Nông dân làm du lịch

Cập nhật, 16:47, Thứ Hai, 20/08/2018 (GMT+7)

Gốc nông dân nên làm du lịch sẽ mang nét chân quê, nhưng cũng chính cái chân quê đấy đã khiến khách mê và tìm đến xứ cù lao “đổi gió”. Nhờ có những vị khách phương xa đến cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân bản địa, đã tạo nên nét mới cho cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên), từ đó kinh tế gia đình của người dân tham gia làm du lịch cũng khấm khá hơn.

Người ta còn gọi Mỹ Hòa Hưng bằng cái tên cù lao Ông Hổ, vì gắn với câu chuyện truyền miệng về nghĩa tình giữa hổ với người.

Từ vùng đất chứa đựng những huyền thoại cùng nét mộc mạc của khung cảnh và cách sống của người thôn quê đã tạo nên nét văn hóa đặc thù thu hút du khách thành thị, quốc tế đến Mỹ Hòa Hưng để trải nghiệm cuộc sống dân dã của nông dân miền Tây sông nước.

Người dân Mỹ Hòa Hưng làm du lịch (DL) homestay đã được 10 năm nay, bước đầu tiếp xúc với người nước ngoài, những hộ làm DL đều rất bỡ ngỡ. Tuy nhiên, khi được tham gia các lớp đào tạo về DL và ngoại ngữ, dần dần bà con cũng quen và yêu thích công việc của mình.

Nhờ kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển DL cộng đồng đã mang lại cho mỗi hộ nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Điểm DL homestay “Ba Đính” (ấp Mỹ An 2) là ngôi nhà sàn, cột gỗ, nền ván, mái lợp ngói ống, có niên đại gần 120 năm tuổi, do cụ Tôn Văn Nhâm (anh họ của Bác Tôn) xây dựng. Hiện, ngôi nhà hương quả này do ông Tôn Thất Đính gìn giữ.

Ông Đính làm DL từ những ngày đầu khi mô hình homestay khởi phát trên đất Mỹ Hòa Hưng, mỗi năm gia đình ông đón khoảng 200 - 500 lượt khách.

Có nhiều năm kinh nghiệm làm DL homestay, ông Đính cho biết: “Những hộ làm DL ở đây thường xuyên chỉnh trang cảnh quan xung quanh nhà sao cho xanh, sạch, đẹp để tạo ấn tượng tốt với du khách.

Bởi, những ngôi nhà sàn, mái ngói cổ kính ẩn sau hàng rào làm bằng cây xanh được tỉa tót thẳng tắp là điểm thu hút nhất đối với du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Khi được nghe giới thiệu về tập quán cất nhà sàn gỗ của người dân Nam Bộ, du khách rất thích thú”.

Ngoài mục đích kiếm thêm thu nhập, ông Đính xác định làm DL homestay còn là cách để quảng bá văn hóa, nếp sống của người Việt Nam ra thế giới, nên phải đối xử với khách thật tử tế.

“Khách đến chơi, ăn, ngủ tại nhà mình phải làm cho họ thấy thật thoải mái. Sợ khách không quen ngủ dân dã, tôi trang bị máy điều hòa ở phòng ngủ nhưng hầu hết khách không chịu sử dụng, họ muốn trải chiếu, giăng mùng ngủ trên sàn nhà giống như gia chủ, vì vậy khoảng cách giữa khách với chủ nhà dường như bị xóa bỏ hoàn toàn.

Các hoạt động của gia đình tôi, khách đều tham gia để trải nghiệm, phụ nữ thì được hướng dẫn cách vò sương sâm, đổ bánh xèo, gói bánh tét…cánh đàn ông thì đi hái trái cây, bẻ dừa, câu cá để làm mồi nhậu…

Được tham gia đổ bánh xèo hay gói bánh tét, khách nước ngoài rất chú tâm, họ ghi chép cẩn thận từng loại nguyên liệu, cách chế biến. Khi tự tay mình làm ra một chiếc bánh, họ rất vui mừng, mình cũng vui theo”- ông Đính chia sẻ.

Cách nhà ông Đính không xa, một ngôi nhà cổ khác được xây dựng từ năm 1934 cũng tham gia làm DL homestay. Chủ nhân điểm DL này là anh Trần Phước Nguyên (sinh năm 1977).

Anh Nguyên cho biết: “Lúc đầu tiếp xúc khách nước ngoài, gia đình anh có chút lọng cọng do bất đồng ngôn ngữ, cái gì cũng phải nhờ hướng dẫn viên phiên dịch. Tiếp riết rồi quen, giờ tôi có thể đọc được ý khách qua ánh mắt, cử chỉ”.

Để chuyên nghiệp hơn trong cách phục vụ, anh Nguyên đã tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, phục vụ bàn, nấu ăn, tận dụng mạng xã hội để quảng bá loại hình DL homestay của gia đình.

Đồng thời, anh đầu tư thêm các vật dụng, thiết bị trong nhà và tận dụng khoảng đất phía sau vườn trồng thêm các loại cây ăn trái, thả cá, nuôi gà… để làm phong phú các món ăn và tạo thú vui cho khách.

Theo Bao An Giang