Về đồng nước nổi

Cập nhật, 14:24, Thứ Năm, 16/08/2018 (GMT+7)

 

“Tháng 7 nước nhảy lên bờ”, câu nói của ông cha xưa thôi thúc tôi tìm về những cánh đồng nước lũ ở “vùng trong” của huyện Châu Phú. Trước cảm giác choáng ngợp của thiên nhiên, tôi bỗng nhớ về kỷ niệm của những ngày thơ ấu mỗi khi mùa nước nổi tràn về, nhuộm trắng những cánh đồng mênh mông, tít tắp.

Về Ô Long Vĩ những ngày này, cảm giác thật thoải mái khi đứng trước cánh đồng xả lũ. Ngoài kênh, con nước ngầu đỏ phù sa. Trong đồng, nước bình yên đến lạ, thấp thoáng vài chiếc xuồng con mưu sinh trong lũ.

Chị Nguyễn Thị Hiền (người đã có hơn 40 năm gắn bó cùng mùa lũ) chia sẻ: “Năm nay nước “chụp” nhanh quá, con cá không lớn kịp nên chợ chưa phong phú lắm. Miệt đầu nguồn tui không biết, chứ ở đây cá mắm chưa nhiều.

Được cái, lũ năm nay lên cao nên lúc nước bêu chắc sẽ có cá nhiều hơn. Mấy hôm nay, tui đặt lọp cá rô, kiếm mỗi ngày 2 - 3kg đem cân chợ để trang trải chi phí trong gia đình”.

Người phụ nữ này tính tình “y chang” cái tên của chị. Nhanh tay giở lọp, miệng trả lời những câu hỏi của tôi một cách chậm rãi. Chị Hiền cho biết, nghề đặt lọp cá rô có từ thời “ông già”, nay chị “nối nghề“ để không quên ký ức về người cha cần lao.

Người quê vốn không quen dùng mét để nói đến mực nước, họ lấy cơ thể mình để dẫn chứng cho dễ hình dung.

Với câu hỏi của tôi, chị xởi lởi: “Nước sát mé thì tới lưng quần, ra giữa đồng thì ngập ngang bụng, có chỗ lên tới ngực tùy mặt ruộng. Năm nay nước cao, mới tháng 6 (âm lịch) đã lút đọt lúa gài, chứ năm trước không như vậy. Có bữa tôi đặt dính 5 - 7kg cá rô, bạn hàng cân 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Nếu cá nhỏ thì bán được tầm 15.000 - 20.000 đồng/kg, chủ yếu người ta mua để phóng sinh. Tui chỉ đặt lọp cá rô tới nước bêu, lúc đó chuyển sang đặt lưới cá linh. Trước giờ đều như vậy, tới tháng nước thì cứ buông này, bắt kia để có đồng ra đồng vô”.

Khi chiếc xuồng cui dần đưa 2 mẹ con người phụ nữ chất phác ấy ra giữa đồng nước mênh mông, tôi thấy thương cho những mái chèo nhọc nhằn ấy. Họ đã gắn bó với mùa lũ và sẽ còn đi cùng nó cho đến khi nào không thể.

Những cơn gió mang theo cái tươi mát của biển nước mênh mông chạm vào da mặt như nhắc về ngày thơ ấu, khi ba tôi giăng mấy tay lưới đêm hay xách chài kiếm mớ cá hủn hỉn về nấu cháo.

Ở “vùng trong” này, kênh rạch chằng chịt nên chẳng mấy ai nhớ nổi tên. Dọc theo mấy bờ kênh là những rặng tràm đang trổ bông với vẻ đẹp chân quê càng làm cho đồng nước lũ thêm thi vị.

Theo tuyến kênh Ranh, chúng tôi đi qua con đường đê đầy bùn sau những ngày mưa dầm để đến xã Đào Hữu Cảnh. Mùa này, điên điển trổ bông lưa thưa vì có người đi hái thường xuyên.

Dừng chân ghé quán bên đường, chị chủ bưng tô bún cá mà miệng không quên quảng cáo: “Mùa này có “điên điển mình” đó chú, thơm ngọt lắm. Giờ loại này có giá nên người ta trồng bán chợ nhưng chị thì hái ở dọc bờ kênh gần nhà”.

Có lẽ, loại hoa đồng cỏ nội đặc sản này chỉ còn tồn tại nhiều ở những biển nước lũ mênh mông của xứ đầu nguồn hay tận “vùng trong” dân dã này. Mỗi lần thấy chúng, bất cứ ai lớn lên bên mùa lũ sẽ lại nhớ về những hình ảnh của tuổi thơ chân chất, thân thương.

Nước lũ về làm “mát chân” những rặng cà na ven mấy dòng kênh của 2 xã Đào Hữu Cảnh, Thạnh Mỹ Tây. Năm nay nước lên nhanh, chứ cà na chưa vào mùa rộ. Theo chân người bạn, tôi tìm đến những rặng cà na xanh um, lủng lẳng từng chùm trái đủ cỡ. Được biết, dân “vùng trong” bây giờ trồng cà na Thái để bán quanh năm.

Còn cà na tự nhiên thì trái chỉ mới bằng lóng tay trỏ, to hơn nữa thì cỡ lóng tay cái. Ông Nguyễn Văn Chung (người dân ấp Ba Xưa, xã Thạnh Mỹ Tây) cho biết: “Bây giờ, thương lái mua cà na tươi với giá 20.000 đồng/kg. Mấy gốc cà na nhà tui, mỗi ngày bẻ chừng 3 - 5kg, tính ra cũng có nguồn thu.

Hồi nhỏ, mình bẻ ăn chơi chứ giờ cà na có giá lắm, nhiều người ở thành thị về đây nhất quyết kiếm cho được cà na muối hay cà na ngào đường để thưởng thức”. Người bạn chèo xuồng cặp dưới bóng cà na để bẻ mấy trái to ăn chơi làm tôi nhớ lại những ngày “trẻ trâu“ của mình.

Cái vị chát ngắt, chua ái của trái cà na làm đám con nít ranh nhăn mặt, vậy mà cứ hái cho “sướng” cái tính phá phách hồi còn nhỏ.

Tạm biệt mấy cánh đồng trắng nước của “vùng trong” dưới cơn mưa nặng hạt, tôi thầm mong mùa lũ sẽ mang đến cá, tôm nhiều hơn trong những ngày tới. Rồi đây, đồng nước lũ sẽ mãi là hình ảnh đẹp trong lòng những người con xa xứ, trở thành nỗi nhớ miên man, đánh thức ký ức trẻ thơ, nuôi dưỡng tình yêu sâu đậm với mảnh đất miền Tây, nơi có 2 mùa mưa nắng và mấy tháng nước tràn đồng!

Theo TTMT