Chuyện du lịch cộng đồng

Cập nhật, 07:15, Thứ Ba, 08/01/2013 (GMT+7)

Khó có thể “gói gọn” đề tài rộng như thế trong một bài viết. Chỉ xin khu trú lại ở một góc nhìn, từ một tour du lịch nông dân đang triển khai ở An Giang; để chúng ta thêm khẳng định về một hướng đi đúng của du lịch đồng bằng.


Một nông dân hái bắp và nướng ngay tại chòi, phục vụ du khách.

Tour săn cá bông lau

Đầu mùa cá bông lau năm nay, tour du lịch trên sông Vàm Nao đã tạo thêm điểm nhấn, làm tăng thêm sự đa dạng, phong phú và hấp dẫn của sản phẩm, thông qua tour famtrip, săn cá bông lau kết hợp với lễ xuống lưới đầu mùa.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành tham gia chương trình này, có cùng nhận định đây là cách làm hay, vừa giúp du khách hiểu sâu hơn về đời sống văn hóa tinh thần của cư dân địa phương, đồng thời làm sống lại những nghi thức lễ hội của làng nghề.

Ông Tám Hổ (ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân) cho biết, hàng năm khi dứt mùa nước đổ, vào cuối tháng 10 bước qua tháng 11 âm lịch, nước sông Hậu trở nên trong hơn và chảy chậm lại.

Đó cũng là lúc dân Vàm Nao chuẩn bị đồ nghề sẵn sàng đón mùa cá bông lau đâm lưới. Bao giờ ngư dân cũng làm cái lễ cúng Ông Cậu, Bà Cậu cặp vịt, cầu cho một mùa làm ăn mới “xuôi chèo mát mái”. Nhà nghèo thì cũng phải có trái cây, nhang đèn, nhưng khi đánh được con cá đầu tiên, thì phải cúng lại cặp vịt.


Năm nay, lần đầu tiên có sự tổ chức lễ cúng chung cho cả làng thế này rất hay, mọi người có dịp cùng nhau ngồi ôn lại chuyện cũ, chuyện mới, trao đổi những kinh nghiệm làm ăn, càng tăng thêm tính đoàn kết, sự phấn khởi của mùa làm ăn mới.

Sau khi làm lễ, tất cả các xuồng đều hướng ra sông Vàm Nao, mỗi người tự chọn cho mình bến thả. Du khách trực tiếp tham gia hoặc theo dõi từ trên những du thuyền. Vì đây là tour famtrip, nhằm giới thiệu sản phẩm hoàn chỉnh đến các doanh nghiệp, nên các đặc sản đều được chuẩn bị sẵn.
 
Đối với tour thực tế, tiệc trên sông vào đêm khuya, chính là những chú cá bông lau vừa đánh bắt. Ngoài ra, nông dân và du khách cùng hái bắp trên cù lao, tự nướng tại chỗ, để có những trải nghiệm thực sự của đời sống nông dân địa phương.

Ông Tám Hổ cho biết, những nông dân tham gia làm du lịch, trước tiên được tập huấn, được hỗ trợ tiền xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn, để phục vụ khách homestay. Hiện ở ấp Vàm Nao đã triển khai ở 4 hộ. Tuy nhiên, sự thụ hưởng của cộng đồng không chỉ gói gọn ở những người làm du lịch trực tiếp, mà mở rộng ra nhiều hộ có nguồn lợi gián tiếp, khi sản phẩm du lịch thu hút nhiều du khách.

Hướng đi đúng

Nông dân làm du lịch, thực ra trên thế giới các nước phát triển họ đã làm từ lâu rồi. Và họ làm hay đến nỗi, nó tự nhiên như chính cuộc sống tự nhiên ở cộng đồng. Ở đó, chính phủ, các cơ quan chủ quản về du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tập huấn nghiệp vụ, hoạch định, quảng bá ở tầm vĩ mô, còn lại người dân tự tổ chức, thực hiện. Đương nhiên, phần lớn lợi nhuận từ du lịch phải “ở lại” cộng đồng.

Ở nước ta, từ năm 2010, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch cũng đã có hẳn một đề án quy mô trên cả nước và tầm nhìn đến tận 2030, với tổng kinh phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Qua thẩm định hồ sơ du lịch cộng đồng từ các địa phương gởi về, rồi từ nhiều cuộc khảo sát thực tế, giai đoạn một của đề án đã chọn đầu tư 4 tỉnh. Trong đó, riêng ở khu vực ĐBSCL 2 địa phương được chọn là: An Giang và Vĩnh Long.

Trong khi các địa phương đều chờ “Bộ”, ngay như Vĩnh Long, cho đến nay cũng chưa xong giai đoạn lấy ý kiến người dân thì An Giang đã “lặng lẽ”… đi sau về trước. Giờ họ đã phát triển đến 3 địa phương và phát triển rất tốt du lịch cộng đồng. Đó là các xã: Văn Giáo (Tịnh Biên), Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên), Tân Trung (Phú Tân).


Ngư dân đánh bắt cá bông lau trên sông Vàm Nao.

Đặc biệt, An Giang được sự hỗ trợ kinh phí trực tiếp từ Tổ chức Agriterra (Hà Lan), trong vòng 4 năm từ 2011- 2014. Tổng kinh phí thực hiện dự án phát triển du lịch nông dân là 676.400 Euro (18,4 tỷ đồng), trong đó phần đóng góp của Agriterra là 328.650 Euro, đóng góp của Hội Nông dân và các hộ tham gia là 347.750 euro.

Mỗi xã có từ 5 đến 10 hộ tham gia dự án, tổng số hộ tham gia hưởng lợi trực tiếp từ 75 đến 100 hộ nông dân, chưa kể số hộ được hưởng lợi gián tiếp từ chương trình đào tạo, cùng tham gia các dịch vụ của dự án và bộ mặt nông thôn được thay đổi, phát triển của cộng đồng ở 15 xã trong quá trình triển khai dự án.

Với từ 10 đến 15 hộ tham gia mỗi điểm, các dịch vụ bao gồm: homestay, ẩm thực đồng quê, du thuyền trên sông, tham quan rừng tràm Trà Sư, săn cá bông lau... thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, kể cả khách quốc tế.

Để duy trì tính bền vững của dự án, tiếp tục nâng cao hiệu quả các loại hình du lịch nông nghiệp hiện có cùng với tạo những hỗ trợ tích cực cho người nông dân giai đoạn tiếp theo, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã được phép thành lập Trung tâm Du lịch nông dân, với các loại hình du lịch như: du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch thể thao, du lịch sông nước, du lịch ẩm thực…

Hình thành một hệ thống tour du lịch nông nghiệp mang tính liên kết chặt chẽ giữa những điểm du lịch nông dân qua vai trò điều phối của Trung tâm Du lịch nông dân.

Đây là hướng đi đúng và có kế hoạch dài hơi, bền vững. Thực tế đã chứng minh, qua lượng khách đổ về An Giang ngày càng đông và đa dạng nguồn khách, kể cả trong nước và quốc tế.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN