Góc nhìn

"Cùng nông dân bảo vệ môi trường"

Cập nhật, 13:16, Thứ Ba, 11/12/2018 (GMT+7)

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không đúng chủng loại, liều lượng và thói quen vứt bao bì, vỏ chai thuốc BVTV ra môi trường đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các tỉnh- thành ĐBSCL hiện đang ở mức báo động.

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, mỗi năm nông dân ở ĐBSCL sử dụng hàng ngàn tấn thuốc BVTV, với trung bình nông dân sử dụng thuốc BVTV 5,71 lít/ha/vụ.

Tuy nhiên, đáng lo nhất hiện nay là tình trạng vỏ bao bì thuốc BVTV hầu như không được thu gom mà vứt bừa bãi trên đồng ruộng, kinh, mương khiến cho môi trường đất và nước, không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngoài ra, hiện còn 70-75% nông dân khu vực ĐBSCL không có nơi bảo quản thuốc và dụng cụ phun thuốc chuyên dùng an toàn, hơn 50% nông dân không có hiểu biết cần thiết về thuốc BVTV.

Đặc biệt, nông dân vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc BVTV trong chăm sóc các loại cây ăn trái, ăn lá, không chờ thuốc có thời gian cách ly phân hủy đã thu hoạch nên xảy ra nhiều vụ ngộ độc…

Trước thực trạng trên, chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” do Cục BVTV chủ trì tổ chức tại 22 tỉnh- thành phía Nam qua 7 năm, từ năm 2012, đã có 167 mô hình thực hiện với hơn 7.700 hộ nông dân tham gia.

Nông sản sạch như lúa, măng tây, thanh long, bưởi da xanh, xoài, vú sữa, nhãn… từ các mô hình từng bước tham gia chuỗi liên kết, sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Chương trình cũng đã thành lập được 3 vùng chuyên thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng tại Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang; liên kết với một số hợp tác xã nông nghiệp xây dựng hố chứa, thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV. 

Trong giai đoạn 2, từ năm 2017- 2021, Cục BVTV, Tập đoàn Lộc Trời sẽ phối hợp với 14 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV sẽ tiếp tục thực hiện chương trình ở 22 tỉnh- thành từ Ninh Thuận đến Cà Mau.

Mỗi tỉnh- thành sẽ xây dựng 3 mô hình tại các xã nông thôn mới ứng dụng các giải pháp canh tác tiên tiến, áp dụng trên các cây trồng chủ lực như lúa, rau màu và cây ăn trái.

Trên các vùng trồng sẽ cấp mã số để xuất khẩu sang các thị trường Châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc trong thời gian tới.

HOÀNG MINH