"Trà Sư mùa này đẹp lắm"

Cập nhật, 17:20, Thứ Hai, 09/10/2017 (GMT+7)

 

 Vé tham quan Trà Sư bằng tắc ráng có giá 75.000đ/người (hai lượt đi).
Vé tham quan Trà Sư bằng tắc ráng có giá 75.000đ/người (hai lượt đi).

Không có khu vui chơi, không có sự sắp xếp nhân tạo, Trà Sư lưu giữ cho riêng mình một vẻ đẹp rất hoang sơ, bình dị như chính những gì mà thiên nhiên đã ban tặng.

Đi giữa rừng Trà Sư ta như được thả hồn vào không gian tĩnh lặng cùng thảm bèo xanh ngắt đến vô tận, giữa cánh rừng tràm bạt ngàn và nghe tiếng chim gọi đàn vang vọng...

Chúng tôi tìm về Trà Sư (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) khi những cánh đồng bắt đầu ngập nước, đàn bò thảnh thơi gặm cỏ, những hàng lưới, dớn, đăng đầy trên đồng, thấp thoáng là cánh đồng sen thơm ngát chen lẫn đám hoa súng dại.

Anh Hoàng Minh- hướng dẫn viên vốn là người bạn đã 10 năm rồi mới gặp lại cứ tấm tắt khen: “Trà Sư mùa này đẹp lắm”. 

Vào Trà Sư, chúng tôi như tách biệt với không gian ồn ào, khói bụi bên ngoài. Con đường rợp mát, thơm ngát hương tràm. Từ sáng sớm đã có rất đông du khách tìm đến đây.

Để tham quan Trà Sư, bạn có thể di chuyển bằng xe đạp dạo quanh con đường uốn lượn xuyên rừng tràm. Hoặc thông thả lướt tắc ráng êm trên đường nước xanh bèo, được bao bọc bởi bạt ngàn tràm khiến du khách phải trầm trồ khen ngợi.

Chú Nguyễn Văn Phước quê ở tận Đất Mũi – Cà Mau thích thú nói, trước đây công việc của một kỹ sư đã tạo điều kiện cho chú được đi nhiều nơi, được thăm thú nhiều cảnh sắc thiên nhiên. Nhưng đối với chuyến đi về Trà Sư lần này là chuyến đi vui nhất, ấp ám nhất vì được đi cùng với cả gia đình 5 thành viên. “Về hưu tôi dành thời gian cùng gia đình đi nhiều hơn, đối với tôi Trà Sư rất đặc biệt, rất riêng bởi thiên nhiên đậm nét hoang sơ”- chú Phước trải lòng.

Các cháu của chú Phước 5- 7 tuổi cứ bám chặt lấy vai mẹ rồi reo lên đầy thích thú mỗi khi chiếc tắc ráng đánh qua “khúc cua” hay nhìn thấy mấy chú chim từ trên đọt tràm sà xuống mặt nước. Còn anh bạn tôi thì cười sảng khoái, giơ máy ảnh chụp liên tục rồi nói, “mấy hôm trước nhận mấy “sô” chụp ảnh cưới ở đây, về xem lại đẹp y như tranh”.

Mất hơn 10 phút chúng tôi đã đến được khu vực bên trong rừng tràm. Chị Út Vui- nhân viên chèo xuồng và cũng là hướng dẫn viên đưa chúng tôi dạo quanh nơi đây.  “Người dân ở đây cùng chính quyền địa phương bảo vệ rừng, ngoài ra còn trồng tràm làm kinh tế, cây tràm nó gần gũi dữ lắm”- chị Vui cười đôn hậu rồi cất cái giọng ngọt lịm của con gái miền Tây cho biết.

Chi Vui kể, chị gắn bó với cái nghề chèo xuồng này đã hơn 5 năm, “ngày nào bệnh hay có việc phải xin nghỉ là nhớ rừng lắm”. Cũng như chị Vui những người chèo xuồng khác ở đây đa phần cũng là người dân nơi đây, công việc này cũng đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho họ.

Cảm giác được lướt trên thảm bèo xanh mướt và nghe tiếng chim kêu ríu rít rất tuyệt vời.
Cảm giác được lướt trên thảm bèo xanh mướt và nghe tiếng chim kêu ríu rít rất tuyệt vời.

Mái chèo của chị Vui khua mặt nước, đưa chúng tôi vào sâu hơn trong khu rừng, thảm bèo có phần dày đặc hơn, mùi hăn hắt của bùn, của cây rừng mục phảng phất. Các loài chim, vạc thi nhau đập cánh, ríu rít gọi bầy như một bản hòa ca làm xao động cả rừng nước mênh mông.

Khu rừng đặc dụng này đang bảo tồn  khoảng 70 loài chim trong đó có 2 loài chim quý hiếm đã được ghi trong sách Đỏ Việt Nam là giang sen và điêng điểng. Nhằm phục vụ du lịch, khu rừng tràm có hẳn một khu vực trữ nước ngập quanh năm.

Được lên chinh phục đài quan sát cao 25m, bạn sẽ co thể chiêm ngưỡng toàn vẹn khung cảnh tuyệt đẹp của hơn 800ha rừng tràm. Những cánh cò trắng lã lơi bay theo đàn, gió thổi vi vu khiến cho bao mệt mỏi như tan vào khoảng không vô tận.

 Một góc Trà Sư nhìn từ đài quan sát.
Một góc Trà Sư nhìn từ đài quan sát.

Cũng từ đây, bạn có thể nhìn thấy một số ngọn núi trong hệ thống Thất Sơn như: Núi Két (Anh Vũ Sơn) Núi Cấm (Thiên Cấm Sơn) tượng Phật Di Lặc cao 33,6m nằm trên ngọn núi Cấm, và núi Sam thông qua ống dòm.

Sau khi tham quan xong, chúng tôi lại ghé vào những căn chòi bên dưới để thưởng thức ẩm thực giữa rừng.

Các món ăn như cá lóc đồng nướng trui bằng củi tràm, lẩu mắm cá linh với bông điên điển, hay gà nướng muối ớt… sẽ giúp đánh thức mọi giác quan của bạn. Vừa ngắm cảnh vừa thưởng thức những món ăn dân dã miền Tây rồi nhăm nhi vài ly rượu hay nghe vài câu vọng cổ từ những thực khách “hứng chí” cũng lắm điều thú vị.

Đến với Trà Sư để nghe tình đất, tình người nơi thất sơn rất đổi chân tình, phóng khoáng.

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU