Khu di tích cụ Nguyễn Sinh Sắc

Cập nhật, 14:46, Thứ Ba, 05/12/2017 (GMT+7)

Ở Ðồng Tháp có một địa chỉ lịch sử giá trị là Khu di tích cụ Nguyễn Sinh Sắc, nơi yên nghỉ của thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một nhà Nho yêu nước thương dân

Dù tọa lạc tại trung tâm thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (số 123/1, đường Phạm Hữu Lầu, phường 4), song khu di tích tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc khá yên tĩnh, là nơi để mọi người tìm đến viếng thăm với lòng tôn kính, tri ân một nhà Nho yêu nước thương dân, suốt đời thanh bạch.

Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: NGUYỄN TOÀN
Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: NGUYỄN TOÀN

Cụ Nguyễn Sinh Sắc sinh ra và lớn lên tại Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm Tân Sửu (1901), cụ đỗ Phó bảng và năm 1906 nhậm chức “Thừa biện Bộ Lễ” và sau đó là Tri phủ lĩnh nhiệm Tri huyện Bình Khê (Bình Định).

Trong thời gian làm quan, cụ kết thâm giao với các nhà Nho yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Vương Thúc Quý và cụ luôn đứng về phía dân nghèo chống lại bọn cường hào ác bá.

Từ quan, sau khi bôn ba khắp nơi, cụ về sinh sống tại làng Hòa An thuộc tỉnh Đồng Tháp để dạy học, bốc thuốc chữa bệnh giúp đỡ người nghèo, sống cuộc đời thanh bạch, truyền bá chủ nghĩa yêu nước và nằm lại lòng đất Hòa An- Cao Lãnh vào ngày 27-10-1929.

Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc được Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 9-4-1992; được xem là một quần thể công trình lịch sử văn hóa lưu niệm nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp và đồng bằng sông Cửu Long.

Trong diện tích gần 10ha, điểm nhấn là Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ngôi mộ cụ Phó bảng quay về hướng Đông, có mái hình cánh sen cách điệu giống hình dáng bàn tay xòe úp xuống; trên mái đắp nổi tượng chín con rồng đậm nét dân gian, vươn ra thành 9 đầu hồi tượng trưng cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Ngôi mộ cụ Phó bảng được ốp đá hoa cương, nấm mộ màu xám tro yên vị trên nền mộ bằng đá mài trắng hình lục giác mở rộng dần ra hai bên và phía trước.

Trên mộ có một đỉnh trầm bằng đá Ngũ Hành Sơn, ngày đêm khói hương. Khuôn viên lăng mộ có nhiều loại cây cảnh, hoa trái quý hiếm được bà con khắp cả nước mang về trồng lưu niệm, đặc biệt là cây khế gần 300 tuổi nằm bên trái mộ và cây sộp hơn 300 tuổi nằm bên phải mộ.

Bên trong vòm mộ được phủ bằng một cánh sen úp xuống để che nắng mưa; trên những cánh sen này tạc hình chín đầu rồng biểu tượng cho dân tộc Việt Nam “Con Rồng- Cháu Tiên”.

Trước khu mộ là hồ sen hình ngôi sao 5 cánh, giữa hồ là đài sen trắng cách điệu cao 6,5m tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch của cụ Phó bảng.

Tái hiện không gian văn hóa xưa

Khu di tích còn tái hiện lại nét đẹp của không gian văn hóa làng Hòa An quen thuộc ở đầu thế kỷ XX, trên diện tích trên 22.000m2. Khu vực này có những ngôi nhà truyền thống của các hộ dân trong làng, rạch Cái Tôm, vườn cây ăn trái, những hàng dừa, cây cầu khỉ, đường làng quanh co.

Những hình ảnh sinh hoạt văn hóa, giải trí, sản xuất… mô tả một phần cuộc sống lao động sản xuất của làng Hòa An.

Bên trong làng Hòa An được tái hiện này, nổi bật và ấn tượng là những ngôi nhà gỗ có kiến trúc truyền thống, được xây dựng tỷ lệ 1/1 như: nhà chữ đinh, nhà bát dần, nhà nọc ngựa, nhà sàn.

Tái hiện làng Hòa An xưa. Ảnh: NGUYỄN TOÀN
Tái hiện làng Hòa An xưa. Ảnh: NGUYỄN TOÀN

Bên trong từng ngôi nhà được bài trí với các không gian chính, phụ, thể hiện nếp ăn, nếp ở, thờ cúng ông bà tổ tiên mang đậm bản sắc văn hóa và tính cách người Hòa An xưa.

Cùng với không gian nhà ở, một số hình ảnh sinh động về sinh hoạt của những làng nghề tiêu biểu của người dân Hòa An như nghề trồng và xắt thuốc lá với sản phẩm nổi danh “thuốc rê Cao Lãnh”; làng nghề chằm lá lợp nhà, nghề mộc, nghề rèn, hoạt động xay lúa, giã gạo… gợi lên niềm tự hào về bàn tay tài hoa, sáng tạo của người dân Hòa An.

Hằng năm, tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vào ngày 28 tháng 10 âm lịch, có hơn 100 nghìn lượt khách tham quan và viếng thăm.

Du khách đến từ khắp các tỉnh, thành, mang đến những sản vật từ dân dã đến quý lạ, dâng viếng, cúng trước anh linh cụ, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo NGUYỄN TOÀN (Báo Cần Thơ)