Để bộ rễ cây ăn trái khỏe

Cập nhật, 22:49, Thứ Ba, 15/08/2023 (GMT+7)

 

Nông dân cần bảo vệ bộ rễ cây khỏe khi vào mùa mưa.
Nông dân cần bảo vệ bộ rễ cây khỏe khi vào mùa mưa.

Là bộ phận quan trọng, tiếp nhận thức ăn từ đất và vận chuyển lên các bộ phận khác của cây- bộ rễ giúp nuôi dưỡng cây và từ đó cây sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, vào mùa mưa rễ của cây ăn trái rất dễ bị các sâu, bệnh hại tấn công. Vậy, nông dân cần làm gì để bảo vệ bộ rễ cây khỏe mạnh trong mùa mưa?

Bộ rễ là cơ quan quan trọng, là nguồn sống của cây trồng. Rễ hấp thu không khí, nước, dưỡng chất từ đất, cung ứng dinh dưỡng cho cây.

Bộ rễ đóng vai trò bám vào lòng đất hỗ trợ cây đứng vững hơn, cố định cây ở vị trí lúc đầu, không bị đổ ngã. Bên cạnh đó, rễ còn đóng một vai trò quan trọng là tổng hợp cytokinin, một dạng hormone thực vật giúp kích cây sinh trưởng, phát triển. Bộ rễ của cây giúp cây lấy nguồn dưỡng chất trong đất cung ứng cho cây, giúp cây phát triển.

Tuy nhiên, trong và sau mùa mưa, nếu vườn cây không kịp thoát nước, vườn luôn trong hiện trạng ngập trong nước sẽ gây tác động rất rộng lớn đến bộ rễ của cây và những vi sinh vật có ích trong đất. Từ đó, bệnh xuất hiện có thể làm cho cây bị suy nhược, thiếu dưỡng chất, thiếu hụt nước, vàng lá, rụng lá, rụng hoa và trái…

Nếu cây bị nặng ảnh hưởng nhiều đến bộ rễ chính cây có khả năng bị chết. Đặc biệt, vào mùa mưa các sinh vật gây bệnh trong đất phát tán nhanh, phát triển mạnh, tấn công vào bộ rễ khiến bộ rễ bị thương tổn và suy kiệt dần.

Chú Nguyễn Văn Lâm (xã Trung Chánh, huyện Vũng Liêm) cho biết: “Tôi trồng ổi gần 3 năm, mỗi khi đến mùa mưa, tôi rất lo cho vườn cây. Bởi cây rất dễ nhiễm bệnh. Đặc biệt, bệnh thối rễ, vàng lá là loại bệnh khá phổ biến trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là vào mùa mưa bệnh càng phát triển mạnh khiến cây nhanh chóng bị suy kiệt và chết dần khi mùa nắng bắt đầu”.

Theo ngành nông nghiệp, để bảo vệ bộ rễ cây ăn trái, trước khi vào mùa mưa, nông dân cần có biện pháp phòng chống ngập cho cây trồng. Cần làm hệ thống đê bao thoát nước được kiên cố, tạo thêm rãnh thoát nước cho cây nhanh chóng.

Tránh tình trạng ngập nước trong vườn, khơi thông mương máng. Sau khi nước rút, cần theo dõi nếu khô lớp đất sẽ cứng và ngăn cản không khí xuống rễ. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên dùng cuốc xới xáo đất xung quanh gốc cây lúc này làm ảnh hưởng đến cơ giới đất khiến tầng đất càng dễ yếm khí…

Nông dân cần bảo vệ bộ rễ cây khỏe khi vào mùa mưa.
Nông dân cần bảo vệ bộ rễ cây khỏe khi vào mùa mưa.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, khi vào mùa mưa, các loài nấm bệnh trong đất phát triển mạnh, gây nên các hiện tượng thối rễ.

Lúc này không nên bón phân cho gốc cây, đặc biệt là không nên sử dụng phân hoặc thuốc hóa học vì khi đất càng yếm khí thì nấm hại càng phát triển mạnh. Chính vì vậy, cần sử dụng các loại thuốc nấm hữu cơ như trichoderma hoặc nấm rễ cộng sinh để diệt nấm bệnh có trong đất và bảo vệ bộ rễ được tốt nhất.

Ngoài ra, nó còn giúp thúc đẩy phát triển bộ rễ và tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng của hệ rễ, đặc biệt là các nguồn dinh dưỡng khó tan như photpho ít tan, từ đó tăng cường các hoạt động sinh tổng hợp của cây, giúp cây chống chịu được các điều kiện khắc nghiệt như nhiễm mặn, phèn, ngộ độc hữu cơ. Đối với nấm hại rễ thì có thể ngừa bằng cách rải vôi (500 kg/ha) hoặc quét vôi vùng thân gốc cây từ mặt đất lên 0,5-2m.

Đồng thời, tăng cường hệ miễn dịch cho bộ rễ, giúp phòng các bệnh gây hại bộ rễ do phytophthora, fursarium, tuyến trùng, rệp sáp,... gây ra. Hạn chế làm cỏ hoặc phun thuốc diệt cỏ trong mùa mưa vì cỏ là những bơm sinh học làm tầng đất sâu mau khô ráo, hạn chế bị đóng váng.

Cắt tỉa bớt các cành vô hiệu, chồi vượt để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng của rễ cung cấp cho cây trồng. Hạn chế đi lại nhiều trong vườn trong mùa mưa vì vừa làm cho cây bị lay động gốc, rễ non bị đứt, nấm bệnh có điều kiện xâm nhập gây thối rễ, vừa làm cho đất ít kết chặt lại. Nước mưa rất thích hợp cho nấm phát triển mạnh, do đó nên chủ động phòng trừ nấm bệnh phát triển.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG