Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn: khó hay dễ?

Cập nhật, 08:27, Thứ Sáu, 28/12/2018 (GMT+7)

Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn không chỉ giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao uy tín, năng lực cạnh tranh, mà quan trọng hơn là để người dân được sử dụng nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn, góp phần bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít DN chưa mặn mà xây dựng chuỗi cung ứng, than khó thực hiện. Vì vậy, đến nay, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận còn rất ít.

Chuỗi sản xuất kinh doanh xoài có đầu ra ổn định.
Chuỗi sản xuất kinh doanh xoài có đầu ra ổn định.

Nỗ lực xây chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Với chủ trương thực hiện sản xuất an toàn và đảm bảo chất lượng, Vĩnh Long cũng đang tích cực triển khai sản xuất liên kết theo chuỗi sản phẩm (SP) nông sản an toàn để đảm bảo chất lượng cho từng công đoạn, từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.

Theo đó, chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn là yêu cầu cấp thiết trong hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện nay. Bởi chuỗi thực phẩm an toàn được kiểm soát chặt chẽ từ cung cấp đầu vào, sản xuất, thu gom, sơ chế, chế biến và cung ứng SP cho người tiêu dùng.

SP từ các mô hình chuỗi tiêu thụ trên thị trường được đưa vào trong chương trình lấy mẫu giám sát an toàn của cơ quan chức năng và thí điểm cấp giấy xác nhận SP đã được kiểm soát an toàn theo chuỗi.

Mới đây, Sở Nông nghiệp- PTNT đã công bố 3 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có liên kết sản xuất là: chuỗi sản xuất kinh doanh nấm bào ngư, nấm hoàng kim, snack nấm, hoa đậu biếc khô; chuỗi sản xuất kinh doanh thanh long; chuỗi sản xuất kinh doanh xoài. Cả 3 chuỗi đều có DN thu mua, sơ chế và kinh doanh, phân phối.

Chương trình công bố thuộc dự án “Nâng cao chất lượng quản lý an toàn thực phẩm và xây dựng mô hình chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2018- 2020”.

Chị Cao Thúy An- Giám đốc Công ty TNHH 1TV Thực phẩm sạch An An (xã Mỹ Phước- Mang Thít) có 1 trong 3 chuỗi SP an toàn được công nhận cho hay: “Lợi ích của việc tham gia chuỗi là có thể kiểm soát được chất lượng SP đảm bảo an toàn, truy xuất được nguồn gốc, xây dựng được thương hiệu cho SP.

Khi chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ hình thành, người tiêu dùng sẽ yên tâm và tin tưởng khi tiêu thụ SP, người sản xuất, kinh doanh cũng được đảm bảo đầu ra, sản xuất ổn định hơn, qua đó, góp phần tăng giá trị SP”.

Là đơn vị thu mua, sơ chế và bán SP của chuỗi sản xuất kinh doanh xoài, ông Lê Hồng Vân- Phó Giám đốc Công ty TNHH 1TV Khoa học Nông nghiệp Việt- Mekong (Phường 9- TP Vĩnh Long) cho biết: “Trước khi được chứng nhận đầu ra cho SP chưa thật sự ổn định, tiêu thụ chỉ 2- 2,5 tấn/tháng, đồng thời rất khó chen chân vào kênh phân phối hiện đại. Nhưng sau khi đạt chứng nhận thì dễ đường vào siêu thị hơn. Hiện đã tiêu thụ được ở hệ thống Co.opmart, Satra... với sản lượng 5 tấn/tháng.

Ông Liêu Cẩm Hiền- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: Trong bối cảnh ngành nông nghiệp ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường khu vực và quốc tế, việc đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản không chỉ lấy lại niềm tin của người tiêu dùng mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam với nông sản của nước ngoài ngay tại thị trường nội địa.

Khó vẫn phải làm bởi là xu hướng tất yếu

Tuy nhiên, theo nhiều DN, việc hình thành các chuỗi cung ứng đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức.

Một số DN cho rằng, tại Vĩnh Long, phần lớn DN là nhỏ và vừa, ít vốn, nên rất khó để xây dựng hay gia nhập chuỗi cung ứng. Thêm vào đó, tình trạng “mạnh ai nấy làm”, DN tự sản xuất, tự bán ra thị trường mà chưa tạo được mắt xích liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ SP.

Đó là chưa kể, vẫn còn không ít cơ sở, người dân thấy “xa lạ” với khái niệm chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng. Vì vậy việc áp dụng đúng quy trình sản xuất theo chuỗi gặp không ít “chướng ngại vật”.

Bà Bùi Minh Phượng- Giám đốc Công ty TNHH 1TV Sản xuất thương mại Nông lương Việt Nam (phường Cái Vồn- TX Bình Minh) bày tỏ: “Bất cập trong việc tạo chuỗi cung ứng cho hàng nông sản đó chính là trong sản xuất, người nông dân sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật làm chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng đến chất lượng SP, thêm vào đó, phải áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất nên nhiều nông dân dễ nản, khó có thể tự mình hoàn thành theo tiêu chuẩn”.

Trong khi đó, chị Cao Thúy An cũng băn khoăn: “Hiện nay SP sạch an toàn muốn vào hệ thống siêu thị không hề dễ dàng do vướng nhiều thủ tục. Bên cạnh đó, người tiêu dùng vẫn còn tâm lý đánh đồng SP sạch và SP không sạch, có chênh lệch giá là người tiêu dùng lại ái ngại. Thêm vào đó, việc được xác nhận chuỗi cung ứng- liên kết đã khó nhưng việc duy trì lại càng khó hơn”.

Theo nhiều DN, giải pháp truy xuất nguồn gốc SP cũng được xem là một lời giải cho bài toán niềm tin cho SP. Theo đại diện Công ty CP Công nghệ và truyền thông Smart Life, việc truy xuất nguồn gốc đang ngày càng trở nên quan trọng trong quản trị thương hiệu. Hiện nay công nghệ Blockchain đang được áp dụng rất rộng rãi trên thế giới.

Lợi thế của Blockchain là đáng tin cậy, minh bạch, bền vững, đặc biệt là giá thành không quá cao. Ngoài công nghệ Blockchain, mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong chuỗi cung ứng nông sản cũng đang rất phổ biến. Đây là những giải pháp quản trị hiện đại nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản.

Song, hiện nay trên thị trường cũng có không ít SP truy xuất nguồn gốc “ảo” đánh lừa người tiêu dùng. Do đó, ngành chức năng cần siết chặt kiểm soát vấn đề truy xuất nguồn gốc ở các DN.

Có thể thấy, việc phát triển chuỗi cung ứng nông sản không chỉ giúp cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, gia tăng giá trị cho SP mà còn đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Qua đó sẽ góp phần hạn chế tình trạng giải cứu nông sản, tạo thu nhập ổn định cho các hộ sản xuất.

“Tuy con đường thực hiện chuỗi cung ứng không phải hoàn toàn thuận lợi nhưng khi được chứng nhận DN sẽ được nhiều hơn mất, nếu chỉ giậm chân tại chỗ, không phấn đấu cải thiện thì DN sẽ dần tuột lại phía sau”- ông Lê Hồng Vân chia sẻ.

Ông Liêu Cẩm Hiền - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT

Để có những chuyển biến tích cực về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm và đáp ứng nguyện vọng của người dân, các ngành chức năng cần phối hợp thực hiện các chuỗi cung ứng nông- lâm- thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm trên các SP chủ lực, đặc trưng tại địa phương mình. Đến năm 2020, tỉnh Vĩnh Long đề ra mục tiêu phải xây dựng được ít nhất 8 mô hình chuỗi trên địa bàn 8 huyện- thị- thành. Đến năm 2025, mỗi địa phương có ít nhất 50% sản lượng nông- lâm- thủy sản chủ lực có mức độ rủi ro cao về an toàn thực phẩm phải được kiểm soát theo chuỗi. Đến năm 2030 toàn bộ nông- lâm- thủy sản chủ lực có mức độ rủi ro cao về an toàn thực phẩm trên địa bàn các huyện- thị- thành phải được kiểm soát theo chuỗi.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

Các tin khác: