Dạy nghề cho lao động nông thôn góp phần giảm nghèo bền vững

Cập nhật, 17:07, Thứ Sáu, 14/12/2018 (GMT+7)

Năm 2018, tỉnh Vĩnh Long đề ra mục tiêu đào tạo nghề cho 6.000 lao động nông thôn (LĐNT) và đến cuối quý 3 công tác này hoàn thành. Phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Tám- Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long về kết quả dạy nghề cho LĐNT trong thời gian qua đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế ở các vùng nông thôn, góp phần thực hiện an sinh xã hội.

* PV: Với nhiều nỗ lực, thì từ đầu năm đến nay công tác dạy nghề cho LĐNT đạt được mục tiêu đề ra, xin ông cho biết kết quả đạt được của đề án này?

* Ông Võ Văn Tám: Mục tiêu thực hiện Đề án năm 2018 chủ yếu tập trung đào tạo nghề cho LĐNT gắn với phát triển các ngành nghề thế mạnh của từng khu vực, từng mô hình điển hình thông qua việc nâng cao chất lượng đào tạo gắn với hiệu quả giải quyết việc làm, tạo việc làm, tăng thu nhập của LĐNT;

tăng cường thực hiện lồng các chương trình, đề án, dự án khác vào Đề án 1956 để nâng cao hiệu quả thực hiện; Thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho LĐNT gắn với các hỗ trợ phát triển ngành nghề LĐ; đào tạo nghề gắn với các chính sách an sinh xã hội, thực hiện các công trình phúc lợi xã hội và góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững.

Với các mục tiêu trên, năm 2018 ngành Lao động Thương binh và Xã hội đã tích cực phối kết hợp với các Sở ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu Đề án đã đề ra, cụ thể: tổ chức các cuộc truyền thông, tuyên truyền về chính sách của Đề án; tổ chức khảo sát gần 250.000 hộ gia đình về nhu cầu học nghề theo chính sách Đề án 1956;…

- Xây dựng và phát triển các mô hình điển hình: Mô hình đào tạo nghề Xây dựng dân dụng gắn với hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và xây dựng các công trình phúc lợi xã hội tại địa phương;

 mô hình đào tạo nghề trồng nấm bào ngư xám cho 130 LĐNT gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững; Tiếp tục duy trì tốt mô hình đào tạo nghề chăn nuôi gắn với Dự án hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo năm 2017.

- Công tác đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị đào tạo; chỉnh sửa lại giáo án những ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

- Tổ chức 291 lớp đào tạo nghề cho 7.197 LĐNT (đạt 119,95% kế hoạch năm); tổ chức 3 đợt kiểm tra về công tác tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT tại 23 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Qua thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời chấn chỉnh và hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động và tổ chức đào tạo theo đúng các quy định theo Luật Giáo dục nghề nghiệp và các quy định hiện hành;…

* PV: Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT đạt hiệu quả cao hơn thì trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung những giải pháp gì, thưa ông?

* Ông Võ Văn Tám: Để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tạo việc làm cho LĐNT đạt hiệu quả cao hơn, thì trong thời gian tới cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

- Thứ nhất: Tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến các chính sách về đào tạo nghề, lồng ghép tuyên truyền các chính sách về giải quyết việc làm và xuất khẩu LĐ đến đông đảo nhân dân và LĐ khu vực nông thôn;

chú trọng tập trung thực hiện đi vào chiều sâu, tổ chức đánh giá tính hiệu quả để rút kinh nghiệm trong thực hiện công tác tuyên truyền. Tăng cường công tác tư vấn học nghề, tạo việc làm và xuất khẩu LĐ đối với các đối tượng người LĐNT chưa có việc làm, thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định, việc làm có thu nhập thấp,…

- Thứ hai: Phát huy, nhân rộng các mô hình điển hình trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT; tổ chức khảo sát, rà soát và phát triển mới các mô hình hiệu quả cao để tập trung đào tạo và nhân rộng. Thực hiện tốt công tác khảo sát, dự báo thị trường LĐ để gắn kết giữa đào tạo nghề và giải quyết việc làm, khuyến khích đào tạo nghề trong doanh nghiệp; Tiếp tục thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh phổ thông học nghề,…

- Thứ ba: Phát huy sự phối kết hợp trong tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu LĐ; trong đó, chú trọng phát huy vai trò của các hội, đoàn thể chính trị - xã hội, các cán bộ chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện.

- Thứ tư: Tiếp tục thực hiện tốt chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định và mở rộng sản xuất để tạo việc làm ổn định cho người LĐ; khuyến khích các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu LĐ tham gia hoạt động đào tạo nghề gắn với việc tuyển dụng LĐ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

MAI ANH (thực hiện)