Nước rạch Ngã Bát - hồn bột Sa Đéc

Cập nhật, 11:09, Thứ Năm, 09/02/2017 (GMT+7)

Sa Đéc, vùng đất ngoài sự trứ danh của làng hoa kiểng tràn ngập vạn thọ, hồng, cúc... còn là nơi ra đời của một loại bột nổi tiếng gần xa, tiền thân của hủ tiếu Sa Đéc lừng danh, đó là bột gạo.

Vật dụng chứa bột được thay thế hoàn toàn bằng inox
Vật dụng chứa bột được thay thế hoàn toàn bằng inox

Ai đã một lần ăn qua hủ tiếu hoặc các loại bánh làm từ bột gạo ở đây điều có chung một nhận xét: hủ tiếu Sa Đéc thơm ngon, dai, trong, đặc biệt không có mùi và vị chua, hấp dẫn đến nỗi không có hủ tiếu ở đâu có thể so sánh được!

Trò chuyện thân tình với một người làm bột trong gia đình giữ nghề gia truyền hơn trăm năm, tôi mới biết để bột Sa Đéc ngon đặc biệt như thế thật không dễ.

Thiên nhiên ưu đãi cho người làm nghề bột ở Tân Phú Đông - Sa Đéc một báu vật vô giá, đó là rạch Ngã Bát.

Nước ở rạch Ngã Bát có độ kiềm cao hơn nước các sông, rạch vùng lân cận rất nhiều, nên dùng nước Ngã Bát ngâm gạo để xay bột thì khi bột ra đời dùng chế biến thành các loại bánh sẽ giòn, dai, trong, thơm ngon hơn hẳn bột làm từ những vùng khác rất nhiều!

Ngoài ra, trước khi ngâm gạo, ủ bột... người Tân Phú Đông súc, rửa các lu, khạp chứa bột rất kỹ để tránh tình trạng vật liệu thừa lần trước còn sót lại lên men, sinh vi khuẩn tạo mùi chua cho sợi hủ tiếu, bún mà ta thường ngửi thấy.

Ngày nay, các cơ sở gia công bột số lượng lớn ở làng Tân Phú Đông không sử dụng các vật dụng chứa gạo, bột bằng sành như truyền thống nữa mà thay thế hoàn toàn bằng thiết bị inox để dễ làm vệ sinh sau mỗi lần ngâm gạo, ủ bột được hoàn toàn sạch.

Chính sự thay đổi này đã mang lại diện mạo mới cho bột sản xuất ra tại Sa Đéc nổi tiếng đến tận các nước phương xa.

Người Nhật trực tiếp đến tham quan, nếm thử và bén duyên với bột Tân Phú Đông bằng nhiều hợp đồng xuất khẩu mang lại niềm tự hào cho người làm bột.

Có một kỹ thuật gia truyền độc đáo mà thiếu nó thì có lẽ bột Sa Đéc không trắng, trong đến được như vậy, đó chính là lá cây bông bụp (râm bụt).

Lá bông bụp được xắt nhỏ, ngâm nước, lược nước nhờn, rồi dùng nước nhờn này pha vào bột mới xay ra. Đây chính là nguyên liệu lắng cặn bột, kéo các phụ phẩm bột chìm xuống để tinh bột nổi lên, góp phần giúp mẻ bột ra đời trắng đẹp, tinh khiết.

Nắng xế trưa trên rạch Ngã Bát làm những giàn bột phơi dài bên bờ rạch thêm đặc sắc. Tiếng cười ông chủ lò bột sảng khoái và ánh mắt tràn ngập niềm vui như mơ ước của ông: thành lập khu trưng bày dụng cụ và các sản phẩm làm từ bột Sa Đéc.

Thật mong có một ngày tôi trở lại nơi này trong phong cảnh người tham quan “du lịch Bột” đông đảo, hương bánh lá mít, bánh xèo, bánh khọt, bánh bò... thơm ngát cả không gian! Người tham quan sẽ ăn thật ngon, nhớ thật lâu, trước khi về còn gói ghém mua đủ loại bột, đủ loại bánh làm quà cho người thân và bạn hữu.

Theo VIÊN TRÂN (Báo Đồng Tháp)