tới hợp đồng dẫn khách lại, rồi làm tới giờ.

Khách tới đây xem quy trình làm chiếu như: nhuộm, dệt, làm dép, giỏ, cặp táp, túi đựng iPad, bóp đủ thứ... rồi khách mua nhiều thứ lắm để làm quà kỷ niệm”.

Có vẻ Tân Châu đã cảm nhận được ngành du lịch phải hướng mạnh đến việc “bán” những gì du khách cần, chứ không phải là bán những cái sẵn có.

Vậy nên, các khu nghỉ dưỡng đơn giản bằng tre, gỗ, lá với không khí thoáng mát xung quanh khu vực trồng hoa màu nhằm giữ chân khách nghỉ qua đêm lần lượt được xây dựng để khai thác được các yếu tố tự nhiên, đồng thời đáp ứng được nhu cầu giải trí, ẩm thực nhằm giữ chân du khách lâu hơn.

Song song đó, ẩm thực Tân Châu có nhiều món ngon đặc sản và những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm, nhất là vào mùa nước nổi với vô số loại đặc sản như: tôm, cua, ốc, cá tươi ngon đánh bắt từ tự nhiên...

Do đó, khi được đưa vào phục vụ, gắn với du lịch sông nước, các cồn bãi đặc thù tự nhiên của Tân Châu, yếu tố này đã hấp dẫn hơn, thu hút được rất nhiều khách du lịch đến tham quan.

Theo Khoa học Phổ thông