Mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, nâng cao thu nhập

Cập nhật, 06:01, Thứ Ba, 17/09/2019 (GMT+7)

Mạnh dạn chuyển đổi sản xuất trên cơ sở áp dụng khoa học kỹ thuật, nắm bắt nhu cầu thị trường, đã giúp nhiều nông dân xây dựng “mô hình trăm triệu” hiệu quả.

Chuyển đổi sản xuất trên cơ sở nắm vững kỹ thuật, am hiểu thị trường để bán được giá tốt, thu lợi nhuận cao.
Chuyển đổi sản xuất trên cơ sở nắm vững kỹ thuật, am hiểu thị trường để bán được giá tốt, thu lợi nhuận cao.

Trong vụ Hè Thu, anh Nguyễn Tấn Tài (ấp Cái Sơn Lớn, xã Thanh Đức- Long Hồ) đã chuyển 1,5 công đất ruộng sang trồng ớt sừng trâu.

Từ giữa tháng 6 đến nay, ớt bắt đầu cho thu hoạch, giá bán dao động 50.000- 65.000 đ/kg, tăng gấp đôi so cùng kỳ năm ngoái và cao nhất trong 5 năm qua. Không chỉ giá cao mà năng suất vụ ớt năm nay cũng đạt hơn 10 tấn/ha.

Anh Tấn Tài phấn khởi cho biết: Vụ Hè Thu rồi, nhiều hộ trồng ớt tại xã Thanh Đức rất phấn khởi vì trúng mùa lại trúng giá, bình quân mỗi công ớt nông dân thu lời hơn 30 triệu đồng, hơn làm lúa rất nhiều.

Còn ông Phùng Văn Thương (ấp Cái Sơn Lớn) trồng 3 công dưa leo trên đất ruộng, thời điểm ruộng dưa của ông cho thu hoạch có giá bán 9.000 đ/kg, cao gấp đôi mùa năm trước, với giá này ông Thương lời 10 triệu đồng/công.

Theo ông, hiệu quả trồng dưa leo cao hơn hẳn so với các loại rau màu khác, mà chi phí lại ít tốn kém. “Mùa Hè Thu, làm lúa đất gò cao nước nôi cũng khó nên tôi chuyển qua trồng dưa leo trên ruộng, trồng màu cực nhưng hiệu quả hơn trồng lúa nên tôi quyết định chuyển đổi để nâng cao thu nhập”- ông Thương nói.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ, việc triển khai các dự án cơ cấu lại ngành nông nghiệp bước đầu cũng đạt kết quả, với 62 mô hình hiệu quả kinh tế cao.

Trong đó, vùng màu xen lúa phát triển nhiều mô hình màu theo hướng VietGAP, rau an toàn. Riêng vùng cây ăn trái, huyện hỗ trợ bà con chuyển đổi giống cây sạch bệnh có hiệu quả kinh tế cao, với tổng mức đầu tư trên 2,3 tỷ đồng.

Việc chuyển đổi vùng rau màu canh tác theo quy trình đảm bảo an toàn, xây dựng vùng rau sạch xã Phước Hậu có thể được xem là một điển hình.

Ông Trần Văn Hiền- Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hậu, cho biết: “Trong 5 năm trở lại đây, rau sạch Phước Hậu đã tạo được niềm tin với khách hàng truyền thống và khách hàng mới; đó là do sản xuất theo quy trình VietGAP và theo điều kiện an toàn; có kiểm tra mẫu rau định kỳ hàng tháng và tập huấn thường xuyên cho nông dân”.

Hiện hợp tác xã có 35 xã viên/15ha với gần 20 chủng loại gồm rau ăn lá và rau mùi. Các xã viên được tập huấn kỹ thuật canh tác rau an toàn, dần tạo được ý thức về sử dụng phân thuốc đảm bảo thời gian cách ly, với mong muốn mở rộng diện tích, xây dựng thương hiệu uy tín trên thị trường.

Đồng thời cũng xây dựng những vùng chuyên canh màu bền vững, tránh những cơn sốt và sự chuyển đổi ồ ạt gây mất cân đối quy hoạch vùng trồng, cũng tránh trường hợp khủng hoảng thiếu hoặc thừa nông sản.

Điều quan trọng là quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã làm chuyển biến tư tưởng, khát vọng làm giàu của nông dân. Qua phát động thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, có trên 96% hộ đăng ký thực hiện với nhiều mô hình phong phú, đa dạng.

Anh Nguyễn Văn Nga (ấp Phú An 1, xã Bình Hòa Phước) là một trong những hộ có tổng đàn dê nhiều nhất trong xã.

Anh Nga cho biết, trước đây gia đình anh thu nhập chủ yếu từ vườn nhãn, nhưng từ khi nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng thì thu nhập rất bấp bênh. Năm 2014, anh được Hội Nông dân xã hỗ trợ cho vay 10 triệu đồng để nuôi dê.

Cùng với số tiền 30 triệu đồng gia đình tích lũy được, anh đầu tư làm chuồng và mua 5 con dê cái về nuôi. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật của ngành chuyên môn nên kết quả từ mô hình nuôi dê thật phấn khởi.

Anh Nga chia sẻ: “Năm nay, đàn dê của tôi tiếp tục phát triển và bán được giá. Hiện, tôi đã có được 7 con dê nái và 20 con dê tơ. Riêng số vốn 40 triệu bỏ ra đầu tư tôi đã thu lại được từ những lứa bán trước. Tính ra chỉ một năm là tôi đã lời được đàn dê hiện tại, cho thu nhập hàng năm hơn trăm triệu đồng”.

Mô hình thu nhập cao cũng không phải là cá biệt. Có rất nhiều hộ đạt lợi nhuận từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm, như mô hình vườn nhãn Ido của anh Huỳnh Văn Viên (ấp Tân Hòa, xã Tân Hạnh) hay mô hình vườn- ao- chuồng của ông Nguyễn Văn Tấn (ấp Phú Mỹ 1, xã Đồng Phú) đạt trên 1 tỷ đồng mỗi năm.

Để đạt được kết quả này nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư khoa học kỹ thuật và nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường cho sản phẩm của mình làm ra.

Nói như anh Huỳnh Văn Viên: “Làm nông nghiệp bây giờ phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mới có hiệu quả, phải am hiểu quá trình sinh trưởng, phát triển của cây mới chủ động theo ý muốn. Thêm nữa, phải nắm bắt được thời điểm thị trường cần hàng thì mới bán được giá tốt, thu lợi nhuận cao”.

Bài, ảnh: PHƯỚC GIANG