Bảo vệ sản xuất vụ lúa Hè Thu

Cập nhật, 04:45, Thứ Ba, 15/03/2022 (GMT+7)

 

Các diện tích chuẩn bị xuống giống vụ Hè Thu cần phải vệ sinh đồng ruộng, cách ly thời vụ ít nhất 15 ngày.
Các diện tích chuẩn bị xuống giống vụ Hè Thu cần phải vệ sinh đồng ruộng, cách ly thời vụ ít nhất 15 ngày.

(VLO) Đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do thời tiết, ảnh hưởng hạn, mặn, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, ngành nông nghiệp và nông dân đã áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để sản xuất lúa vụ Hè Thu đạt thắng lợi.

Xuống giống đồng loạt, tập trung

Theo ngành nông nghiệp để ứng phó hạn, mặn và bảo vệ sản xuất vụ lúa Hè Thu, ngành chức năng, địa phương đã tập trung theo dõi tình hình hạn, mặn tại các vùng có nguy cơ xâm nhập mặn cao để kịp thời khuyến cáo cho người dân, chủ động ứng phó.

Theo đó, trong vụ lúa Hè Thu, ngành chức năng đã khuyến cáo lịch thời vụ gieo trồng lúa, rau màu hợp lý cho từng vùng, xuống giống lúa đồng loạt, tập trung cho từng cánh đồng ở các vùng đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất.

Tại Trà Ôn, để bảo vệ sản xuất, đảm bảo đủ nước tưới cho vụ Hè Thu năm nay với diện tích lúa 4.200ha và các loại cây trồng khác, ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, cho biết: Huyện đã tăng cường giám sát mặn, khuyến cáo sản xuất cây trồng ứng phó hợp lý trong điều kiện hạn, mặn như: Đối với lúa dễ bị thiệt hại ở giai đoạn mạ và giai đoạn lúa trổ, nếu độ mặn trên 1‰ không cho nước vào ruộng; khi sử dụng nước pha thuốc phun xịt thì nên sử dụng nước không nhiễm mặn (nhỏ hơn 0,8‰).

Các cây ăn trái khác cũng chú ý không nên dùng nước nhiễm mặn để pha thuốc phun hoặc tưới nhiều lần trong lúc mặn xâm nhập.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện cũng triển khai thực hiện nhanh các công trình thủy lợi đã được bố trí vốn để đưa vào khai thác, sử dụng nhằm tăng cường khả năng ngăn mặn, giữ nước ngọt phục vụ tốt cho chống hạn, đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp.

Phối hợp với các địa phương bị ảnh hưởng của hạn, mặn đề xuất các danh mục công trình trọng điểm đưa vào kế hoạch nạo vét để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất trong thời gian tới. Đồng thời, vận động, khuyến khích hộ dân các xã Tích Thiện, Thiện Mỹ, Vĩnh Xuân,… sử dụng nước giếng khoan khi nguồn nước mặt bị nhiễm mặn.

Tại Tam Bình, theo kế hoạch, vụ Hè Thu xuống giống trên 12.500ha. Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT, vụ Hè Thu 2022, với diện tích sản xuất lúa 2 vụ/năm: Các địa phương tổ chức họp dân thống nhất sản xuất 2 vụ và thời gian xuống giống, lưu ý vận động sản xuất 2 vụ lúa- 1 vụ màu, 2 vụ lúa- 1 vụ cá, hoặc thả nước lấy phù sa cho phù hợp địa phương.

Với diện tích xuống giống khoảng 1.980ha, ngành nông nghiệp khuyến cáo thời gian xuống giống tập trung từ ngày 17- 22/3 (nhằm ngày 15- 20/2 âl).

Xuống giống tập trung đảm bảo quản lý tốt sâu bệnh hại, đảm bảo năng suất và lợi nhuận cho nông dân. Thời gian còn lại có thể đảm bảo trồng 1 vụ màu hoặc 1 vụ cá hay thả nước lấy phù sa. Mỗi xã phấn đấu giảm 20% diện tích sản xuất lúa so với vụ Đông Xuân để sản xuất 2 vụ lúa/năm.

Còn đối với diện tích sản xuất lúa 3 vụ/năm: diện tích xuống giống dự kiến 9.550ha, xuống giống Hè Thu tập trung từ ngày 17- 22/3 (nhằm ngày 15- 20/2 âl). Đây là đợt xuống giống chính của huyện phân bố tại hầu hết tại các địa phương trong huyện.

Gồm các xã: Loan Mỹ, Ngãi Tứ, Bình Ninh, Mỹ Thạnh Trung, Tường Lộc, Hòa Lộc, Hòa Thạnh, Hòa Hiệp, Mỹ Lộc,...

Quản lý tốt sâu bệnh

Cần thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện, phòng trừ sâu bệnh.
Cần thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện, phòng trừ sâu bệnh.

Theo ngành chức năng, tình hình diễn biến thời tiết khí hậu năm nay nắng nóng khô hạn phức tạp nên sâu bệnh gia tăng gây hại lúa giai đoạn mạ, nhất là bọ trĩ sẽ gây hại nặng trên các trà lúa phát triển mạnh. Bọ trĩ tấn công làm lá lúa bị cuốn lại ở chóp, lá héo, tóp lại và khô vàng. Đặc biệt nặng ở các ruộng khô nước.

Đồng thời, dự báo trên đồng tuần tới phổ biến lứa rầy tuổi trưởng thành và rải rác rầy cám nở tuổi 1 gây hại chủ yếu ở mức nhẹ. Do đó, nông dân cần chủ động thăm đồng, quan sát kỹ gốc lúa, theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên các trà lúa vụ Hè Thu.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tam Bình, cho hay: Để phòng chống hạn, mặn ở những vùng có khả năng bị ảnh hưởng cao, ngành nông nghiệp vận động chuyển đổi sản xuất 2 vụ lúa- 1 vụ màu, hoặc thả nước lấy phù sa.

Hiện giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, làm cho chi phí sản xuất tăng, nông dân gặp nhiều khó khăn trong đầu tư và chăm sóc lúa.

Vì vậy, huyện tăng cường vận động những nơi sản xuất lúa không hiệu quả chuyển sang trồng màu, cây ăn trái phù hợp để tăng thu nhập cho người dân.

Song song đó, cũng khuyến cáo nông dân theo dõi tình hình dịch bệnh trên lúa để phòng trừ kịp thời.

Đang cày ải phơi đất chuẩn bị sạ vụ Hè Thu, cô Lê Thị Thắm (xã Hòa Lộc- Tam Bình), cho biết: “Tôi tuân thủ quy định xuống giống của ngành chức năng, cày ải làm cho đất tơi xốp, thông thoáng, đồng thời vệ sinh kỹ đồng ruộng để né rầy, hạn chế sâu bệnh”.

Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp-PTNT), bên cạnh việc tăng cường công tác giám sát mặn, khuyến cáo sản xuất cây trồng ứng phó hợp lý trong điều kiện hạn, mặn.

Hiện thời tiết ban ngày nắng nóng gay gắt, về đêm và sáng sớm có sương mù kết hợp trà lúa Hè Thu sớm đang giai đoạn sung yếu tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh phát triển.

Để phòng ngừa bệnh đạo ôn lúa hiệu quả trong điều kiện hiện nay nên áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ như: sạ thưa, giống ít nhiễm, làm đất bằng phẳng, bón phân cân đối kết hợp thăm đồng thường xuyên khi thấy có dấu hiệu chớm bệnh bà con ngưng bón phân đạm- phân bón lá.

Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh, đối với ruộng trồng giống nhiễm, có thể kết hợp phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông và bệnh lem lép hạt khi lúa trổ lác đác và lần 2 khi lúa trổ đều.

Đồng thời, hiện tại ngoài đồng phổ biến rầy tuổi 5 đến trưởng thành chủ yếu nhiễm với mật số thấp 300- 500 con/m2. Cần chủ động thường xuyên thăm đồng, theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy.

Khuyến cáo nông dân chỉ nên xử lý thuốc đặc trị khi rầy đang tuổi 2- 3 và mật số rầy trên 3.000 con/m2 cần sử dụng một trong những loại thuốc chống lột xác để phun trừ, chú ý không kết hợp với các loại thuốc phổ rộng để tránh nguy cơ bộc phát rầy ở giai đoạn sau.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã xuống giống trên 4.320ha vụ Hè Thu, đạt 9,2% so với kế hoạch vụ. Trà lúa đang sinh trưởng và phát triển khá tốt. Trong đó, giai đoạn mạ trên 200ha, đẻ nhánh trên 550ha, đòng trổ trên 3.500ha.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG