Về ăn giỗ ông bà Đỗ Công Tường

Cập nhật, 18:21, Thứ Hai, 31/07/2017 (GMT+7)

Lễ giỗ lần thứ 197 ông bà Đỗ Công Tường được tổ chức trong 3 ngày 30/7, 31/7 và  1/8 nhằm thể hiện lòng thành kính của người TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) đối với bậc tiền nhân đã có công xây dựng vùng đất Cao Lãnh được sung túc như ngày hôm nay.

Đông đúc người dân từ các nơi về tham dự lễ giỗ.
Đông đúc người dân từ các nơi về tham dự lễ giỗ.

Ngay từ cửa ngõ của Phường 2, chúng tôi đã cảm nhận được không trang nghiêm nhưng không kém phần rộn ràng. Vào sáng sớm, từng dòng người khắp nơi đã bắt đầu tiến về khu vực đền thờ ngày càng đông đúc hơn, ai ai cũng bày tỏ lòng thành kính đối với bậc tiền nhân gắn liền với vùng đất Cao Lãnh.

Bà Nguyễn Bích Hà- ngụ Phường 2, TP Cao Lãnh bộc bạch: “Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này, tôi rất hãnh diện và vinh dự được là con cháu của ông bà. Năm nào vào ngày giỗ tôi cùng bạn bè, con cái trong gia đình đều đến thắp hương, cúng giỗ ông bà”.

Tương truyền rằng, ông bà Đỗ Công Tường là người rất chăm chỉ khai hoang và ươm trồng, nhờ vậy mà gia đình nhanh chóng có cuộc sống khấm khá từ vườn quýt.

Không gian vườn quýt rộng lớn, mát mẻ lại nằm ngay vị trí thuận lợi cho việc giao thương nên dân thập phương thường xuyên lui tới để trao đổi, buôn bán hàng hóa. Thấy vậy, ông bà đã bỏ tiền ra dựng lều  để có chỗ cho họ tránh nắng, mưa. Dần dà nơi này càng trở nên đông đúc, cái tên chợ Vườn Quýt cũng từ ấy mà thành.

Không chỉ là người hết sức cương trực ông còn giúp đỡ người nghèo khó nên được dân làng hết lòng kính trọng và cử làm chức Câu đương để lo việc phân xử những vụ kiện cáo nhỏ tại địa phương.

Năm 1820, nạn dịch tả bỗng dưng hoành hành rất dữ. Ông bà đã khấn nguyện đất trời  xin chết thay cho dân chúng để dịch bệnh mau chấm dứt.

Ngày mùng 9 bà thọ bệnh rồi qua đời và ngày mùng 10, ông cũng bệnh rồi mất. Ông bà được chôn cất xong, bệnh dịch tả cũng từ từ chấm dứt.

Thương ông bà Đỗ Công Tường người dân lập đã tự nguyện góp công, góp của dựng lên một đền thờ kề bên hai ngôi mộ của ông bà và tổ chức lễ giỗ hết sức trọng thể mỗi năm nhằm tưởng nhớ công ơn của người đã khuất.

Đến với lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường không chỉ được ngược dòng về với lịch sử, người dân và du khách còn hòa mình vào không khí lễ hội rộn ràng, nhiều màu sắc với chuỗi hoạt động được luân phiên tổ chức trong 3 ngày, như: Hội thi đá gà nghệ thuật, làm bánh dân gian gian, trò chơi dân gian, chương trình ca múa nhạc tổng hợp, hội thi thuyết minh viên du lịch,  quầy đặc sản Cao Lãnh, quầy thông tin du lịch.

 Không gian chợ Vườn Quýt xưa được tái hiện.
Không gian chợ Vườn Quýt xưa được tái hiện.

Điểm đặc biệt trong lễ giỗ năm nay, là lễ nghinh sắc được diễn ra trên nhiều tuyến đường cùng quy mô lớn hơn mọi năm, mở rộng từ khu mộ ông bà tỏa ra 3 hướng đi, chính vì vậy, phố phường cũng trở nên rộn ràng, tràn ngập trong không gian lễ hội.

“Tôi ở đây dự lễ giỗ ông bà 3 ngày, xong giỗ mới về luôn” - bà Nguyễn Thị Hoa, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên ( An Giang) vui vẻ cho hay.

Gần khu vực đền thờ, khung cảnh mua bán thuở xưa kia của chợ Vườn Quýt cũng được tái hiện. Qua đây, người dân và du khách có dịp hiểu thêm về nét văn hóa trong đời sống sinh hoạt ngày trước, gắn với giai thoại về ông bà Đỗ Công Tường nhân nghĩa ở đời.

Lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường được tổ chức hàng năm không chỉ phát huy giá trị văn hóa lịch sử, mà còn là tấm lòng tri ân công đức ông bà đã có công lập chợ Cao Lãnh được sung túc như ngày nay.

 “Lễ giỗ năm nay đặc biệt gắn với việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa lịch sử và tuyên truyền giáo dục  về các giá trị nhân văn sâu sắc, gắn với việc quảng bá du lịch Đồng Tháp nói chung, du lịch thành phố Cao Lãnh nói riêng”- bà Hồ Huệ Thu Hằng- Trưởng Phòng VH-TT TP Cao Lãnh, Phó Trưởng Ban tổ chức lễ giỗ chia sẻ.

Ngày 20/4/2001, Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường được công nhận là Di tích cấp tỉnh, thành phố.  Kể từ năm 2009, theo quyết định của UBND TP Cao Lãnh, lễ giỗ thường niên của ông bà Đỗ Công Tường, chính thức trở thành thành lễ hội văn hóa- lịch sử cấp thành phố.

Bài, ảnh: TRẦN NGỌC