Nghề trồng hoa kiểng, lắm nỗi nhọc nhằn

Cập nhật, 06:34, Chủ Nhật, 31/01/2016 (GMT+7)

Chưng hoa kiểng trong dịp tết là một phong tục truyền thống lâu đời mang nhiều ý nghĩa, là nhu cầu làm đẹp, trang trí của đại đa số người Việt. Do đó, nghề trồng hoa tết cũng được nhiều người xem là nghề làm đẹp cho đời. 

Để có cây mai kiểng thế này, người trồng bỏ vào đó nhiều công sức, trí tuệ. Ảnh: VINH HIỂN
Để có cây mai kiểng thế này, người trồng bỏ vào đó nhiều công sức, trí tuệ. Ảnh: VINH HIỂN

Thế nhưng, bên cạnh những niềm vui khi có những chậu hoa, cây kiểng bắt mắt phục vụ bà con chơi tết, người trồng hoa kiểng cũng lắm nỗi nhọc nhằn.

Năm nay, chợ hoa kiểng tại TP Vĩnh Long bắt đầu nhộn nhịp từ ngày 9 tháng Chạp (đến 29 tháng Chạp). Các mặt hàng được bày bán chủ yếu là kiểng và hoa. Nào là hoa vạn thọ, cúc mâm xôi, hoa giấy, hoa mai… Không chỉ người dân trồng hoa hay làng hoa kiểng nổi tiếng trong tỉnh mà còn có những người dân đến từ các tỉnh khác như Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang… với nhiều mặt hàng đa dạng và phong phú.

Một quá trình gian nan

Trồng hoa kiểng tết là nghề tưởng đơn giản, nhưng thực chất rất nhiêu khê, vất vả và đòi hỏi sự kiên trì. Trồng hoa kiểng đòi hỏi đầu tư lớn nhưng lại phập phồng lo âu vì may rủi, phụ thuộc vào thời tiết. Bên cạnh đó, người trồng còn lo lắng khi hoa kiểng các nơi đổ về nhiều, phải cạnh tranh giá trong khi chi phí đầu vào cũng tăng nên giá thành tăng theo.

Sau những ngày dài kỳ công chăm sóc và vận chuyển đến các chợ trung tâm thì chuyện bán được hàng hay không, đắt hay ế là cả một nghệ thuật, đôi khi còn chiều khách hết mức có thể. Có người mua dễ tính được giá là mua ngay, nhưng cũng có khách hàng kỳ kèo, lựa chọn, thậm chí có người chỉ đến xem rồi sờ nắn hoa kiểng, khiến người bán nhót lòng vì sợ rụng bông, gãy cành nhưng vẫn phải cười thật tươi với mong muốn bán được hàng.

Cô Trương Thị Hai (xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách- Bến Tre)- một hộ chuyên trồng hoa vạn thọ chia sẻ: “Cực lắm, trước tết thì lo chăm sóc tỉ mỉ, canh thời điểm phun thuốc diệt sâu, phun thuốc, rồi canh thời tiết sao để cây nhiều hoa, nở đúng dịp tết, không sớm, không muộn. Nhưng cực nhất vẫn là làm sao bán được hàng, người thì mua, người thì xem, đôi khi còn bưng lên bỏ xuống không thương tiếc, nhìn mà nhót ruột nhót gan nhưng chỉ biết cười trừ”.

Còn đối với chú Tiêu Minh Hùng- một người có thâm niên trong nghề trồng mai của Làng mai vàng Phước Định (Long Hồ), cái khó của hộ trồng mai là loại cây kiểng này rất nhạy cảm với thời tiết và rất khó xử lý cho hoa nở đúng tết. Chú nói: “Cả năm chỉ trông chờ vào dịp này. Đêm quên ngủ, ngày quên ăn, có làm gì được đâu, chỉ chuyên tâm chăm sóc. Trái gió trở trời một chút là lo sốt vó, năm nào ra sớm hay ra trễ coi như… tiêu”.

“Bám nghề” và hy vọng...

Năm nay, mặc dù giá vật tư, phân bón có phần tăng so với năm trước nhưng thời tiết thuận lợi nên một số hộ trồng hoa kiểng đang tất bật chuẩn bị cho vụ hoa tết. Nhìn những cây mai vàng đủ hình dạng đang đâm nụ e ấp, những chậu hoa cúc vàng, vạn thọ rực rỡ khoe sắc trong buổi chợ chiều hay những đóa hướng dương lung linh trong gió mới thấy để có được thành quả như vậy là cả một quá trình lao động miệt mài.

Đang chỉnh sửa dáng một cây mai vàng, anh Văn Diên ở Làng mai vàng Phước Định tươi cười cho biết: “Tôi trồng kiểng cũng đã được nhiều năm nay. Với nghề trồng kiểng thì tết là dịp kiếm tiền nhiều nhất. Đây là năm thứ tư, tôi và con trai bán kiểng trên Vĩnh Long. Tôi đưa kiểng lên từ mùng 9, hổm rày cũng bán lai rai, hy vọng năm nay sẽ bội thu, được giá”.

Để đến tay khách hàng từng chậu hoa, cây kiểng là chuỗi dài những câu chuyện. Kể không hết, nghe không xuể, mỗi người đều gặp phải những trường hợp vui buồn lẫn lộn nhưng tất cả chỉ mong sao cho mùa hoa kiểng tết sẽ bội thu, được giá và về nhà sớm cùng gia đình.

Đôi khi trở về, chợt nhận ra mình vẫn chưa kịp làm đẹp cho nhà cửa mình nhưng chắc hẳn người trồng hoa kiểng sẽ rất vui vì đã làm đẹp cho đời, cho từng nhà. Anh Nguyễn Thanh Trà đến từ Sa Đéc (Đồng Tháp) tâm sự: “Trồng hoa đã trở thành cái nghiệp của gia đình tôi, truyền từ đời này sang đời khác, sống không thể thiếu nó, mặc dù có lúc này, lúc khác, năm được giá, năm lỗ nặng nhưng cái nghề cái nghiệp của ông bà mà, đâu có bỏ được…”.

Dù cho bao nhọc nhằn, vất vả nhưng người trồng hoa kiểng vẫn cố gắng “bám trụ” với nghề bằng đôi bàn tay cần cù, chăm chút, nâng niu từng chậu hoa, cây kiểng để tô điểm cho ngày xuân thêm tươi thắm. Người trồng hoa xứng đáng được hoa kiểng ưu đãi, mang lại nguồn thu nhập ổn định để cuộc sống luôn tràn ngập mùa xuân tươi vui, sung túc, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

MINH SƠN (TP Vĩnh Long)