ĐBSCL không còn muốn sống chung với lũ?

Kỳ cuối: Không giữ lũ- mất nhiều hơn được

Cập nhật, 08:02, Thứ Tư, 26/10/2016 (GMT+7)

Có thể nói không có lũ hay lũ thấp là người đồng bằng mất đi kế sinh nhai gắn liền với mùa nước nổi và nhiều thứ khác nữa.

Cho nên, sau 20 năm rầm rộ đê bao khép kín ngăn lũ, đến nay miền Tây lại phải tính chuyện “giữ lũ” như một giải pháp cứu cả đồng bằng. Đặc biệt là sau đợt hạn, mặn lịch sử vừa qua đã cho thấy vấn đề giữ lũ, trữ nước ngọt ở đồng bằng càng trở nên cấp thiết.

 ĐBSCL đã và đang “đói” lũ và lượng phù sa cũng suy giảm đáng lo ngại.
ĐBSCL đã và đang “đói” lũ và lượng phù sa cũng suy giảm đáng lo ngại.

“Túi chứa nước” nhưng không giữ nước

Từ vùng Tân Phước (Tiền Giang), Tân Thạnh (Long An), Tam Nông, Hồng Ngự (Đồng Tháp), chúng tôi “cố tình” xuyên qua mấy cánh đồng về Tân Châu (An Giang) để tìm nước, nhưng lúa vụ 3 gần như đã choán chỗ hết. Đồng lúa xanh rì, xa xa có tốp người quảy bình xịt thuốc.

Vùng tứ giác Long Xuyên rộng gần 490.000ha (cùng với Đồng Tháp Mười) được xem như là “túi chứa nước” của ĐBSCL trong mùa lũ, nhưng giờ gần như toàn bộ được đê bao.

Không thể phủ định những thành quả từ việc đắp đê bao ngăn lũ để sản xuất lúa 3 vụ ở vùng này, song những hệ lụy từ đê bao đối với sản xuất cũng thật không nhỏ, đặc biệt là làm giảm đi nguồn cá, mất phù sa, đồng ruộng bạc màu, dịch bệnh phát triển, nông dân phải sử dụng nhiều phân bón, ô nhiễm môi trường...

Còn nhớ, những năm 1990, khi các tuyến đê bao khép kín ngăn lũ hình thành, người dân phấn khởi vì có thể làm lúa ngay mùa nước nổi.

Cùng với dự án thoát lũ ra biển Tây (An Giang, Kiên Giang), cứ thế những tuyến đê bao ngăn lũ ngày càng được đắp dài ở 2 vùng trũng là Đồng Tháp Mười (phía tả ngạn thuộc các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An) và vùng tứ giác Long Xuyên (phía hữu ngạn thuộc An Giang, Kiên Giang).

Toàn vùng có hệ thống đê bao khép kín tổng chiều dài khoảng 7.000km, đưa hàng triệu người dân ổn định nhà cửa phía trong đê.

ThS. Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia độc lập Nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL cho biết, từ xa xưa hạ lưu sông Mekong được thiên nhiên ban cho 3 “túi điều hòa nước” là biển Hồ (Tonle Sap) ở Campuchia, vùng Đồng Tháp Mười và vùng tứ giác Long Xuyên. 3 túi nước này điều hòa dòng nước cho những dòng nhánh phụ.

Hàng năm khi lũ sông Mekong đổ về làm cho biển Hồ tăng diện tích chứa nước từ 300.000ha trong mùa khô lên 1,5 triệu ha. Từ biển Hồ nước chảy vào Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên làm cho 2 vùng này ngập sâu 3- 4m. Từ đây, nước nhả dần dần ra sông Tiền, sông Hậu, vào mùa khô đẩy nước mặn xâm nhập từ biển vào.

Thế nhưng, sau khi hình thành hệ thống đê bao khép kín, một khảo sát từ năm 2000- 2011 cho thấy lượng nước ở tứ giác Long Xuyên đã giảm từ 9,2 tỷ m3 xuống còn khoảng 4,5 tỷ m3 do diện tích khoảng 1.100km2 ô đê bao khép kín ngăn lại.

“Điều này cũng đồng nghĩa ĐBSCL đã mất 4,7 tỷ m3 nước để đẩy mặn trong mùa khô cho vùng ven biển. 2 vùng trũng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười không còn nước tích trữ đủ để bổ sung cho sông Tiền, sông Hậu đẩy nước mặn ra xa nên xâm nhập mặn vừa qua và dự báo tới đây lại càng lấn sâu. Tệ hơn khi biến đổi khí hậu càng tác động mạnh, El Nino gây hạn hán xảy ra khắp lưu vực sông Mekong”- ThS. Nguyễn Hữu Thiện nói.

An ninh lương thực phải tính lâu dài

Nói về lợi và hại, ThS. Nguyễn Hữu Thiện thẳng thắn “lũ không về mất nhiều hơn được”. “Phù sa Trung Quốc giữ từ 160 triệu tấn năm 1992, đến năm 2014 còn chỉ 85 triệu tấn. Mà khi 11 đập thủy điện xây dựng xong ở thượng nguồn thì lượng phù sa chỉ còn 42 triệu tấn như hiện nay”- ThS.

Nguyễn Hữu Thiện chỉ rõ, làm lúa vụ 3 nhân danh an ninh lương thực là sai, bởi an ninh lương thực phải tính lâu dài, phải giữ đất màu mỡ cho con cháu. Để làm ra 1kg lúa tốn 4.000- 5.000 lít nước, trong khi mỗi năm đồng bằng làm ra khoảng 25 triệu tấn lúa, cần một lượng nước khủng khiếp. Lúa là cây trồng rất cần nước. Vì vậy trong điều kiện biến đổi khí hậu thì việc chuyển đổi ưu tiên cây hạn chế nước là cần thiết.

Theo ThS. Nguyễn Hữu Thiện nghiên cứu, kinh nghiệm canh tác lúa trong đê bao khép kín (không nhận phù sa vào) ở ĐBSCL cho thấy sau khoảng 20- 25 năm, năng suất sẽ giảm dù có tăng phân bón vì sau một thời gian kho dinh dưỡng trong đất bị cạn kiệt.

Phân bón hóa học chỉ cung cấp vài chất đa lượng, còn lại thì phải nhờ phù sa nạp vào cho đất. Phù sa mịn cũng có vai trò bảo vệ bờ biển. Xung quanh bờ biển ĐBSCL là một vùng nước đục. Chính lớp nước đục này là cái “áo giáp” mà ĐBSCL mặc để bảo vệ mình trong mấy ngàn năm qua.

Thích ứng điều kiện thay đổi

Trước hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, lượng nước sông Mekong về ĐBSCL ngày càng ít, lượng phù sa không còn màu mỡ như trước, nhiều nông dân trong vùng đã “tự thích ứng với môi trường”, thay đổi mô hình sản xuất nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

TS. Dương Văn Ni- chuyên gia Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (IUCN) ở Trường ĐH Cần Thơ, tại hội thảo “Sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong” tại Trường ĐH Cần Thơ vào tháng 4 vừa qua, cho biết đã bắt tay thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế mô hình sinh kế có tính chất trữ lũ” với sự hỗ trợ của IUCN.

Ở khía cạnh kinh tế thị trường, kết hợp được giá lúa thấp nhưng ổn định với giá gương sen biến động, lắm khi đột phá để có hiệu quả chung là an toàn, có giá trị rất lớn ở việc trữ nước mùa lũ để tưới tắm ĐBSCL mùa khô.

Theo TS. Dương Văn Ni, luân canh sen- lúa hoặc chuyên canh sen làm du lịch, trữ lũ gấp đôi làm 3 vụ lúa.
Theo TS. Dương Văn Ni, luân canh sen- lúa hoặc chuyên canh sen làm du lịch, trữ lũ gấp đôi làm 3 vụ lúa.

Kết quả nghiên cứu cho thấy lợi nhuận bình quân của nông dân trồng lúa 3 vụ/năm tại xã Mỹ Hòa (huyện Tháp Mười) chỉ có 60,2 triệu đồng/ha; nếu thâm canh sen thì lợi nhuận trên 117 triệu đồng/ha; trồng sen kết hợp nuôi cá cho 130 triệu đồng/ha và nếu trồng sen kết hợp làm du lịch thì thu nhập lên đến 290 triệu đồng/ha.

Cũng theo TS. Dương Văn Ni tính được, luân canh sen- lúa hoặc chuyên canh sen làm du lịch, trữ lũ gấp đôi làm 3 vụ lúa, cụ thể là 15.000 m3/ha so với 7.000 m3/ha. Bởi cây sen có khả năng vượt lũ, nước lũ dâng cao bao nhiêu thì cây sen vươn lên bấy nhiêu, mà nhiều cây trồng khác không có đặc tính quý báu này.

Trữ được nước lũ mùa mưa sẽ làm giảm khả năng tàn phá của mùa lũ, không cho nước lũ dâng cao và chảy xiết xuống miền dưới, tràn vào các đô thị. Đặc biệt, trữ được nước lũ mùa mưa sẽ có nguồn nước ngọt chảy ra trong mùa khô, giảm bớt thiệt hại khi xảy ra thiên tai hạn hán.

Mùa nước nổi tạo nên bản sắc riêng cho ĐBSCL.
Mùa nước nổi tạo nên bản sắc riêng cho ĐBSCL.

 

 

Theo PGS- TS. Lê Anh Tuấn- Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), lũ về đồng bằng có 8 lợi ích, trong đó quan trọng là tăng độ phù sa cho đất, tăng độ ẩm mùa khô, duy trì hệ sinh thái đất ngập nước, vệ sinh ruộng đồng, bổ sung nguồn nước ngầm và cung cấp nguồn lợi thủy sản.

Miền Tây nay “đói” lũ tức lợi ích từ lũ bị cắt đứt, sản xuất lúa ảnh hưởng không nhỏ. PGS- TS. Lê Anh Tuấn nói “đói” lũ năm nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân: biến đổi khí hậu; sự xuất hiện dày đặc đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong, mà thứ quan trọng không kém là hệ thống đê bao khép kín để sản xuất lúa vụ 3 làm vùng dự trữ nước trong tự nhiên dẫn đến thu hẹp.

Hiện ĐBSCL có khoảng 600ha diện tích có đê bao khép kín tăng hơn 11 lần so năm 2000 nhưng ngược lại giảm lượng nước dự trữ đáng kể. Cụ thể, nếu năm 2000 vùng tứ giác Long Xuyên trữ 92 tỷ m3 thì đến năm 2015 chỉ còn 4,8 tỷ m3.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- HOÀNG MINH