Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Cập nhật, 12:09, Thứ Tư, 24/07/2019 (GMT+7)

Báo cáo của Cục Trồng trọt (thuộc Bộ Nông nghiệp- PTNT) về kết quả chuyển đổi cây trồng trên đất lúa vụ Hè Thu 2019 cho thấy, trong tổng số 66.821ha diện tích đất lúa được chuyển đổi sang trồng cây lâu năm, cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản thì Vĩnh Long có diện tích chuyển đổi 18.389ha, đứng thứ 2 ở ĐBSCL sau Kiên Giang.

Thu hoạch trong điều kiện mưa gió, lúa Hè Thu ảnh hưởng năng suất do bị đổ ngã.
Thu hoạch trong điều kiện mưa gió, lúa Hè Thu ảnh hưởng năng suất do bị đổ ngã.

Nếu tính về diện tích chuyển đổi cây trồng hàng năm, cây lâu năm trên đất lúa thì Vĩnh Long đứng đầu khu vực (với 18.047ha cây hàng năm và 342ha cây lâu năm). Việc chuyển đổi giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, thời gian qua, ngành nông nghiệp tập huấn kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình trình diễn để hướng dẫn nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế trồng màu trên đất ruộng nên trong vụ Đông Xuân 2018- 2019, diện tích màu xuống ruộng đạt 9.599ha, chiếm 41,83% tổng diện tích gieo trồng màu.

Còn riêng vụ Hè Thu, trong tổng số trên 19.900ha màu toàn tỉnh thì diện tích màu xuống ruộng cũng chiếm trên 44% diện tích, với trên 8.789ha.

Cây màu đã là loại cây giúp nông dân chuyển đổi trên đất lúa, nâng cao thu nhập. Đất lúa lên vườn 342ha trồng các loại cây có múi, sầu riêng, thanh long và một số loại cây trồng khác.

Đánh giá chung việc thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy, chuyển dịch trong nội bộ ngành trồng trọt đúng theo định hướng của ngành nông nghiệp, giảm diện tích gieo trồng lúa, tăng diện tích trồng màu và cây ăn trái, góp phần ổn định và tăng giá trị sản xuất nông nghiệp ngành trồng trọt 1,39%.

Theo đó, cây lúa được thực hiện theo hướng giảm dần diện tích kém hiệu quả. Diện tích lúa giảm 1,14% so với cùng kỳ năm 2018. Cây màu phát triển theo hướng thâm canh và luân canh trên đất lúa.

Nếu như sản xuất lúa có xu hướng giảm năng suất do ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, giá lúa ở mức thấp và thâm canh 3 vụ thì cây màu được sản xuất tiêu thụ ổn định nên được người dân tập trung mở rộng diện tích. Thời gian qua, cây ăn trái cũng có giá bán được duy trì ở mức khá cao và tín hiệu về thị trường xuất khẩu khả quan giúp cho người dân an tâm sản xuất.

Từ đầu năm đến nay, huyện Mang Thít đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được trên 149ha. Ngoài ra, huyện còn phát triển trên 85ha ươm cây giống, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người dân.

Nhìn chung, kết quả chuyển đổi có hiệu quả, nâng cao được giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích cao hơn so với trồng lúa.

Thời gian qua, nông dân trong huyện Mang Thít có xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ ruộng lên vườn để trồng các loại cây ăn trái đặc sản, bước đầu mang lại hiệu quả cho kinh tế cao. Theo đó, diện tích chuyển đổi từ đất ruộng lên vườn hơn 23ha, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước.

Còn tại Long Hồ, gần đây diện tích cây màu ở Long Hồ tăng đáng kể. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, toàn huyện gieo trồng được hơn 963ha rau màu các loại, trong đó diện tích trồng màu trên đất ruộng đạt trên 588ha.

Để góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả trồng lúa, thời gian qua, huyện Tam Bình đã tích cực vận động nông dân sản xuất 2 vụ lúa trong năm, Theo đó, 6 tháng đầu năm 2019, vận động nông dân sản xuất 2 vụ lúa/năm được 749,2ha, đáng kể nhất là các xã: Mỹ Lộc 394ha, Tân Lộc 151,5ha, Loan Mỹ 117,2ha…

Diện tích lúa này, nông dân xuống giống lúa Hè Thu trễ để kéo dài thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa. Hiện tại, địa phương đang tiếp tục vận động nông dân không sản xuất vụ 3 ở những nơi đủ điều kiện để cải tạo đất, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Tại hội nghị tổng kết sản xuất vụ Hè Thu và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông, vụ mùa 2019 khu vực Nam Bộ, ông Lê Thanh Tùng- Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT) cho biết, do lúa thương phẩm vụ Đông Xuân trước đó có giá bán thấp, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Đồng thời, một số vùng do mưa trễ nên vụ Hè Thu này xuống giống muộn sẽ ảnh hưởng đến gieo trồng vụ Thu Đông nên một số địa phương chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác hoặc nuôi thủy sản. Trong đó, đáng kể là tỉnh Vĩnh Long có diện tích chuyển đổi lên đến 18.389ha.

Ở một góc độ khác, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng cần tập trung phát triển cây lúa trong vụ Thu Đông tới theo hướng tăng diện tích gieo sạ so với vụ Thu Đông cùng kỳ năm trước.

Theo ông, sở dĩ trong năm 2018 khuyến cáo giảm diện tích là do dự báo lũ cao còn năm nay thì dự báo lũ đến muộn và nhỏ nên phải tập trung sản xuất hơn trước.

Tuy nhiên, phải sản xuất những giống lúa thơm, lúa chất lượng vừa ít tốn chi phí sản xuất vừa phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu có nhiều tín hiệu khả quan vào những tháng cuối năm.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, trong thời gian gần đây, vụ lúa Thu Đông được đánh giá là có hiệu quả kinh tế tương đối cao. Vì vậy, các địa phương nên xem vụ Thu Đông là vụ sản xuất chính, cố gắng chăm sóc. Những địa phương có vùng đất thấp, không có đê bao thì không sản xuất lúa Thu Đông.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã thu hoạch gần dứt điểm lúa Hè Thu chính vụ tại Vĩnh Long, với trên 51.000ha (chiếm tỷ lệ trên 96%), năng suất đạt 5,9 tấn/ha với sản lượng 300.358 tấn. Bên cạnh đó, lúa Thu Đông 2019 đã xuống giống 32.302ha lúa chủ yếu giai đoạn mạ- đòng trổ đang sinh trưởng phát triển tốt.

Bài, ảnh: THÀNH LONG