Khống chế, ngăn chặn dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Cập nhật, 11:57, Thứ Ba, 05/10/2021 (GMT+7)
Người nuôi cần chủ động tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại.
Người nuôi cần chủ động tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại.

Cuối tháng 9/2021, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đã xuất hiện tại Vĩnh Long. Công tác ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh này cũng đã được tăng cường, không được chủ quan, lơ là.

Nhanh chóng khống chế ổ dịch

Là nơi phát sinh ổ dịch VDNC trên bò đầu tiên tại TP Vĩnh Long, chị Nguyễn Thị Diệu (Khóm 6, Phường 5), cho biết: “Tôi nuôi bò được 6 năm, 2 con bò lớn và 2 con nghé. Nghe báo đài thông tin về bệnh VDNC này tôi cũng biết nguy hiểm cho đàn bò nên liên hệ cán bộ thú y đến chích ngừa. Tuy nhiên, lúc đó có 1 con bò có thai gần sanh nên không chích. Và mới đây tôi phát hiện con bò không chích ngừa này bỏ ăn, trên thân và đầu nổi nhiều cục, có dấu hiệu của bệnh VDNC. Tôi đã cách ly 3 con bò kia, rồi liên hệ cán bộ thú y đến chữa trị”.

Sau khi báo với thú y xã, chị Diệu đã được cán bộ thú y hỗ trợ tiêm thuốc điều trị cho bò và hướng dẫn vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, phun thuốc diệt muỗi tránh lây lan mầm bệnh. Đồng thời, tích cực chăm sóc, tăng sức đề kháng cho bò.

“Qua chữa trị, chích thuốc vài ngày bò đã khỏe hơn, ăn mạnh. Tôi cũng vệ sinh chuồng trại giăng mùng cho bò ngủ, không nhốt chung chuồng với bò khỏe mạnh để tránh lây bệnh”- chị Diệu cho biết thêm.

Có 1 con bò bị bệnh VDNC, chú Nguyễn Hoàng Huy (Khóm 1, Phường 8- TP Vĩnh Long), cũng cho biết: “Trước đây tôi nuôi nhiều nhưng hiện nay chỉ còn nuôi 1 con, nghe thông tin dịch bệnh này tôi cũng có đăng ký chích ngừa cho bò nhưng do thực hiện giãn cách nên chưa chích được. Dù bò được tôi chăm sóc khá kỹ, giăng mùng cho bò ngủ ngày đêm, vệ sinh khá thường xuyên nhưng vẫn bị nhiễm bệnh. Sau khi bò bị bệnh, ngoài việc cán bộ thú y đến chích thuốc trị, tôi cũng được hướng dẫn cách trị, chăm sóc, tắm nước muối, vệ sinh chuồng thường xuyên sạch sẽ, cho bò ăn cỏ sạch, uống nước sạch, giữ chuồng, nền chuồng khô ráo, thoáng mát,… Nhờ vậy mà sức khỏe con bò dần hồi phục”.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, bệnh VDNC trên trâu, bò chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve, mòng...; qua tiếp xúc trực tiếp với trâu, bò mắc bệnh; qua sử dụng chung máng ăn, máng uống, dụng cụ mang mầm bệnh; lây truyền qua nhau thai, bê con sinh ra bị tổn thương trên da; bê con đang theo mẹ có thể bị nhiễm bệnh qua sữa hoặc do tổn thương da ở núm vú,…

Trâu, bò mắc bệnh có những dấu hiệu như: sốt cao, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu, sưng các hạch bạch huyết bề mặt; hình thành các nốt sần có đường kính từ 1- 5cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa, để lại các vết trong vài tháng hoặc có thể tồn tại vĩnh viễn. Khi bị nhiễm bệnh, bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời; bò mang thai có thể sảy thai.

Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT), cho biết: Ngay sau khi phát hiện các ổ dịch, ngành thú y tỉnh đã ngăn chặn kịp thời, phối hợp với địa phương thực hiện các biện pháp dập dịch. Gần 10 ngày qua, (tính từ 25/9/2021 đến nay), trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện ổ dịch mới.

Tiêm phòng vắc xin: biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh

Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bò nhiễm bệnh VDNC là vẫn còn tình trạng người dân chăn thả rông bò. Thực tế ghi nhận tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng trâu, bò thả rông trên đồng, ruộng, đất trống,... Điều này dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh cao bởi xung quanh khu vực đàn bò ăn cỏ thường có nhiều côn trùng như muỗi, ve, mòng... là loài trung gian gây ra dịch bệnh.

Đó là chưa kể chuồng nuôi nhốt trâu, bò của nhiều gia đình chưa đảm bảo vệ sinh, chưa được tiêu độc, khử trùng triệt để. Đặc biệt, công tác tiêm vắc xin cho trâu, bò vẫn chưa được người dân thật sự quan tâm.

Anh Nguyễn Văn Trình- cán bộ kỹ thuật Trạm Chăn nuôi Thú y và Thủy sản TP Vĩnh Long, cho biết: Hiện trên địa bàn thành phố có 824 con bò. Sau khi phát hiện 3 ổ dịch VDNC, trạm đã nhanh chóng triển khai dập dịch. Đồng thời, rà soát các hộ chăn nuôi bò trên địa bàn, tổ chức tiêm ngừa cho đàn bò. Đồng thời tăng cường tuyên truyền đến người nuôi bên cạnh việc tiêm vắc xin phải thực hiện chăn nuôi an toàn, làm mùng cho bò ngủ cả ngày lẫn đêm, cắt cỏ trong một khu vực riêng, không chăn thả rông đàn bò,…

Để bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả cao, ông Lê Thành Tùng khuyến cáo người dân không được chủ quan lơ là trước bệnh VDNC. Bệnh VDNC trên trâu, bò là loại bệnh do vi rút gây ra, do đó tiêm phòng vắc xin là biện pháp chủ động, hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Người dân không mua trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh VDNC và từ vùng dịch VDNC về nuôi. Phải chăn nuôi trâu, bò an toàn, không thả rông trâu, bò theo đàn ăn chung; khi phát hiện trâu, bò có triệu chứng mắc bệnh cần cách ly, báo ngay cho lực lượng thú y để xác minh, hướng dẫn thực hiện các biện pháp xử lý, phòng chống dịch.

Đồng thời, cần tăng cường chăm sóc cho đàn trâu bò, tăng sức đề kháng; thực hiện tốt vệ sinh chuồng trại hàng ngày, định kỳ tiêu độc, khử trùng môi trường, dụng cụ chăn nuôi; chủ động tiêu diệt các loại mầm bệnh và vật chủ trung gian truyền bệnh, tăng cường các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Toàn tỉnh hiện có trên 80.500 con bò. Trong đó, đã có trên 51.300 con đã tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC, chiếm 63,71% tổng đàn. Địa phương có tỷ lệ tiêm phòng cao là TP Vĩnh Long (trên 99%), Mang Thít (trên 89,8%), Long Hồ (trên 85%), TX Bình Minh (trên 73,6%),…

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG