Nhà nông tìm hiểu

Nâng cao hiệu quả sạ lúa theo khóm bằng máy

Cập nhật, 08:49, Thứ Ba, 28/12/2021 (GMT+7)

Tôi thấy nhiều người sạ lúa theo khóm bằng máy, việc làm này hiệu quả không và có đòi hỏi kỹ thuật canh tác như thế nào?

Võ Hoàng Lộc

(Song Phú- Tam Bình)

Anh Lộc thân mến! Do lúa sạ theo khóm bằng máy có mật độ rất thấp nên tốt nhất anh sử dụng lúa giống từ cấp xác nhận trở lên. Bên cạnh, anh cần quản lý tốt cỏ dại, ốc bươu vàng và chuột ngay từ đầu vụ để đảm bảo mật độ gieo sạ.

Ruộng sạ theo khóm phải chuẩn bị đất bằng phẳng, bùn mềm, không bị lún nhưng cũng không bị khô. Những khu vực đất quá lún không nên sạ máy để tránh tình trạng máy bị lún.

Hạt giống chỉ cần ngâm nước 36 giờ, để ráo, sau đó ủ 12 giờ cho nứt nanh, đảm bảo mầm lúa dài 1- 2mm là đạt. Mật độ gieo sạ từ 50- 60 kg/ha. Anh không tăng nhiều lượng giống vì trong cùng 1 khóm lượng hạt lúa rơi xuống nhiều, khi đó mỗi khóm lúa sẽ có rất nhiều cây, khả năng nảy chồi của khóm sẽ giảm, từ đó sẽ tăng số chồi vô hiệu.

Anh nên sử dụng phân vô cơ kết hợp phân hữu cơ, bón lót trước sạ phân lân và phân hữu cơ để bộ rễ cây lúa phát triển tốt ngay từ đầu vụ. Công thức phân bón khuyến cáo tính trên 1ha (tùy theo vùng đất): 80kg N + 60kg P2O + 60kg K2O + 500kg phân hữu cơ sinh học. Chia làm 4 lần bón như sau:

+ Bón lót: (50- 100%) lân + 100% hữu cơ sinh học.

+ Thúc đợt 1 (7- 10 ngày sau sạ): (0- 50%) lân + 35% đạm + 20% kali.

+ Thúc đợt 2 (18- 20 ngày sau sạ): 35% đạm + 20% kali.

+ Thúc đợt 3 (45- 48 ngày sau sạ): 30% đạm + 60% kali.

Trong quản lý nước, anh áp dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ giúp hạn chế chồi vô hiệu, tập trung dinh dưỡng nuôi chồi hữu hiệu, giúp rễ lúa phát triển tốt ăn sâu hút nhiều dinh dưỡng, lúa cứng cây, hạn chế đổ ngã, thuận tiện cho việc thu hoạch. Ngoài ra, anh cần quản lý dịch hại bằng biện pháp tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng.

BẠN NHÀ NÔNG