Nhà nông tìm hiểu

Lợi bất cập hại việc bán đất mặt ruộng

Cập nhật, 13:58, Thứ Ba, 03/03/2020 (GMT+7)

Cho rằng diện tích đất trồng lúa bị gò cao, khó dẫn nước vào ruộng đồng khiến thất mùa nên nhiều nông dân đã bán đất mặt ruộng. Xin hỏi, việc bán đất như vậy có ảnh hưởng gì cho sản xuất không?

Lâm Minh Chánh (Tam Bình)

Anh Chánh mến, việc bán đất mặt ở khu gò cao, ngoài việc hạ thấp độ cao của mặt ruộng cho nước dễ dàng còn giúp người dân có thêm thu nhập từ việc bán đất mặt này. Nhưng theo cảnh báo của các chuyên gia, “số tiền nhận được từ việc bán đất sẽ không đủ để bù đắp vào những thiệt hại sau đó”.

Bởi, lớp đất mặt trong canh tác lúa có vai trò rất quan trọng, nó cung cấp nhiều khoáng chất cần thiết, giữ nước và làm nền cho cây lúa phát triển tốt.

Tầng đất canh tác của đất lúa dày khoảng 3- 4cm, nếu nông dân bán đi lớp đất mặt này, thì các mùa vụ sau khi nông dân bón phân vào sẽ không giữ được dinh dưỡng trong đất và nước cho cây vì bị ngấm xuống sâu. Để tái tạo lớp đất mặt như cũ phải mất nhiều năm mới có thể tạo nên lớp phù sa dinh dưỡng cho lúa.

Tại Bến Tre, ngành chuyên môn đã thực nghiệm và kết quả là chi phí đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu cho ruộng lúa ở vụ sau sẽ tăng lên từ 2- 3 lần so với các thửa ruộng không bị khai thác đất mặt. Ngoài ra, năng suất lúa của vụ sau cũng sẽ giảm ít nhất trên 15%.

Và cách tốt nhất để xử lý những thửa ruộng gò cao hơn mực nước ngọt trong các kinh nội đồng được khuyến cáo chính là chuyển đổi cây lúa sang trồng cây khác phù hợp hơn.

BẠN NHÀ NÔNG