Vững chãi vùng đất cuối trời

Cập nhật, 13:30, Thứ Sáu, 28/04/2017 (GMT+7)

Bước chân người Cà Mau chất chứa khát vọng Việt, luôn hướng ra biển. Đến tận mai sau, Cà Mau vẫn đi lên từ nét đẹp cứng cỏi, dũng mãnh đó. Sứ mệnh dành cho vùng đất “phên dậu” cuối trời Nam là vậy...

1. “Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” là cách nói hoa mỹ của cụ Nguyễn Tuân về vùng đất cuối trời Nam - Cà Mau.

Làm sao “khô” được khi ba bề Cà Mau sóng nước bao quanh, khi mũi đất này cứ mỗi năm lại dài thêm về phía Nam cả trăm mét?

Khi cụm đảo hòn Khoai (Hòn Khoai, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Đá Lẻ, Hòn Tương) gom hết phù sa của dòng hải lưu Nam - Bắc gửi lại Đất Mũi? Chỉ duy nhất về Đất Mũi, người ta mới có thể cùng lúc dang chân chạm cả biển Đông và biển Tây!

Cà Mau, nơi hội tụ những dòng sông. “Cái ấn tượng sâu sắc và thú vị đối với người phương xa đến Cà Mau là buổi sáng ở Viên An thấy mặt trời lên từ biển, chiều tà ngắm mặt trời đỏ au từ từ lặn xuống cái ngấn nước xanh biếc bao la.

Người lớn tuổi yêu mến Cà Mau bởi những tên sông: Sông Đốc, Bồ Đề, Cửa Lớn, Tam Giang, Cái Tàu, Sông Trẹm, Đầm Cùng, Bảy Háp, Gành Hào, Cái Đôi... và nhiều con rạch: Rạch Cui, Rạch Ráng, Rạch Giếng, Nổng Kè, Rạch Ông Tự, Rạch Tham Trơi...”, nhà văn Mai Văn Tạo đã viết.

Xứ Cà Mau diệu kỳ nhiều điều, từ xưa lận. Trong Tiểu giáo trình địa lý xứ Nam Kỳ (1875), nhà bác học Trương Vĩnh Ký từng xuýt xoa: Hòn Khoai (Pulo Obi - Đảo Vu) rộng ước vài mươi dặm, có suối treo, nước ngọt, bốn mùa không khô cạn.

Cửa biển Sông Đốc vẫn là một xứ được đánh giá là phồn thịnh nhất miền Hậu Giang.

Tàu đánh cá nước ngoài thường đến mua cá chở qua Tân Gia Ba (Singapore). Có các cửa tấn quan trọng như Bồ Đề, Tam Giang, Hiệp Phố (tục danh Phú Cáp - gọi Bảy Háp), Hoàng Giang (nguyên tên Đốc Huỳnh - Vàm Ông Đốc)... Rừng U Minh rậm rạp đước, sú, nhất là tràm, sanh ra nghề ăn ong, “hoàng lạp”...

Thiêng liêng Đất Mũi.
Thiêng liêng Đất Mũi.

Ước tính khi đó, hàng năm Cà Mau bắt được 1.500 tấn cá biển, với 3 ngàn miệng đáy bắt tôm tươi ở sông sẽ có khoảng 2.000 tấn tôm khô. Cá đồng thì số “zách”, lên đến 10 ngàn tấn và 8 ngàn tấn mắm khác.

“Than Năm Căn, chiếu miền Tân Duyệt/Mật U Minh, khoai ngọt chốn Trà Bang/U Minh Hạ sân chim tràn ngập đất/Cá thác lác sông Cái Tàu đục nước/Nơi mũi đước mũi tràm cua, rùa, khỉ…”, vẫn oằn nặng ký ức.

Vùng biển Cà Mau hiện rộng nhất nhì cả nước, gần 80.000 km2 với trên 5.000 phương tiện khai thác thuỷ sản.

Cà Mau “là vị ngọt của con sông Hậu chở đến trong tháng nắng, là đất phân U Minh dày hai, ba thước, mùa khô thường cháy rỗng bên dưới”.

