Gỡ khó cho nông sản hữu cơ

Cập nhật, 13:41, Thứ Tư, 19/01/2022 (GMT+7)

 

Nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu, hướng đến cung cấp sản phẩm sạch và an toàn.
Nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu, hướng đến cung cấp sản phẩm sạch và an toàn.

Xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đang dần phát triển. Tuy nhiên quy mô sản xuất hữu cơ nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư, sản lượng ít, giá thành cao, thiếu liên kết, ý thức của người tiêu dùng,… là những rào cản khiến vấn đề sản xuất- tiêu thụ nông sản hữu cơ còn gặp khó, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Cơ hội và thách thức cho nông sản hữu cơ

Thời gian gần đây, NNHC đã và đang được quan tâm. Không chỉ tạo ra sản phẩm có chất lượng, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu ngày cao của người tiêu dùng, NNHC còn là hướng đi trong tương lai và là cơ hội phát triển cho ngành nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh giá bán các loại nông sản đang biến động theo nhu cầu thị trường.

Theo TS. Phạm Kim Sơn- Khoa Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ), thời gian gần đây xu hướng đầu tư phát triển NNHC được Nhà nước chú trọng và khuyến khích. Nông nghiệp nước ta cũng đang từng bước chuyển dịch sản xuất nông nghiệp an toàn, NNHC. Trên thị trường, người dân cũng đã biết đến và đang làm quen dần với các sản phẩm nông sản sạch như: rau an toàn, gạo sạch, gạo hữu cơ, trái cây hữu cơ,…

Là một trong những mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao, anh Nguyễn Trọng Nghĩa- Giám đốc Hợp tác xã Mekong Green (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh), cho biết: Ý định trồng dưa lưới công nghệ cao được cho là hướng đi khá táo bạo, mới mẻ. Song, nhận thấy có nhiều cơ hội phát triển NNHC, nhất là nhu cầu đối với những sản phẩm nông sản sạch, an toàn ngày càng cao, nên hợp tác xã mạnh dạn đầu tư. Đến nay, sản phẩm hữu cơ của hợp tác xã cũng có thị trường tiêu thụ và chỗ đứng trên thị trường.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, tốc độ phát triển NNHC chưa tương xứng với tiềm năng. Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, NNHC trên địa bàn tỉnh còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng sản lượng nông nghiệp. Hầu hết nông sản xuất khẩu ở dạng thô, chưa qua chế biến, chất lượng chưa cao, dẫn đến giá trị gia tăng sản phẩm thấp.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất chưa gắn với xây dựng chuỗi liên kết, thiếu doanh nghiệp tham gia. Tư duy về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng hiệu quả, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh chưa được chú trọng đúng mức. Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư.

TS. Phạm Kim Sơn cũng cho biết thêm: NNHC đứng trước thách thức là nông dân còn thờ ơ với loại hình sản xuất này là do chi phí sản xuất cao, năng suất hơi thấp hơn, thu nhập thấp vì thị trường đầu ra cho sản phẩm NNHC chưa ổn định.

Tổ chức sản xuất quy mô lớn, nâng cao nhận thức

Theo các chuyên gia kinh tế, nông sản hữu cơ hiện nay khó tiêu thụ một phần là do có giá cao, bởi quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ trong khi chi phí đầu tư sản xuất lớn. Muốn tạo ra sản lượng lớn, hạ giá thành sản phẩm và đủ hàng hóa xuất khẩu thì phải tổ chức sản xuất theo quy mô lớn.

Theo TS. Phạm Kim Sơn, thời gian qua, vấn đề liên kết, tiêu thụ nông sản hữu cơ trong các hệ thống phân phối, siêu thị, xuất khẩu chưa được chặt chẽ và hiệu quả. Do đó, để nâng cao giá trị nông sản hữu cơ, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên có liên quan đến đầu ra sản phẩm hữu cơ, tạo ra kênh phân phối uy tín, chất lượng, ổn định lâu dài.

Đồng thời, cần cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ hơn, nâng cao năng lực cho các tổ chức chứng nhận hữu cơ trong nước, gắn với giám sát việc chứng nhận sản phẩm hữu cơ, hướng tới mục tiêu công nhận kết quả chứng nhận lẫn nhau giữa các tổ chức trong nước và ngoài nước. Từ đó, góp phần cắt giảm chi phí giám định và chứng nhận, tạo điều kiện để người tiêu dùng sử dụng sản phẩm hữu cơ với giá cả hợp lý hơn, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long cũng có nhiều chính sách nhằm kịp thời nắm bắt, hỗ trợ các mô hình sản xuất NNHC, nhất là kết nối, liên kết sản xuất- tiêu thụ sản phẩm.

Theo đó, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Long đã mang lại hiệu quả, nhiều tiến bộ khoa học- kỹ thuật được áp dụng trong sản xuất, nổi bật là các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất theo hướng hữu cơ đã nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.

Vĩnh Long phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp với lợi thế của tỉnh.
Vĩnh Long phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp với lợi thế của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm, cho biết: Thời gian tới, thực hiện Nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021- 2030, tỉnh sẽ quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp với lợi thế của tỉnh, trọng tâm là chọn lọc, liên kết các mô hình để hình thành, phát triển một số vùng chuyên canh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với tiêu thụ trên một số sản phẩm chủ lực như: vùng sản xuất giống lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, lúa thảo dược (gạo chức năng); vùng sản xuất khoai lang đạt tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, có mã số vùng trồng,…

Có thể thấy, NNHC là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để phát triển NNHC một cách bài bản, bền vững và ổn định đầu ra cho nông sản hữu cơ, ngoài việc cần hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan đến NNHC, tăng cường mối liên kết giữa nông dân, nhà sản xuất- doanh nghiệp, nhà phân phối, cần có chế độ hỗ trợ cụ thể và thiết thực đối với nông dân chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, nhất là đầu ra sản phẩm, giá bán hợp lý. Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm hữu cơ.

Cả nước hiện có 46/63 tỉnh, thành phố đang sản xuất hữu cơ; có trên 17.000 nông dân tham gia sản xuất hữu cơ và 97 doanh nghiệp sản xuất hữu cơ. Sản phẩm NNHC của Việt Nam đã xuất khẩu sang 180 nước. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp- PTNT), diện tích canh tác hữu cơ của Việt Nam tăng từ 50.000ha (năm 2016) lên đến 240.000ha vào năm 2020.

 

Bài, ảnh: TRÀ MY

 

 

Các tin khác: