Người giữ gìn gốm xưa Nam Bộ

Cập nhật, 11:20, Thứ Năm, 02/02/2017 (GMT+7)

 Sau một thời gian dài tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm, cô Nguyễn Kim Quyên (Đỗ Quyên, phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) đã có bộ sưu tập độc đáo, quý giá về gốm Việt. Trong đó, ấn tượng nhất vẫn là các hiện vật của dòng gốm xưa Nam Bộ, như: Cây Mai, Biên Hòa, Lái Thiêu.

Cô Đỗ Quyên đã dành thời gian dài sưu tầm các loại gốm xưa Nam bộ
Cô Đỗ Quyên đã dành thời gian dài sưu tầm các loại gốm xưa Nam bộ

Nhìn những bộ sưu tập gốm Việt Nam được sắp xếp khoa học, công phu theo đề tài, chủng loại, màu sắc, ý nghĩa… chúng tôi hiểu được phần nào niềm đam mê và công sức của người phụ nữ này.

Chính vì niềm đam mê ấy, cô Đỗ Quyên cùng cộng sự thực hiện một cuộc hành trình từ Bắc đến Nam, thăm và chụp hình ảnh gốm Việt từ các nhà sưu tập với dự định xuất bản ấn phẩm về gốm Việt Nam. Qua chuyến đi đó, cô Đỗ Quyên ấp ủ ước mơ xây dựng một bản đồ gốm Việt Nam.

Cô Đỗ Quyên tâm sự: “Mỗi dòng gốm Việt đều có dấu ấn riêng của mỗi thời kỳ. Sưu tập gốm Việt, ta lại hiểu thêm nhiều về văn hóa, lịch sử, mỹ thuật nước nhà qua từng giai đoạn phát triển… Yêu gốm không phải là ôm trong mình, mà cần phải được nhân rộng, truyền lửa cho những người khác để tiếp tục giữ gìn nét đẹp của gốm Nam Bộ.”

 

Theo cô Đỗ Quyên, gốm Nam Bộ được hình thành và phát triển từ những năm đầu thế kỷ XX, gồm: Gốm Cây Mai (Sài Gòn, Gia Định), gốm Biên Hòa (Đồng Nai), gốm Lái Thiêu (Bình Dương). Gốm Nam Bộ đẹp giản dị, đậm chất dân gian, là tâm tư nguyện vọng, là trí tuệ, công sức của cha ông ta trong lao động, trong sáng tạo nghệ thuật…

Sự đa dạng và vẻ đẹp của gốm xưa Nam Bộ được thể hiện qua những vật dụng sinh hoạt hàng ngày, như: Tô, dĩa, ấm, chén hay đồ thờ (tượng, lư hương, bát nhang)…

Nếu như gốm Cây Mai dùng trong kiến trúc rất ấn tượng thì gốm Biên Hòa được giới thiệu qua vẻ đẹp hoa văn trang trí từ phương pháp vẽ nét chìm hoặc trổ thủng, tô men trên bình, lọ hoa. Gốm Lái Thiêu lại mang vẻ đẹp bình dị, thanh thoát từ màu men tới nét vẽ trên những tác phẩm bình hoa, gối, vật dùng.

 

Các họa tiết trên từng hiện vận thể hiện sống động
Các họa tiết trên từng hiện vận thể hiện sống động

 

Gốm Nam Bộ luôn làm cho ta ngỡ ngàng, thích thú bởi sự đa dạng về loại hình, công dụng, kiểu dáng, màu men và phong phú về đề tài thể hiện…

Gốm sứ Nam Bộ có sự giao lưu, tiếp nhận rất nhanh về kỹ thuật sản xuất, mẫu mã mới, đó là những tinh hoa kỹ thuật của người Hoa, kết hợp với người Việt và học hỏi thêm kỹ thuật của phương Tây.

Cô Đỗ Quyên cho biết, hoa văn trang trí trên đồ gốm Nam Bộ, bên cạnh phong cách giản dị, gần gũi với cuộc sống người bình dân, còn có cả những sản phẩm mang tính mỹ thuật cao. Từ những hình ảnh đời thường như con gà, con cá cho đến những cảnh sinh hoạt gần gũi hàng ngày như gặt lúa, bắt cá, lễ hội… đều được thể hiện một cách sinh động qua từng hiện vật.

Đó là tinh hoa, là văn hóa của cha ông ta để lại, cần được sưu tập đầy đủ, tạo điều kiện cho mọi người dân thưởng lãm, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. 

Gốm như một mạch ngầm trong dòng chảy văn hóa, kết nối xưa và nay. Gốm đã bước ra từ cuộc sống dung dị hàng ngày để trở thành những tác phẩm nghệ thuật làm say lòng biết bao thế hệ.  

Bộ sưu tập gốm của cô Đỗ Quyên gồm đủ loại từ đôn, chậu cảnh, các hình rồng trang trí trên mái đình chùa xưa, hình ảnh phúc - lộc - thọ, cho đến những vật dụng hàng ngày như chén, đĩa… từ các dòng gốm Cây Mai, Lái Thiêu, Biên Hòa…

Tuy đã qua gần 1 thế kỷ nhưng nước men, những mảng sơn trên các đồ gốm sứ vẫn còn giữ nguyên được màu sắc trung thực và sinh động của mình. Bộ sưu tập này không chỉ được xem là kho tàng lưu trữ những giá trị văn hóa rất lớn mà còn là cơ sở để thế hệ trẻ sau này biết đến, giữ gìn và phát huy nền văn hóa lâu đời của dân tộc.

Theo TTMT