Nông nghiệp vững vàng vượt thách thức

Cập nhật, 05:32, Thứ Ba, 04/01/2022 (GMT+7)

 

Sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều kết quả quan trọng.

(VLO) Trong năm qua, mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, song với các giải pháp tích cực, hiệu quả, sản xuất nông nghiệp (NN) vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng và vững vàng vượt thách thức, khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế.

Một năm vượt khó

Năm 2021, dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất tiêu thụ nông sản của tỉnh. Cục bộ có thời điểm, một số mặt hàng nông sản tiêu thụ chậm, giá bán thấp.

Với sự kịp thời chỉ đạo các giải pháp quyết liệt của tỉnh, sự nỗ lực, linh hoạt ứng phó của ngành NN như: cơ cấu lại ngành và khôi phục thị trường tiêu thụ nông sản, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, thu mua tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Bên cạnh đó, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cũng dần được kiểm soát tốt; các biện pháp chủ động phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu… mang lại hiệu quả tích cực.

Theo Sở NN- PTNT, trong năm qua, diện tích gieo trồng lúa giảm, thay vào đó, tăng diện tích cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nhiều mô hình ăn nên làm ra từ việc mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với biến đổi khí hậu, đầu ra thị trường sản phẩm, xu thế phát triển hiện đại trong cách nghĩ, cách làm của nông dân đã và đang mang lại nhiều tín hiệu lạc quan.

Điều đáng mừng là nông dân rất nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu của thị trường, kết hợp với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi rất bài bản, hiệu quả.

Cùng với sự tư vấn, khuyến cáo của ngành chuyên môn, ngày càng có nhiều mô hình mới, cách làm hay cần được nhân rộng.

Trong đó, một số mô hình đang được nhiều người học tập làm theo như: nuôi lươn không bùn; ươm và bán cá bống tượng giống; chăn nuôi hỗn hợp gồm: lươn- bò- ếch,…

Bên cạnh đó, nhiều nông dân còn linh động khi áp dụng biện pháp “lấy ngắn nuôi dài” vừa để đối phó với tình trạng “dội chợ”, “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Gặp không ít khó khăn về thị trường trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng nhờ chủ động, linh hoạt trong cách sản xuất nên anh Nguyễn Văn Thành- cơ sở sản xuất lươn giống (xã Thới Hòa- Trà Ôn) đã có thêm hướng đi mới, giúp đầu ra ổn định, bền vững hơn.

Anh Thành cho hay: “Lươn giống chậm đầu ra nên tôi chuyển sang nuôi lươn thương phẩm, do nhu cầu lươn thịt của thị trường cao hơn. Nhờ vậy mà không còn lo về thị trường tiêu thụ trong thời gian tới”.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong năm 2021, sản xuất NN- thủy sản khá ổn định, tiếp tục là nền tảng, trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội trong điều kiện sản xuất công nghiệp và thương mại chịu tác động, suy giảm sâu do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo đó, đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ sản xuất NN sang phát triển kinh tế NN hiệu quả, hướng đến phát triển bền vững.

Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp

Vĩnh Long định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn chất lượng và hiệu quả, giá trị gia tăng cao.
Vĩnh Long định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn chất lượng và hiệu quả, giá trị gia tăng cao.

Theo ngành chức năng, thời gian tới do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản xuất NN vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, từ vấn đề nội tại đến các yếu tố khách quan.

Nhất là phương thức sản xuất, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, còn có sự cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc,…

Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Nguyễn Văn Liêm, cho rằng: Một trong những trở ngại trong tiêu thụ nông sản là sản xuất của nông dân chủ yếu chưa theo quy chuẩn, quy cách và chưa có liên kết với các nhà cung cấp nên việc hàng hóa của Vĩnh Long vào siêu thị theo tiêu chuẩn hiện nay rất khó khăn.

Do đó, nông dân cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ nhận thức tới hành động, phải thay đổi tư duy sản lượng sang tư duy làm kinh tế, tập trung nâng cao giá trị, chất lượng, hiệu quả sản xuất.

Thời gian tới, để đạt được mục tiêu giá trị gia tăng NN- thủy sản cả năm 2022 khoảng 2,5%, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung: Tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại NN gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển NN hàng hóa tập trung quy mô lớn chất lượng và hiệu quả, giá trị gia tăng cao; ứng dụng, chuyển giao nhanh khoa học công nghệ, nhất là công nghệ chế biến sau thu hoạch; chuyển đổi các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, theo sát tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản để kịp thời và chủ động có giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, gắn với liên kết hiệu quả vùng nguyên liệu- chế biến…

Song song đó, tiếp tục hỗ trợ đưa các sản phẩm NN lên sàn thương mại điện tử; thực hiện cầu nối giao thương, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, thu mua tiêu thụ hàng hóa nông sản, mở rộng chuỗi sản xuất và tiêu thụ, lấy nông dân là trung tâm trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ.

Đồng thời, triển khai mùa vụ sản xuất theo kế hoạch và linh hoạt theo tình hình thực tế; tiếp tục cơ cấu lại mùa vụ theo hướng khuyến khích giảm diện tích sản xuất lúa, tăng diện tích trồng màu, cây ăn trái; khuyến khích phát triển các hình thức chăn nuôi, liên kết phát triển chăn nuôi trang trại; nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng, khuyến khích người dân nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao.

Trong năm 2021, diện tích gieo trồng lúa cả năm ước đạt trên 134.600ha, giảm trên 11.100ha (7,7%) so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây lâu năm ước đạt 62.570ha, tăng gần 1.900ha (3,1%) so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thu hoạch cây lâu năm ước đạt trên 1,1 triệu tấn, tăng trên 14.700 tấn (1,3%) so với cùng kỳ năm trước. Đàn vật nuôi phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG