Cò nhạn về sinh sống ngày càng nhiều ở rừng tràm Gáo Giồng

Cập nhật, 11:30, Thứ Năm, 12/04/2018 (GMT+7)

Từ đầu năm 2018, đàn cò nhạn về sinh sống ở Khu Quản lý rừng tràm Gáo Giồng thuộc huyện Cao Lãnh ngày càng nhiều. Đến nay đã có hơn 100 ngàn cá thể cò nhạn về đây sinh sống trên diện tích hơn 30ha rừng tràm.

Anh Huỳnh Thanh Hiền - Trưởng  Ban quản lý rừng tràm Gáo Giồng cho biết, cò nhạn (còn gọi là cò ốc), tên khoa học là Anastomus oscitans, thuộc họ diệc, bộ hạc, ở bậc R (cực kỳ quý hiếm) trong Sách Đỏ Việt Nam. Trên thế giới, cò nhạn thường sống ở các nước trên khu vực Nam Á và Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, cò nhạn chỉ xuất hiện ở một vài địa phương miền Tây Nam bộ. Cò nhạn có đặc điểm sinh sống định cư; nhưng khi vùng sinh sống, nơi kiếm thức ăn bị thu hẹp thì chúng di cư tới vùng khác thuận lợi hơn. Thức ăn chủ yếu của loài chim này là ốc và các loài động vật thủy sinh.

Trước đây, chúng về để tìm kiếm thức ăn rồi bay đi, nhưng hiện nay cò nhạn về đây làm tổ và sinh sống, đặc biệt  nơi đây có môi trường trong lành (Gáo Giồng có tổng diện tích rừng là 1.600ha, trong đó có 1.200ha là rừng tràm),

nước ngọt dồi dào quanh năm, ốc bươu sinh sản rất nhiều, thủy sinh phong phú cộng với việc bảo vệ nghiêm ngặt, cấm săn bắt là điều kiện tốt thu hút đàn cò nhạn về đây làm tổ sinh sống.

Cò nhạn có trọng lượng từ 1 - 1,6kg, chiều cao 50cm, chiều dài sải cánh hơn 1m. Chúng làm tổ trên ngọn cây tràm nhiều tàn, sử dụng cành cây và nhiều loài cỏ để làm tổ, bình quân mỗi con đẻ từ 3 - 4 trứng.

Theo thống kê của Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng, hiện nay, Gáo Giồng có hơn 100 loài chim  sinh sống và làm tổ như: cò nhạn, cò trắng, cồng cộc, nhan điển, nhan sen, diệc, vạc, trích, le le, vịt trời,... nhiều nhất vẫn là loài cò nhạn, cò trắng, cồng cộc. Trong đó có 2 loại quý hiếm trong Sách Đỏ Việt Nam là cò nhạn và nhan điển.

Theo Báo Đồng Tháp