Blog thị trường

Chớ chê thương lái ai ơi!

Cập nhật, 07:39, Thứ Sáu, 04/03/2016 (GMT+7)

Thói đời vốn bạc- ông “lái lúa” nhấp tách trà, nói kiểu như… nhà văn. Bởi mới hôm qua, khi nông sản được giá, đi đến đâu mua tới đó, ngang xóm ai cũng vui vẻ kêu chú lái ơi, chú lái ời… Nhưng bữa nay, nông sản rớt giá, thị trường eo sèo, lập tức người ta đổ tại gian thương ép giá.

Còn nhớ, kỳ họp Quốc hội hồi năm 2013, nghị trường nóng với những vấn đề về tái cơ cấu nông nghiệp, mua bán nông sản gần như thuộc về thương lái, nông dân thiệt thòi,…

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã nói: Thương lái là một thành phần kinh tế. Trong kết quả đạt được về việc thực hiện chính sách an ninh lương thực có đóng góp không nhỏ của thương lái. Chính sách hiện nay là chủ trương bình đẳng với các thành phần kinh tế… Không thể phủ nhận vai trò của thương lái. Vấn đề là làm sao duy trì vai trò tích cực của đối tượng này…

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng khẳng định: Thương lái là một tầng lớp có lý do để tồn tại theo sự phân công xã hội. Thương lái chính là người đảm đương công việc mua và lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu hàng ngày ngày càng đa dạng của đời sống, từ tư liệu sản xuất đến hàng hóa tiêu dùng. Họ chính là một bộ phận của doanh nhân Việt Nam.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị nói một cách hình ảnh: “Thương lái như cây đòn gánh, một đầu là “gánh” với nông dân, đầu kia là “gánh” với công ty, mà nếu không qua vai họ thì nông sản không thành hàng hóa”.

Vai trò lớn nhất của thương lái là cầu nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp, giữa người sản xuất với người tiêu dùng và góp phần gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Vậy nhưng đến nay vẫn không ít cái nhìn rẻ rúng dành cho thương lái.

Đương nhiên, rau nào mà không có sâu. Nhưng trừ một số ít làm ăn không uy tín, còn hầu hết thương lái tổ chức thu mua của người sản xuất khá tốt. Họ không ngại vào tận đồng sâu, luồn lách sông rạch để mua từng giạ lúa, từng ký cam…
thậm chí còn đầu tư vốn, giống cho người sản xuất rồi bao tiêu sản phẩm.

Không “tô hồng” cho thương lái, nhưng cần tôn trọng và đối xử bình đẳng với họ.

NGUYÊN CHƯƠNG