Blog thị trường

Đừng để trở thành "phong trào khởi nghiệp"

Cập nhật, 16:44, Thứ Sáu, 22/07/2016 (GMT+7)

Năm 2016 được Chính phủ chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp. Tuy nhiên, đối với nhiều tỉnh- thành ĐBSCL, chương trình này vẫn chưa có được kế hoạch dài hạn cũng như chính sách, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khởi sự...

Theo Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ, đến nay kinh tế ĐBSCL phần lớn vẫn dựa vào các nguồn lực tự nhiên và lợi thế sẵn có nhưng ít có những ngành mới thay đổi, đột phá, mang tính sáng tạo. ĐBSCL hiện rất thiếu đội ngũ doanh nhân, DN hùng mạnh.

Do vậy, việc thúc đẩy khởi nghiệp tại ĐBSCL không chỉ vì thực hiện mục tiêu chung của quốc gia mà còn là vấn đề mang tính cấp thiết, quyết định đến tiềm năng phát triển kinh tế lâu dài của cả vùng. Tăng cường khởi nghiệp sẽ nâng cao tính hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực của xã hội, đồng thời cải thiện khả năng cạnh tranh của các DN trước thềm hội nhập kinh tế thế giới.

Dù vậy, đã có nhiều ý kiến “lưu ý” rằng, cần thiết xây dựng chương trình khởi nghiệp hiện đại cho vùng, nhưng đừng biến nó thành phong trào rầm rộ rồi để lụi tàn nhanh chóng. Phải làm cho việc khởi nghiệp thành một phương thức phát triển hiệu quả. Phương thức phát triển DN dựa trên nền tảng cạnh tranh, với nguyên lý chi phối là đổi mới, sáng tạo.

Bởi vì khởi nghiệp chỉ có một mức độ hấp dẫn nhất định, tùy môi trường sản xuất, kinh doanh mà với ước nguyện hành nghề tự do có thể biến ước mơ và ý tưởng của mình thành hiện thực.

Tuy nhiên, để một bước nhảy lên làm sếp, dù là sếp của chỉ một mình mình, hay bình quân chỉ 10 người trở lại, thì vẫn phải đánh giá, cân nhắc, học tập và rèn luyện; cũng phải chuẩn bị chu đáo và hội đủ các yếu tố để đáp ứng các điều kiện khởi nghiệp. Không phải vì đã tốt nghiệp ĐH mà chưa tìm ra chỗ làm, không phải vì thất nghiệp hay vì giận lãnh đạo mà… lao ra khởi nghiệp. Tư tưởng khởi nghiệp như vậy chỉ có thể là sự tự tử từ từ mà thôi.

Bido2_40.com