Ngọt lòng bông điên điển

Cập nhật, 09:25, Thứ Hai, 07/08/2017 (GMT+7)

Sự xuất hiện của những chùm bông vàng rực “lủng lẳng” ở mé sông, bờ đê, con kênh báo hiệu mùa nước nổi đang về. Đâu chỉ gắn bó trong ký ức của mỗi người, loài hoa dân dã còn góp phần nuôi nấng biết bao thế hệ miền sông nước.

Cây điên điển giờ được trồng quanh năm, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều người dân. Ảnh: HOÀNG VŨ
Cây điên điển giờ được trồng quanh năm, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều người dân. Ảnh: HOÀNG VŨ

Không phải hoa điên điển mà là bông điên điển, đến cách gọi cũng rất Nam Bộ, thân thương như thế! Bông điên điển có vị nhẫn, bùi, ngọt, ăn giòn nên hòa quyện với món nào cũng ngon.

Từng chùm bông tươi rói được tuốt nhẹ, nâng niu, trộn ghém ăn sống hay nhúng lẩu, nấu canh chua, đổ bánh xèo, ăn kèm bún… đều hấp dẫn. Người miền Tây khéo ở chỗ, thực phẩm nào nhiều, ăn không hết thì nghĩ đến việc làm khô, đem muối để ăn lâu dài.

Bông điên điển trông mong manh vậy mà cũng muối chua được, biến hóa thành món ăn mới, ngon đáo để. Khi những món dự trữ ăn không hết, người ta lại nghĩ đến việc bán để đổi lấy tiền chợ. Vậy là, bông điên điển muối chua được làm cầu kỳ hơn, thêm rau muống, củ cải, đóng hộp lịch sự bán cho khách vãng lai.

 Chỉ những người xa quê, xa vùng sông nước mới nhớ bông điên điển, chứ sống ngay tại đây, loại hoa thân thuộc này quen đến nỗi mọi người suýt quên đi nét đặc trưng của nó, vốn được mệnh danh là “mai vàng của mùa lũ”.

Ngày xưa, đến mùa nước nổi, cây điên điển cũng cựa mình vươn cao, khi nước tràn đồng cũng là lúc điên điển trổ bông, oằn cành khoe sắc vàng rực rỡ.

Từ bông điên điển gợi nhớ đến từng tháng xuất hiện những loại cá ngon, rau sạch ngoài đồng, ai nấy lại háo hức chờ đợi để thưởng thức vô số đặc sản thiên nhiên ban tặng.

Xưa, mỗi năm cây điên điển chỉ gắn bó với người dân vào mùa lũ. Nay, điên điển trở thành cây sinh kế của nhiều gia đình, thu hoạch quanh năm, muốn ăn mùa nào cũng có.

Thật khó tin khi cây điên điển trở thành cây trồng chính của hàng trăm hộ ở các xã Hòa Lạc, Phú Bình, Phú Thành (Phú Tân).

Chỉ tính tại ấp Hòa Bình 2 (xã Hòa Lạc), hiện nay đã có hơn 50 hộ trồng điên điển. Những hàng điên điển đều tăm tắp, cây vươn cao quá đầu người, vàng rực bông to, bông nhỏ nổi bật giữa đồng ruộng xanh tươi là lựa chọn của người dân nhiều năm nay.

Không phụ mong mỏi của người nông dân, điên điển vươn mình phát triển giúp đời sống ổn định. Trồng điên điển thì dễ mà thu hoạch cực công.

Gia đình anh Võ Văn Quang tận dụng hết 6 thành viên hái điên điển mỗi ngày từ 23 giờ đến sáng để giao cho bạn hàng. Với 4 công đất, anh trồng điên điển xen kẽ thời điểm, hái tàn đám này thì đám khác vừa mọc cao, trổ bông liên tục.

Ban đêm hái điên điển, ban ngày anh Quang đi đặt lợp kiếm cá đồng, trong nhà nuôi thêm vài con bò làm vốn dài hạn để nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn học.

Ban ngày, nhìn những mái nhà thưa thớt lọt thỏm giữa đồng hiu quạnh thế thôi, đêm đến, đâu đâu cũng sáng đèn, nhà nhà ra hái điên điển xôm tụ hẳn. Anh Nguyễn Văn Dũng thuê 2 công đất trồng điên điển xen vụ, một mùa kiếm được 12-13 triệu đồng.

Anh cho biết, trồng điên điển rất ít vốn, quanh năm chỉ cần bón phân, ngắt đọt cho cây đẻ cành. Đúng mùa này điên điển năng suất đạt rất cao, một đêm hái được tầm 20kg.

Cứ như vậy, “đêm sống cùng điên điển, ngày đi làm đồng xa”, hàng chục gia đình dựa vào cây điên điển mà no đủ.

Sâu trong những con kênh thuộc xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú), đồng ruộng bây giờ đã được bao đê sản xuất lúa, chẳng còn chỗ cho cây điên điển tự mọc sinh sôi.

Thay vào đó, người dân tự trồng điên điển để mùa nước nổi về vẫn có bông hái ăn. Bà Nguyễn Thị Lan từ thời trẻ đã đi hái điên điển cho đến giờ vẫn chọn trồng điên điển làm nguồn sống.

Bà Lan kể, hơn chục năm trước, điên điển tự nhiên vẫn còn nhiều; đến mùa, mạnh ai nấy chèo xuồng ra đồng hái bông về bán.

Lựa cây nào trổ bông dài, trái lớn thì chừa lại để lấy hạt phơi khô, làm giống gieo quanh nhà. Cây điên điển trông mảnh khảnh, yếu ớt mà nhánh nào cũng trổ từng chùm bông nặng trĩu.

Tuy gọi là trồng nhưng bà Lan cũng như các hộ khác đều gieo ở cặp bờ kênh, bờ đê, chủ yếu tận dụng chỗ ngập nước để điên điển phát triển tự nhiên.

Bông điên điển trổ nhanh đến nỗi, nếu hôm trước hái không kịp, hôm sau hoa đã tàn, kết thành trái nên việc hái bông rất cực công, tranh thủ từ buổi tối hoặc khuya, lúc những cánh bông chưa nở thì đem ra chợ bán mới được giá.

Bù lại, loại cây dân dã này đã trao tặng cho con người nguồn sống lý tưởng, nuôi biết bao đứa trẻ miền quê lớn lên, hương vị của loại bông quê nhà vì thế đậm đà cả vị ngọt lòng và tình yêu thương.

Theo TTMT