Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón

Cập nhật, 18:52, Thứ Ba, 18/01/2022 (GMT+7)

 

Nông dân cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, sử dụng phân bón tiết kiệm để mang lại hiệu quả.
Nông dân cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, sử dụng phân bón tiết kiệm để mang lại hiệu quả.

Giá phân bón liên tục tăng và ở mức cao khiến nhiều nông dân càng thêm lo lắng về chi phí đầu vào trước vụ sản xuất. Thay đổi phương thức canh tác, cân đối và giảm dần lượng phân vô cơ là giải pháp đang được nhiều nông dân thực hiện.

Giảm giống, giảm phân

Bên cạnh việc hỗ trợ sự tăng trưởng cho cây, phân bón còn giúp cải thiện độ phì nhiêu của đất, bảo vệ đất trồng trước thực trạng rửa trôi, xói mòn. Việc sử dụng phân bón hợp lý không chỉ giúp tăng năng suất cây trồng mà còn giúp tiết kiệm chi phí một cách tối ưu, giảm chi phí cho nông dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá phân bón tăng “chóng mặt” và giữ ở mức cao khiến nông dân đứng ngồi không yên. Để giảm chi phí, nhiều nông dân đã sạ thưa hơn, sử dụng ít phân bón hơn.

Có 4 công ruộng, chú Châu Văn Vụ (thị trấn Cái Num- Mang Thít), cho hay: “Lúc trước, chi phí mua phân bón chỉ khoảng dưới 2 triệu đồng/vụ. Nhưng gần 1 năm nay, giá phân bón tăng cao khiến chi phí đội lên gấp 2- 3 lần trong khi giá lúa không ổn định, khiến tôi rất lo. Để giảm chi phí tôi cũng đã giảm lượng lúa xuống giống và giảm lượng phân bón hơn trước khoảng 10- 15%”.

Theo ngành chức năng, hiện nay chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành sản xuất lúa, nhất là trong bối cảnh giá các mặt hàng này tăng cao. Thời gian qua, vẫn còn tình trạng nhiều thường bón phân nhiều hơn nhu cầu của cây vì cho rằng sử dụng lượng phân nhiều hơn sẽ hiệu quả hơn cho cây trồng. Tuy nhiên, nếu như bón phân không đúng cách, không đúng liều lượng, không những phân bón không thể phát huy được hiệu quả mà còn có thể gây ra một số tác động xấu đối với cây trồng. Bởi, với mỗi loại cây trồng, nhu cầu dinh dưỡng có sự khác nhau và đều có những tỷ lệ nhất định giữa các chất.

Thời gian qua, để giúp nông dân nâng cao kiến thức sử dụng phân bón hợp lý, tăng hiệu quả kinh tế, thân thiện với môi trường, hướng đến mục tiêu tạo ra nông sản chất lượng cao, đáp ứng được các thị trường tiêu thụ, đảm bảo an toàn cho người sản xuất, tiêu dùng, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, cán bộ kỹ thuật đã tăng cường hướng dẫn, khuyến cáo bà con nông dân nên tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái hay sử dụng rơm rạ làm phân bón hữu cơ… Cụ thể, chuyển giao các kiến thức cơ bản về phân bón, giúp nông dân hiểu rõ hơn về thành phần và chức năng của các loại phân bón; cách thức sử dụng an toàn và hiệu quả các loại phân bón trong sản xuất nông nghiệp; nhu cầu dinh dưỡng của từng giai đoạn phát triển cây trồng; cách bón phân tiết kiệm nhưng mang lại hiệu quả và các nội dung liên quan về dinh dưỡng cây trồng,…

Từ đó, góp phần giúp nông dân giảm mạnh chi phí tiền phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nhằm tiết giảm được chi phí, góp phần tăng lợi nhuận ở cuối vụ. Đồng thời, ứng dụng những giải pháp này vừa bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và thích ứng trong điều kiện giá vật tư nông nghiệp đầu vào đang tăng cao như hiện nay.

Cần thay đổi tập quán sản xuất

Bên cạnh việc tiết kiệm phân bón, không ít nông dân cũng đã chuyển đổi phương thức sản xuất bằng cách chủ động thực hiện các giải pháp hữu cơ nhằm giảm sử dụng phân bón và thuốc hóa học trong sản xuất lúa để đảm bảo lợi nhuận và góp phần bảo vệ môi trường.

Tham gia mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, chú Nguyễn Văn Năm (xã Mỹ Lộc- Tam Bình), cho hay: Trồng lúa theo hướng hữu cơ, ý thức chấp hành quy trình chăm sóc lúa bằng phân hữu cơ của người nông dân đã được nâng lên, chi phí đầu tư ban đầu giảm, bán có giá hơn. Đồng thời, hạn chế đáng kể tình trạng vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật vứt bỏ trên đồng ruộng.

Theo khuyến cáo của ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, để sử dụng phân bón mang lại hiệu quả tối ưu nhất, nông dân nên gieo trồng với mật độ phù hợp; cải tạo, làm đất kỹ, để tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây, quản lý dinh dưỡng và dịch hại tổng hợp trên cây, bón phân đúng thời điểm và thời tiết thuận lợi để giúp cây hấp thụ được chất dinh dưỡng tốt nhất.

Đồng thời, tùy vào loại cây trồng mà lựa chọn hình thức bón để tăng hiệu quả, tăng năng suất cây trồng. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý đến đặc tính của đất để bón phân cho phù hợp. Nếu đất chua, cần phải tránh các loại phân có tính axit. Ngược lại, nếu đất kiềm, cần tránh dùng các loại phân mang tính kiềm.

Bên cạnh việc nâng ý thức sử dụng phân bón sao cho tiết kiệm hiệu quả, ứng dụng đồng bộ nhiều giải pháp trong sản xuất, nhiều nông dân cũng kiến nghị ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra chất lượng phân bón trên địa bàn; xử lý nghiêm các đơn vị sản xuất, kinh doanh các loại phân bón kém chất lượng, phân bón giả và có giải pháp hạ giá thành phân bón để giúp nông dân an tâm sản xuất.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG