Nông dân cùng nhau làm du lịch

Cập nhật, 13:20, Thứ Bảy, 17/06/2017 (GMT+7)

Mấy năm trở lại đây, nhiều nông dân Đồng Tháp đã triển khai làm du lịch trên chính mãnh đất vườn, đất ruộng của gia đình. Với cách làm theo kiểu “cây nhà lá vườn”  các dịch vụ này nhanh chóng được du khách gần xa đón nhận.

Nhiều du khách tìm đến các khu du lịch homstay ở Đồng Tháp để được sống trong không gian yên ả và trải nghiệm cuộc sống chân quê bình dị của bà con nơi đây.
Nhiều du khách tìm đến các khu du lịch homstay ở Đồng Tháp để được sống trong không gian yên ả và trải nghiệm cuộc sống chân quê bình dị của bà con nơi đây.

Nông dân xứ sở những loài hoa làm du lịch

Cô bạn tôi quê ở tận Long An, ấy vậy mà cứ mê say đắm cái vùng đất sen hồng. Với chất giọng miền Tây ngọt ngào như mật, cô ả mời gọi  “tụi mình làm chuyến nữa về Tháp Mười ngắm sen”  làm chúng tôi khó lòng từ chối cho được.

Ngẫm chuyến đi lần trước đến với Tháp Mười cách đây cũng đã ngót 3 năm. Vẫn như ngày nào chúng tôi về thăm lại nơi đong đầy kỷ niệm vào buổi sáng tinh sương, khi mặt trời bắt đầu ló dạng, soi từng tia nắng qua kẻ lá. Đây cũng là thời điểm sen nở đẹp nhất trong ngày.

Theo nhiều lão nông, trước đây vùng đất này rất hoang sơ, trũng, lại là đất phèn. Vì điều kiện canh tác khó khăn như thế nên cư dân sinh sống rất thưa thớt. Chỉ duy có sen là sinh trưởng rất tốt, xuất hiện đầy ruộng và khắp lung, đìa; nước lũ đến đâu, sen vươn theo đến đó. Còn bây giờ Tháp Mười đã đổi thay nhiều lắm, cư dân đông đúc, nhà ngói mọc lên khang trang, đường làng thênh thang, trải nhựa thẳng tắp ra tận ruộng sen. 

Ngồi ở túp lều giữa đồng sen đương độ khoe sắc, ngát hương sen, rồi thưởng thức tách trà ấm dìu dịu, cùng vài hạt sen tươi rang muối ớt bùi bùi, ngòn ngọt để thấy lòng thật thư thả, yên bình.

Nếu như lần trước chúng tôi đến đây chỉ có vài ba cái lều tạm để du khách ngắm sen, nhăm nhi vài ly rượu đế, thì lần này số lều đã tăng lên gấp đôi, gấp ba lần. Những món ăn được làm từ sen như cơm hấp lá sen, gỏi ngó sen,…hay rượu sen, trà tim sen chắc hẳn sẽ làm say lòng bất cứ du khách nào từng một lần về thăm nơi đây.

Anh Nguyễn Trường An- ngụ xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười cũng bắt đầu làm du lịch trên ruộng sen 2ha của gia đình cách đây 3 năm nay. Anh phấn khởi bảo : “Ngoài bán gương sen, gia đình tui còn có thêm thu nhập từ việc đón khách nên cũng có dư chút đỉnh”. Theo anh An, không chỉ gia đình anh mà nhiều bà con ở đây cũng có cuộc sống khấm khá hơn kể từ khi bắt tay vào làm du lịch trên ruộng sen của gia đình.

Với cách làm giản đơn, cung cách phục vụ chân phương, các dịch vụ du lịch trên đất sen hồng của những nông dân chân chất rất được lòng du khách gần xa.

Rời Tháp Mười với bao xúc cảm, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình trên đất sen hồng. Và điểm dừng chân tiếp theo là TP Sa Đéc- nơi được mệnh danh “Đà Lạt của miền Tây”. Ở đây có vô vàn các loại hoa, chúng được các bác nông dân khéo léo đặt cho những cái tên với ngụ ý may mắn: cát tường, phú quí, vạn phúc,… Không gian tươi mát, trải dọc hai bên đường là những luống hoa với đủ sắc màu, khiến chúng tôi có cảm giác mình đang lạc giữa xứ sở của truyện cổ tích.

Vốn có truyền thống hơn 100 năm trồng hoa- thủ phủ hoa của ĐBSCL, càng được du khách biết đến nhiều hơn kể từ khi những nông dân nơi đây bắt tay vào làm du lịch homestay.

Trong khuôn viên rộng khoảng 3.000m2 trồng đủ các loại hoa: hoàng yến, quân tử, hồng,….anh Trần Thanh Hùng- chủ khu du lịch homstay Ngôi nhà hoa, ếch- còn nuôi hàng ngàn con ếch trong vèo.

Thế nhưng điều thú vị hơn hết là ở chỗ du khách được làm “nông dân thứ thiệt” với công việc trồng hoa và cho ếch ăn. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, bạn có thể ngủ tại căn nhà sàn được xây dựng ngay giữ vườn hoa bạt ngàn, và nghe tiếng chim hót.

Anh Hùng cho biết, du khách thích thú khi được trải nghiệm những công việc hết sức gần gũi, cũng như được chứng kiến cách sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương.

“Điều du khách thích và muốn đến đây thêm nhiều lần nữa là ở chỗ mình phục vụ chân tình, mộc mạc, làm cho họ có cảm giác như được ở nhà của mình”- anh Hùng vui vẻ cho hay.

Không những vậy, tại đây cũng phục vụ những món ăn hết sức dân dã, mà đặc biệt là những món ăn từ ếch: nào là ếch chiên, nào là ếch xào lăn,…ngon hết sẩy!

Đồng sen với khung cảnh yên bình và những món ăn đậm chất Nam bộ làm ngây ngất lòng khách phương xa.

Những cung đường rực rỡ sắc hoa cũng là điểm đến không thể bỏ lỡ tại Đồng Tháp

Qua miền trái ngọt…

Nếu người dân Sa Đéc và Tháp Mười làm du lịch với ruộng hoa của gia đình, thì người nông dân ở các xã cù lao tại TP.Cao Lãnh, xã Long Hậu (huyện Lấp Vò), xã Phú Hiệp (huyện Tam Nông),… cũng không kém khi làm du lịch với vườn cây ăn trái đặc sản.

HTX quýt hồng Lai Vung có 15 hội viên và cũng có hội viên làm du lịch. Chú Lưu Văn Tín- Chủ nhiệm HTX dẫn chúng tôi tham quan vườn quýt. Trong không gian thoáng đãng, dưới những tán cây quýt to có tuổi đời gần 20, chú bảo: “Mấy cây quýt lão này được trồng từ hồi còn trai trẻ tới giờ”. 

Theo chú Tín, từ nhỏ chú đã thấy loại cây này bám trụ trên đất quê, còn về kỹ thuật trồng cũng được truyền dạy từ đời này sang đời khác, chứ thật sự chú cũng như nhiều người khác cũng không biết cây quýt hồng đã bám rễ ăn sâu vào lòng đất bên bờ con sông Hậu hiền hòa này tự bao giờ.

Cũng không ai nhớ rõ người đầu tiên trồng giống quýt này, chỉ biết rằng bao thế hệ con người nơi đây từ khi chào đời đã chạm mắt với màu vàng hực của mùa trái chín. Quýt hồng vốn rất khó chăm sóc, mỗi năm chỉ cho trái một lần và chỉ trồng được trên địa bàn xã Long Hậu, Tân Phước và Tân Thành.

Chính vì vậy nếu muốn tham quan vườn quýt hồng, du khách có thể đến đây vào dịp cận tết, khi những chùm quýt vàng hực cả không gian, hay thời điểm đầu tháng 3 để được tận hưởng hương thơm ngào ngạt của mùa quýt trỗ hoa, trắng xóa cả một vùng.

Tạm biệt Lai Vung với một khoảng trời vàng rực, chúng tôi lại  xuôi theo chuyến phà đến xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh- nơi cù lao nằm giữa sông Tiền để được tham quan và thưởng thức các loại cây trái ngọt ngon: xoài, cam, nhãn, mãng cầu,...

Những cung đường rực rỡ sắc hoa cũng là điểm đến không thể bỏ lỡ tại Đồng Tháp.
Đồng sen với khung cảnh yên bình và những món ăn đậm chất Nam bộ làm ngây ngất lòng khách phương xa.

Và dùng bữa với những món ăn dân dã, đặc trưng của miệt sông nước nam bộ: cá linh, bông điên điển, cá lóc canh chua, … Rồi lắng lòng với những giai điệu mang âm hưởng dân tộc trong chương trình văn nghệ đờn ca tài tử.

Đa phần du khách tâm niệm, đi đến một nơi nào đó, ngoài cảnh đẹp thiên nhiên, ai cũng muốn khám phá bản chất, văn hóa cũng như nếp sinh hoạt thường ngày của cư dân bản địa.

Và với những nông dân làm du lịch ở Đồng Tháp, chính họ chứ không ai khác đã mang đến cho du khách một cảm giác chân phương, nồng nàn như ngay ở chính trong gia đình mình. Có thể có chỗ chu đáo, chỗ còn sơ sài, song có thể khẳng định, những nông dân này đã góp phần tạo ra một sản phẩm du lịch riêng biệt và đặc thù cho vùng quê Đồng Tháp.

Bài, ảnh : TRẦN NGỌC