Và Nhà văn Anh Đức còn quả quyết: “Mũi Cà Mau hiện nay như một bàn chân dũng mãnh choài ra biển giữ nguyên mảnh đất hình chữ S của Tổ quốc Việt Nam”.

2. Phong khí văn hóa Cà Mau là sự hòa quyện của Đất - Nước - Con người nơi đây và cả cái vị thế hướng biển truyền đời của tiền nhân.

Người Cà Mau phải rắn rỏi, can trường, khí phách lắm mới trì chí chinh phục được thiên nhiên khắc nghiệt; mới khắc chế, đẩy đuổi được bất công bạo tàn.

Người Cà Mau không né tránh, luôn biết cách đối diện với bao biến động thời cuộc, gió rừng mưa biển; khéo léo thích nghi, vượt thoát nghịch cảnh.

“Bao giờ hết đước Năm Căn/Ông Trang hết cá, Viên An hết rừng/Khai Long hết xác cá đường/Mũi Cà Mau đó tao nhường cho bây”.

Đó là khí phách của nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà cách mạng Phan Ngọc Hiển. Ông bị thực dân Pháp xử bắn khi mới tròn 31 tuổi cùng "10 chiến sĩ Hòn Khoai" (12-7-1941).

Người Cà Mau đã có “Làng rừng”, căn cứ U Minh... huyền thoại. Và còn vang danh Tiểu đoàn U Minh, Đội nữ pháo binh Cái Nước, Lâm Thành Mậu, Phạm Hồng Thám, Trần Văn Thời, Bông Văn Dĩa, Phạm Thị Bay, Hồ Thị Kỷ, Lý Văn Lâm…

Mảnh đất này có đến 1.463 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 59 tập thể, 70 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 17.395 liệt sĩ, 16.408 thương bệnh binh…

Có gia đình, dòng họ dâng hiến hàng chục người cho ngày Độc lập.  Ở đây không ai bị quên lãng. Bản lĩnh đó, mạch ngầm đó vẫn tuôn chảy, chẳng hề đứt đoạn bao giờ cả.

Thật xao động lòng người bởi lời nhắn nhủ của bà má Năm Căn: “Tao muốn gởi bây một cây đước ra trồng chỗ hồ đó (hồ Hoàn Kiếm giữa Thủ đô Hà Nội).

Là để tỏ tấm lòng bà con mũi Cà Mau luôn luôn trong lòng Tổ quốc, gần gũi Cụ Hồ”. “Làng góa phụ” (xã Khánh Hội - U Minh), thiệt hại nặng nhất trong cơn bão Linda (11-1997) đã hồi sinh nhờ sự sẻ chia đùm bọc của cả cộng đồng.

Lễ hội Cá Đường, lễ hội Ba Khía ở Đất Mũi; lễ hội Nghinh Ông ở Sông Đốc; lễ hội vía bà Thiên Hậu (TP Cà Mau)... là nét đẹp cội nguồn, có trước có sau, truyền bao thế hệ. 

Người Cà Mau luôn hào sảng, nặng tình, nặng nghĩa; dung chứa biết bao phận người của sông Hồng sông Đuống sông Hàn sông Hương. Họ dựa vào dòng Cửa Lớn, Sông Đốc, Sông Trẹm, Bảy Háp và dựa vào nhau, san sẻ cùng nhau để sống.

Người đi trước truyền người đi sau một cách sống thật đơn giản, chân tình: Lá rụng về cội, lá lành đùm lá rách, Tứ hải giai huynh đệ...

Những cánh chim chao liệng xào xạc đất U Minh, Đầm Dơi và ngay giữa trung tâm thành phố. Những câu chuyện đặc trưng Nam Bộ của bác Ba Phi trào lộng mà mượt mà âm sắc, ẩn chứa tính hào hùng, lạc quan, yêu thương thiên nhiên và con người nói lên thật nhiều điều…

Hấp dẫn Cà Mau.
Hấp dẫn Cà Mau.

3. Hơn 40 năm kể từ ngày miền Nam giải phóng, giờ đến với Đất Mũi, tận cùng phương Nam “chân không lấm đất” bởi cầu Năm Căn đã xong, đường về láng nhựa thẳng tắp. Nhưng để cảm nhận cho hết sự kỳ thú hãy lênh đênh trên sông nước.

"Cha chài mẹ lưới con câu/Chàng rể đóng đáy, con dâu ngồi nò" rồi những chàng trai rắn rỏi cheo leo trên những hàng đáy giữa sóng gió biển khơi chập chùng... “Lộc biển” vẫn theo những con người kiên tâm bám biển.

Càng gần cửa biển, đước càng ken chặt, san sát, bóng đổ tràn mặt sông. Rễ phụ (chang đước) rất lớn, mọc bao quanh gốc, bám sâu xuống đất, giúp cây đước luôn đứng vững trên đất sình lầy.

Trái đước khi chín cắm thẳng xuống bùn rồi mới nở ra, mọc dần thành cây. Năm đầu tiên chỉ cao 40 - 50cm nhưng khi rễ xuống sâu thì phát triển nhanh, mạnh lắm.

Các vị cao niên kể rằng chưa bao giờ thấy cây đước đứng lẻ loi hay bị dông gió giật ra khỏi lòng đất lòng biển cả. Như con người vậy, “cây đước đồng thanh đồng thủ, có đứng kề nhau thì thân mới lớn, mới thẳng”.

Chả trách có lần TS. Huỳnh Công Tín khẳng định “tam vị” (mắm, đước, tràm) được người dân xứ này tôn thờ như 3 vị “tam công”, 3 ông “phúc, lộc, thọ” bởi công mở đất, tiên phong lấn biển, tạo nên sự kỳ thú, đặc trưng vùng đất Cà Mau.

“Mắm trước, đước sau, tràm theo sát/Sau hàng dừa nước mái nhà ai”. Dân rành “sáu câu” thứ tự mở đất này.

Theo đó tương ứng là độ mặn, lợ, ngọt của nước; độ giẽ, độ thuần của đất. Chỗ nào trồng tràm là đất đã thuần, dân kéo đến ngụ cư, rồi từ đó mới ra hàng dừa nước, vườn xoài, mít, mận…

Cái thời hoang vắng “Trong khói sóng mênh mông/Có bóng người vô danh…” (Sơn Nam) đã qua rồi. TP Cà Mau trở thành đô thị loại II; thị trấn Năm Căn, thị trấn Sông Đốc là đô thị loại IV; Khu công nghiệp khí điện đạm, sân bay Cà Mau, đường hành lang ven biển phía Nam.

Khu kinh tế Năm Căn sẽ là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, đầu mối giao thương quốc tế cả vùng châu thổ Cửu Long, trở thành một trong 15 khu kinh tế ven biển năng động của cả nước.

Năm Căn - Mũi Cà Mau được định hướng thành 1/5 khu du lịch quốc gia tại đồng bằng. Đặc biệt, ước mơ từ thuở “khai thiên lập địa” của cư dân cực Nam Tổ quốc đã thành hiện thực, “non sông đã liền một dải”, nối thông tới tận “Mũi tàu ta đó...”.

Sức sống, thành quả hôm nay hiển hiện bản lĩnh, sức sáng tạo, năng động của con người Cà Mau. Chỉ những đàn cò trắng thong dong trên xẻo đất giữa sông, Tư Dương nói “Cồn mới nổi đó. Dân sẽ ra đó cắm đước…”.

Lại thêm những vùng đất mới. Những hàng đước, hàng mắm, sú, vẹt… ở Ngọc Hiển, Năm Căn vẫn trùng trùng ra biển.

Sứ mệnh dành cho vùng đất “phên dậu” cuối trời Nam là vậy.

Biết bao thế kỷ rồi, bàn chân Việt vẫn ngày càng sung mãn, vững chãi hơn nhiều trong khát vọng hướng biển ngàn đời của dân tộc Việt. “Ngón chân cái” Cà Mau sẽ không bao giờ “khô bùn vạn dặm”.  

Theo VŨ THỐNG NHẤT (Công an nhân dân)