"Lũ sớm" người dân vùng "rốn lũ" kẻ mừng, người lo

Cập nhật, 15:51, Thứ Hai, 06/08/2018 (GMT+7)

Theo bà con nông dân các tỉnh thượng nguồn: Long An, Đồng Tháp, An Giang,… năm nay nước lũ về sớm hơn mọi năm khoảng nửa tháng. Hiện mực nước đã dâng lên khá cao, một số diện tích lúa cùng nông sản đã bị ngập nước, bà con nông dân đang cố gắng thu hoạch sớm để chạy lũ. Và, bà con sinh sống bằng nghề “ăn” cá mùa lũ cũng bắt đầu cuộc mưu sinh sớm hơn dự định.

Đinh Văn Đức ủ rủ đi thăm ruộng lúa bị ngập nước.
Đinh Văn Đức ủ rủ đi thăm ruộng lúa bị ngập nước.

Thu hoạch sớm “chạy lũ”

Theo Đài khí tượng thủy văn Đồng Tháp, nước lũ đầu nguồn miền Tây đang lên nhanh, khoảng 7-10cm mỗi ngày. 

Ngoài mưa lớn kết hợp và sự cố vỡ đập ở Lào, nước lên còn chủ yếu do triều cường dâng cao. Dự báo, đến giữa tháng 8, đỉnh lũ đạt báo động 1 (trên sông Tiền tại Tân Châu đạt mức 3,5m; sông Hậu tại Châu Đốc là 3m).

Hiện một số xã thượng nguồn như: Thường Thới Hậu B, Thường Phước 2 (huyện Hồng Ngự- Đồng Tháp), xã Vĩnh Tế, Vĩnh Hội Đông, Phú Hội (huyện An Phú) và các xã thuộc TX Tân Châu (An Giang),… nước lên khá  nhanh, cùng áp lực triều cường khiến cho các diện tích lúa, nông sản nằm ngoài đê bao khép kín đều bị ngập trong nước. Bà con nông dân không còn cách nào khác là thu hoạch sớm lúa và nông sản.

Mắt đau đáu nhìn về phía ruộng dưa đang ngập trong “biển” nước, anh Nguyễn Văn Lộc (xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú- An Giang) buồn bã nói: “Thấy cũng trúng, tôi cứ nghĩ sẽ bội thu. Ai ngờ lũ về còn sớm hơn năm trước, dưa của tôi bị ngập hết, kiểu này coi như mất trắng rồi”.

Không riêng gì anh Lộc, rất nhiều bà con nông dân ở các huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang như An Phú, Tịnh Biên, TP Châu Đốc, TX Tân Châu cũng đang chịu cảnh mất trắng do nước lũ về sớm.

Còn tại xã Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự- Đồng Tháp), thiệt hại do nước lũ đổ về sớm đã khiến cho trên 4ha lúa bị ngập nước. Tuy nhiên, hiện đã được bà con khẩn trương thu hoạch sớm khoảng 3ha, số còn lại khá xanh nên bà con muốn “nấn ná thêm ít hôm”.

Xắn quần lội xuống ruộng lúa ngập quá đầu gối, ông Đinh Văn Đức (ngụ Ấp 6) thầm thì: “Nước lên sớm quá, tụi tui trở tay không kịp”. “Lúa xanh đó 5 ăn 5 thua chứ không biết cắt được không vì lúa chưa vô gạo. Nếu nước cầm lại, ráng mười mấy ngày thì có thể ăn được một số, còn nước lên luôn thì coi như mất trắng”.

Ông Nguyễn Văn Buôn- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Hồng Ngự- khẳng định: Ngay từ đầu huyện đã chủ trương cương quyết, ngăn chặn việc xuống giống vụ ba đối với những vùng bãi bồi ngoài đê bao bởi rủi ro rất cao.

Thậm chí, một số trường hợp địa phương cũng đã tiến hành lập biên bản. Tuy nhiên, bà con vẫn xuống giống vì không muốn để đất trống.

“Riêng đối với vấn đề ứng phó lũ, huyện cũng chỉ đạo cho UBND các xã, Ban chỉ huy ứng phó biến đổi khí hậu theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng- thủy văn, thường xuyên kiểm tra đê bao, vận động nguồn lực trong cộng đồng để thực hiện ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”- ông Nguyễn Văn Buôn cho biết thêm.

Bắt đầu “ăn” cá mùa lũ sớm

Cố gắng gạt qua nỗi lo vì lũ sớm, nhiều bà con nông dân cũng đã chuẩn bị xuồng, lưới, câu… sẵn sàng cho việc đánh bắt thủy sản dịp này.

Và tất nhiên, phương tiện đánh bắt cá linh bao giờ cũng được ưu tiên đầu tư nhiều nhất, vì đây là loài cho sản lượng lớn và thu nhập cao nhất.

Từ khuya trên đồng ruộng mênh mông nước, ánh đèn lấp lóe, những chiếc xuồng chèo lướt êm re, tiếng nói cười khe khẽ. Trên xuồng là các loại ngư cụ, phích nước đá cùng cà men cơm dự trữ. 

Anh Nguyễn Văn Lâu (xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự- Đồng Tháp) phấn khởi: “Cá linh non giờ cũng nhiều rồi, ngày tôi đổ cũng hơn chục ký. Bán với giá 80.000đ, nước nổi vậy là sống khỏe”.

Vốn sinh sống bằng nghề làm thuê, nhưng cứ đến mùa nước lên là vợ chồng cô Bùi Thị Hương (xã Thường Thới Hậu B) lại mang theo đồ nghề đi bắt cua.

“Đặt cua hổm nay nửa tháng rồi, khuya đi chiều mới về cũng bắt vài chục ký, ít thì chục ký. Nói chung đầu mùa nên nó còn ít nhưng được cái giá cao gấp mấy chục lần so với cùng kỳ năm trước”- cô Hương vui vẻ nói.

Không phải trên đồng nước mênh mông mới xôn xao, tại chợ Hồng Ngự- khu chợ được cho là nơi “bỏ sỉ” đặc sản nước nổi ở miền Tây cũng đông đúc ngay từ sớm.

Bông điên điển, cá linh non, cua đồng, bông súng trắng, chuột đồng,…Tất cả đều tươi roi rói, sẵn sàng góp phần vào sự phong phú của ẩm thực mùa nước nổi.

Nhanh tay lặt bông điên điển, cô Phan Thị Hồng Sa- tiểu thương ở chợ này- cho biết: “Ngày bán vài chục ký bông điên điển là chuyện thường, còn lặt cá linh thì phải mấy người phụ mới kịp giao cho khách”.

Tại chợ Hồng Ngự, đa dạng các sản vật mùa nước nổi đã được bày bán.
Tại chợ Hồng Ngự, đa dạng các sản vật mùa nước nổi đã được bày bán.

Tại chợ Hồng Ngự, bông điên điển 25.000 đ/kg, cá linh tươi 80.000- 100.000 đ/kg, đã lặt đầu 250.000- 350.000 đ/kg, bông súng trắng 5.000 đ/lọn, chuột làm sẵn 80.000 đ/kg,… So với mọi năm, các sản vật trên tăng từ 5.000- 10.000 đ/kg, song vẫn được khách hàng lựa chọn.

“Vô mùa nước là nhà tui ăn cá linh với bông điên điển suốt. Cá thì chiên kho, nấu canh gì cũng được. Còn bông điên điển thì chấm kho, chấm mắm, xào tôm ăn cũng hao cơm lắm”- cô Nguyễn Ngọc Liên (ngụ TX Hồng Ngự) bộc bạch.

Có thể nói, con nước nổi ở miền Tây cũng khá hiền hòa và đem theo nguồn lợi thủy sản rất lớn cho bà con các tỉnh đầu nguồn.

Họ nương theo con nước tạo kế sinh nhai cho gia đình trong khoảng thời gian nông nhàn. Song song đó, người dân cũng nên tuân thủ theo quy luật tự nhiên rằng nước nổi sẽ về từ độ tháng 6 đến tháng 10 (âl) hàng năm, để có phương kế trồng trọt thích hợp, không để con nước nổi phải gánh chịu “tiếng oan”, gây thất bát mùa màng.

Bài, ảnh: TRẦN NGỌC