Nhà nông tìm hiểu

Bảo vệ vườn cây ăn trái sau ngập úng

Cập nhật, 16:05, Thứ Ba, 27/10/2020 (GMT+7)

Liên tục nhiều ngày qua thủy triều lên xuống gây ngập vườn cây ăn trái khiến tôi hết sức lo ngại cây chết. Nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn giải pháp nào để khắc phục vườn sau ngập úng?

Ngô Văn Út

(Tân Phú- Tam Bình)

Anh Út thân mến! Tùy loại cây trồng, tuổi cây, giai đoạn sinh trưởng và thời gian bị ngập mà cây có thể ảnh hưởng và thiệt hại ở mức độ khác nhau. Xoài, vú sữa chịu ngập tốt nhất, trong khi đó sầu riêng, cây có múi, đu đủ, nhãn là nhóm chịu ngập yếu.

Vườn cây ăn trái khi bị ngập nước, bề mặt đất bị phủ một lớp phù sa và nước sẽ chiếm đầy các khoảng trống trong các khe hở của đất (thay vì các khoảng trống ấy chứa oxy). Vì thế, các khí khổng trong đất không còn đủ oxy cung cấp cho bộ rễ cây hô hấp nên rễ nhỏ, rễ ăn sâu bên dưới dễ bị thối, chết. Để khắc phục vườn cây đang còn ngập chìm trong nước, anh nên để nước chảy tự nhiên trên mặt liếp vườn vì khi dòng chảy thoáng sẽ cung cấp một phần oxy giúp rễ hô hấp. Nếu có điều kiện nhanh chóng bơm rút nước hạ mực thủy cấp trong vườn đến mức thấp nhất.

Sau khi nước rút, anh nên “phá váng” bằng cách dùng cuốc răng xới nhẹ lớp đất mặt giúp đất thông thoáng, cung cấp oxy cho rễ. Xẻ những rãnh nhỏ thoát nước để nước trong đất thoát nhanh. Nếu cây còn nhỏ, thấp, nước tràn lên cây, nên tiến hành rửa sạch bùn bám vào lá, cành và hỗ trợ cây cắm cố định cây trồng để hạn chế long gốc, hư hại bộ rễ. Không nên đi lại nhiều trong vườn làm cho đất bị nén chặt, ảnh hưởng đến bộ rễ cây và khả năng phục hồi của cây. Cắt tỉa bớt cành lá rậm rạp cho vườn được thông thoáng để đất bốc thoát hơi nước được nhanh, nếu cây đang ra hoa, mang trái phải cắt bỏ hết hoa và trái để hạn chế sự tiêu hao dinh dưỡng. Quản lý cỏ hợp lý trong vườn cây ăn trái, vì cỏ là những “bơm sinh học” làm tầng đất sâu mau khô ráo.

Chúc anh quản lý tốt vườn cây của mình.

BẠN NHÀ NÔNG