Nhà nông tìm hiểu

Tăng cường công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cập nhật, 13:46, Thứ Ba, 25/02/2020 (GMT+7)

Gần đây tôi nghe nhiều thông tin cảnh báo bệnh cúm gia cầm, nhờ Bạn Nhà nông tư vấn cách phòng chống bệnh này để giúp người chăn nuôi bảo vệ đàn gia cầm?

Võ Thành Trung (Trung Hiệp- Vũng Liêm)

Anh Trung mến! Hiện nay, nhiệt độ thấp, độ ẩm cao rất thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm tồn tại và phát triển.

Để công tác phòng chống bệnh cúm gia cầm có hiệu quả, người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp tổng hợp như việc tăng cường an toàn sinh học trong chăn nuôi như cách ly, kiểm soát ra- vào khu vực chăn nuôi. Vệ sinh làm sạch phương tiện vận chuyển, chuồng nuôi, thay và bổ sung đệm lót chuồng khi bị ướt. Khử trùng phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi trước khi vào sử dụng và sau khi sử dụng. Định kỳ khử trùng các thiết bị và dụng cụ chăn nuôi khác.

Bên cạnh, anh cần chủ động tiêm vắc xin cúm gia cầm và các vắc xin phòng bệnh khác theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng như chuồng nuôi phù hợp với lứa tuổi, giống gia cầm, đảm bảo về nhiệt độ, mật độ nuôi, thức ăn, nước uống... bổ sung vitamin, men tiêu hóa và các thuốc trợ sức, trợ lực định kỳ hoặc khi có yếu tố bất lợi để tăng sức kháng bệnh cho gia cầm.

Để chống bệnh cúm gia cầm, anh nên thường xuyên quan sát đàn gia cầm để sớm phát hiện, thải loại những gia cầm ốm yếu ra khỏi đàn và xử lý, điều trị nếu cần thiết.

Khi thấy gia cầm bệnh chết nghi mắc cúm gia cầm, anh cần phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở, chính quyền địa phương. Không bán chạy, ăn thịt gia cầm chết, gia cầm trong đàn bị bệnh, không vứt xác chết, chất thải bừa bãi.

Gia cầm bị tiêu hủy trong trường hợp đàn gia cầm phát hiện mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao; đàn gia cầm thả rông xung quanh mà chưa được tiêm phòng vắc xin cúm và đã tiếp xúc với đàn gia cầm mắc bệnh hoặc tiếp xúc với đàn gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao.

BẠN NHÀ NÔNG

Các tin khác: