Bình yên búng Bình Thiên!

Cập nhật, 15:33, Thứ Năm, 09/08/2018 (GMT+7)

Được mệnh danh là “biển hồ” của miền Tây, búng Bình Thiên (An Phú) luôn cuốn hút du khách bởi vẻ đẹp nên thơ cùng những câu chuyện huyền thoại có từ thời định làng, lập ấp ở xứ đầu nguồn.

Đến búng Bình Thiên mùa nước nổi, du khách sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời về “hồ trước trời” độc đáo này.

Theo hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đến búng Bình Thiên khi nắng đã lên cao. Cảm giác đầu tiên khi vừa “chạm mặt” búng Bình Thiên là sự choáng ngợp bởi cái mênh mông của một hồ nước tự nhiên.

Con đường liên xã Quốc Thái - Nhơn Hội rợp bóng cây, gió từ mặt búng thổi vào mát rượi.

Dừng chân ghé lại quán võng bên đường để tận hưởng cảm giác thư thái, chúng tôi bắt chuyện với ông Nguyễn Văn Ngẫu (người dân kỳ cựu ở xã Quốc Thái) và được ông chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị về búng Bình Thiên.

“Chuyện về búng Bình Thiên thì chẳng có sách vở nào ghi lại, tồn tại qua lời kể của cha ông ngày trước. Năm nay, tôi đã 75 tuổi nên không nhớ hết những lời cha mình đã kể.

Tuy nhiên, quá trình hình thành búng Bình Thiên có liên quan đến chúa Nguyễn Ánh. Ông từng dẫn binh lính đến vùng đất hoang sơ này, lúc đó mọi người không có nước uống.

Chúa Nguyễn Ánh mới rút gươm cắm xuống đất với lời khấn nguyện cầu mong trời ban nước cho mình và binh sĩ. Nước từ vị trí cắm gươm cứ phụt lên mãi, tạo thành búng Bình Thiên như ngày nay” - ông Ngẫu kể lại.

Theo cách hiểu thông dụng, búng Bình Thiên nghĩa là hồ nước bình yên của ông trời ban tặng, hay ngắn gọn hơn là “hồ nước trời” theo lối giải thích chiết tự. Trong đó, “Bình” được hiểu là bình yên, phẳng lặng; còn “Thiên” là trời.

Khung cảnh bình yên trên búng Bình Thiên
Khung cảnh bình yên trên búng Bình Thiên

Vừa kể, lão nông này vừa chỉ tay ra mặt búng mênh mông. Trước mắt chúng tôi là một vùng nước yên bình, thấp thoáng những bè cá do người dân thả nuôi, chúng gợi nhớ về làng bè cá Châu Đốc thơ mộng giữa sóng nước bao la. Khi chúng tôi đến, mực nước trong búng đã lên khá cao.

Theo ông Ngẫu, nước trong búng thời điểm này đã bằng với tháng 9 (âm lịch) năm rồi. Do đó, ông “chắc như đinh đóng cột” là búng Bình Thiên sẽ còn đẹp hơn trong những ngày tới.

Dù đang là mùa lũ nhưng nước trong búng vẫn cứ xanh trong như chiếc gương soi bóng mây trời. Đó là điểm đặc biệt của búng Bình Thiên, tạo nên vẻ đẹp không trộn lẫn của hồ nước tự nhiên này.

“Búng Bình Thiên nhận nước từ sông Bình Di đỏ ngầu phù sa trong mùa lũ. Nhưng chẳng hiểu vì sao khi vào đến búng thì lại xanh trong lạ thường.

Tôi nhớ những ngày còn nhỏ, được tắm mình trong lòng búng và uống ngụm nước trong veo, ngọt mát mới thêm thương cái xứ sở bình dị này.

Đó là chuyện của mấy chục năm trước, khi mà con đường cặp búng Bình Thiên có chưa đến trăm nóc nhà, chứ không đông đúc như bây giờ” - ông Ngẫu bồi hồi.

Cũng là người gắn bó với búng Bình Thiên, ông Bùi Văn Thuần thuộc làu bài thơ truyền miệng của cha ông khi nói về “hồ nước trời” này.

“Búng Bình Thiên là báu của trời/Cua kình đùa giỡn mặt đua bơi/ Tắc Trúc quanh co ngoài bãi cuộc/Hòn Xù lặn ngụp giữa dòng khơi/Tre xanh vờn vợn kề bên bãi/Nước bích mênh mông khắp mọi nơi/Bốn mùa nước lóng trong như lọc/Rồng núp nguồn sâu ẩn đợi thời” - ông Thuần ngân nga.

Bài thơ ấy đã “vẽ” lại được khung cảnh búng Bình Thiên thuở còn hoang sơ. Theo lời của ông Thuần, búng Bình Thiên ngày trước có con cua kình rất lớn trú ngụ và một cồn đất nổi lên giữa lòng hồ (hòn Xù), dọc theo bờ búng những hàng tre dài ngút mắt.

Những hình ảnh đó nay đã không còn bởi theo thời gian vật đổi sao dời, chúng đã trở thành một phần lịch sử về hồ nước độc đáo này. 

Thánh đường Ma Jid Khay Ri Yah bên bờ búng Bình Thiên
Thánh đường Ma Jid Khay Ri Yah bên bờ búng Bình Thiên

Con đường liên xã đưa chúng tôi đến với thánh đường Mas Jid Khay Ri Yah của làng Chăm xã Nhơn Hội. Từ lâu, đời sống người Chăm ở Nhơn Hội gắn bó với búng Bình Thiên như những đứa con thương mến mẹ hiền.

Chính hồ nước thiên nhiên này đã dung dưỡng bao thế hệ người Chăm trên mảnh đất đầu nguồn thơ mộng. Du khách khi tham quan búng Bình Thiên thường mong muốn được ghé thăm làng Chăm để tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng này.

Vì giá trị lịch sử và sự gắn bó với bao thế hệ người định cư trên vùng đất Nhơn Hội, Quốc Thái nên tên búng đã trở thành tên ấp. Đó là ấp Búng Bình Thiên (Quốc Thái) và ấp Búng Lớn (Nhơn Hội). 

“Thực tế, búng Bình Thiên hay búng lớn chỉ là một, ngoài ra còn có một cái búng nhỏ nữa. Vì hồ nước này gắn bó sâu nặng với người dân nên lấy tên nó đặt cho ấp cũng là chuyện hiển nhiên.

Đây cũng là cách hay, hàm ý nhắc nhở cháu con về quê hương, nơi có búng Bình Thiên đã gắn bó với con người từ rất xa xưa”- ông Ngẫu thật tình chia sẻ.

Những cơn “gió nước lên” cứ ràn rạt thổi vào mặt chúng tôi gợi lên cảm giác mênh mông, xa vắng. Thấp thoáng trên mặt búng là những chiếc ghe cào hến lặng lẽ mưu sinh.

Mặt nước lăn tăn gợn sóng làm cho trời đất nao nao buồn khi ánh nắng chiều nhuộm vàng những rặng điên điển trổ bông đầu mùa.

Có lẽ, búng Bình Thiên đã bình yên như thế hàng mấy trăm năm. Thời gian tới, búng Bình Thiên sẽ còn tiếp tục xuất hiện trong “bản đồ” du lịch miền Tây của nhiều người và trở thành địa điểm check-in lý tưởng ở xứ đầu nguồn.

Theo Địa chí An Giang, búng Bình Thiên có diện tích mặt nước khoảng 193ha, độ sâu trung bình 6m. Vào mùa nước nổi, búng mở rộng diện tích gấp 3 lần và trở thành biển nước mênh mông. Ngoài giá trị thủy sản, búng Bình Thiên còn được cải tạo để phục vụ du lịch. 

Theo TTMT