Mưa lớn ảnh hưởng lúa mới gieo sạ

Cập nhật, 09:29, Thứ Năm, 25/11/2021 (GMT+7)

 

Mưa khiến lúa giống chết, nông dân thêm chi phí phân- giống.
Mưa khiến lúa giống chết, nông dân thêm chi phí phân- giống.

Mưa lớn kéo dài trong mấy ngày qua đã làm nhiều diện tích lúa bị thiệt hại, trong đó, có lúa Thu Đông trễ và lúa Đông Xuân xuống giống đợt mùng 10/10 âl. Cùng với đó, giá các loại vật tư nông nghiệp đang ở mức cao càng làm tăng thêm chi phí sản xuất của nông dân.

Trong tháng 10 âl, tỉnh Vĩnh Long xuống giống khoảng 35.000ha lúa Đông Xuân nhưng chủ yếu gieo sạ xung quanh con nước mùng 10/10. Tuy nhiên, do nhiều cơn mưa lớn kéo dài, khiến nhiều ruộng gieo sạ từ ngày mùng 6- 11/10 âl bị thiệt hại từ 30- 40% lượng giống. Để cứu lúa, nông dân đã bơm nước ra, đồng thời, sạ lại ở những khu vực bị thiệt hại.

Ghi nhận tại huyện Long Hồ, lúa vụ Đông Xuân gieo sạ từ mùng 7/10 âl, nhiều ruộng lúa của nông dân tại xã Long Phước bị 3- 4 cơn mưa lớn làm thiệt hại. Mưa nhiều lúa bị lật ngang, rễ không bám được đất khiến giống không lên mầm. Anh Trần Văn Đâu cho hay: “Từ bữa mùng 7 đến nay ruộng tui bị chết giống nhiều quá, khoảng 30%”.

Thiệt hại ruộng lúa từ 30- 40%, ông Trần Thế Nghĩa cũng cho biết: “Tôi sạ lúa từ mùng 8 là gặp mưa liên tiếp, khiến lúa hư nhiều. Giờ phải rải phân cho cây lúa vững gốc. Vụ này, phân bón lại tăng giá, mà rải thêm 5- 6 kg/công, đội thêm tiền, lại thêm lo”.

Một số nông dân còn cho hay, mưa còn làm giảm hiệu lực của thuốc diệt ốc bươu vàng. Ông Võ Văn Hai (xã Tân Lộc, Tam Bình), cho biết: “Hôm rồi tui có trộn rải thuốc ốc, nhưng mưa mấy đợt liên tiếp, thuốc trôi, phải rải thêm. Trước mắt rải thêm phân đạm khoảng 4 kg/công, để những chỗ trũng lúa phát triển, sau này phải giặm lúa thêm thôi”.

Tại Vũng Liêm, ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, cho hay: Mưa lớn trong những ngày qua đã gây thiệt hại một số ruộng lúa Thu Đông sắp thu hoạch, khoảng 30%, khiến năng suất cũng giảm. Mưa lớn cũng ảnh hưởng đến một số diện tích lúa Đông Xuân xuống giống từ ngày 15/10 âl.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Vĩnh Long, tháng 11/2021 lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm. Do đó, nông dân cần thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, mưa lũ, để chủ động ứng phó, bảo vệ lúa Đông Xuân.

Cần thăm đồng thường xuyên, khi đồng ruộng bị ngập nước, cần tháo nước nhanh, kịp thời, vệ sinh đồng ruộng, khơi thông dòng chảy, không được để nước ngập lâu trong ruộng gây thối rễ lúa. Chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng giúp cây lúa phục hồi.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, để hạn chế sâu bệnh vụ Đông Xuân, ngoài các ruộng lúa đã xuống giống, những khu vực chuẩn bị xuống giống Đông Xuân chính vụ cần vệ sinh kỹ đồng ruộng, nhằm quản lý tốt đối tượng lúa cỏ, cỏ dại, đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất 2 tuần.

Đồng thời, để giảm chi phí, phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” để giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất vì hiện nay giá phân bón tăng cao; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng để đúng nơi quy định, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, vụ lúa Đông Xuân 2021-2022 sớm, toàn tỉnh đã xuống giống trên 4.590ha tại các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn và Bình Tân. Các trà lúa đang phát triển khá tốt.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG