Lúa Hè Thu thuận mùa lợi giá

Cập nhật, 05:53, Thứ Ba, 10/07/2018 (GMT+7)

Mặc dù giá lúa Hè Thu đã giảm chút ít nhưng nhiều nông dân vẫn bán được giá tốt, cao hơn so với giá lúa cùng vụ năm trước. Năng suất lúa Hè Thu cũng đạt khá, nhiều nông dân phấn khởi khi thu hoạch vụ lúa này.

Thương lái ở Đồng Tháp mua lúa ở xã Mỹ Thạnh Trung (Tam Bình).
Thương lái ở Đồng Tháp mua lúa ở xã Mỹ Thạnh Trung (Tam Bình).

Vẫn bán được giá tốt

Ông Trần Thanh Nhu- thương lái ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp)- đang mua lúa tại cánh đồng thuộc xã Mỹ Thạnh Trung (Tam Bình- Vĩnh Long) cho biết, ông có 5 chiếc ghe mua lúa ở đây trong khoảng 10 ngày, mua hết lúa ở đồng này thì tiếp tục sang các tỉnh lân cận.

Trước lúc thu hoạch lúa khoảng nửa tháng, ông đã thỏa thuận giá với nông dân. Năm nay giá lúa khá cao, lúc thương lượng, vào khoảng 5.600- 5.700 đ/kg.

Tuy nhiên ngay tại thời điểm thu hoạch, giá lúa đã giảm vài trăm đồng một ký nhưng ông vẫn mua với giá thỏa thuận ban đầu.

Chú Năm Thắng (ở ấp An Hòa, xã Bình Ninh- Tam Bình) vừa thu hoạch hơn 10 công lúa. Vụ Hè Thu này, chú xuống giống OM 5451.

Mặc dù vụ này lúa của chú có ảnh hưởng mưa lớn, gió mạnh gây đổ ngã nhưng nhờ chăm sóc tốt nên sau đó lúa đã phục hồi trở lại, không ảnh hưởng năng suất.

Đang tập kết lúa tại bờ kinh chờ thương lái cân, chú Năm Thắng cho biết lúa chú không có đặc cọc trước, thương lái chỉ thương lượng giá lúc chú chuẩn bị thu hoạch và thống nhất 5.700 đ/kg, nhưng tại thời điểm cân lúa thì giá lúa thị trường giảm khoảng 300 đ/kg.

Do đó, thương lái xin giảm 1.000 đ/giạ lúa (còn 113.000 đ/giạ). Tính ra, chú bán lúa cũng được giá 5.650 đ/kg, giảm 50 đ/kg so với giá thỏa thuận.

Thu hoạch lúa cách nay hơn tuần, anh Tống Minh Châu (ở xã Tân Phú- Tam Bình) cho biết thương lái đặt cọc trước cả tháng với giá khá cao 5.900 đ/kg, nhưng khi thu hoạch thì giá giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 5.550- 5.600 đ/kg, nên có tình trạng thương lái chấp nhận bỏ tiền cọc và không mua theo giá đã thỏa thuận.

Nhiều hộ phải bán lúa cho mối lái khác với giá 5.500 đ/kg, thậm chí có hộ bán với giá khá thấp, chỉ 5.150 đ/kg, thấp hơn thời điểm thương lái đặt cọc trên 700 đ/kg.

Tuy nhiên, theo anh Minh Châu, giá lúa vụ Hè Thu năm nay khá cao, nông dân hài lòng bởi vụ này năm rồi chỉ 4.600- 4.650 đ/kg.

Cánh đồng lúa hữu cơ tại Ấp 9 (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) còn khoảng 1 tuần nữa mới thu hoạch, ông Nguyễn Văn Trọng- Bí thư kiêm Trưởng Ấp 9- phấn khởi thông báo dự kiến năng suất khá, hiện giá bán được đơn vị bao tiêu đưa ra là 7.200 đ/kg, cao hơn thị trường khoảng 1.700 đ/kg.

Chăm sóc, bảo vệ lúa Thu Đông

Ngành chuyên môn khuyến cáo trước khi gieo sạ, đất cần được cày, xới thật kỹ, tối thiểu 20 ngày nhằm cắt đứt nguồn lưu trú sâu bệnh.
Ngành chuyên môn khuyến cáo trước khi gieo sạ, đất cần được cày, xới thật kỹ, tối thiểu 20 ngày nhằm cắt đứt nguồn lưu trú sâu bệnh.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), lịch xuống giống lúa Thu Đông chia làm 3 đợt.

Đợt 1 xuống giống 10.000ha, từ ngày 23/6- 8/7 (nhằm ngày 10- 25/5 âl). Phân bố tập trung ở những vùng xuống giống lúa Đông Xuân sớm ven QL54 của TX Bình Minh, Tam Bình, Trà Ôn và vùng đất gò ven sông Măng thuộc huyện Tam Bình, ven sông Tiền thuộc huyện Mang Thít và Vũng Liêm. Đợt 2 xuống giống 32.000ha, tập trung từ ngày 22/7- 6/8 (10/6- 25/6âl).

Đây là đợt xuống giống chính tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Đợt 3 xuống giống 5.000ha, tập trung từ ngày 20- 31/8 (10- 21/7âl), phân bố ở vùng trung tâm, vùng trũng, vùng chưa chủ động bơm tát và chưa có đê bao hoàn chỉnh.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo nông dân các biện pháp chủ động, tăng cường phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa.

Đối với các trà lúa Thu Đông đã xuống giống (chủ yếu ở giai đoạn mạ), nông dân cần thăm đồng để xác định thời điểm rầy vào đèn rộ, kịp thời đưa nước vào ruộng che chắn cây lúa, hạn chế rầy nâu chích hút và truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Cụ thể, ruộng có tép lúa bị bệnh thì phải nhổ vùi tiêu hủy ngay những tép bệnh. Với lúa trước 30 ngày tuổi, nếu ruộng có trên 30% số tép bị bệnh thì phải tiêu hủy ngay cả ruộng lúa bằng cách cày vùi và trước khi cày vùi phải phun xịt thuốc trừ rầy nâu.

Riêng lúa sau 30 ngày tuổi, nếu ruộng lúa bị nhiễm nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất thì phải phun xịt thuốc trừ rầy nâu và cày vùi tiêu hủy cả ruộng.

Bên cạnh, nông dân có thể bảo vệ lúa trong giai đoạn 40 ngày sau sạ bằng các biện pháp điều tiết nước, công nghệ sinh thái đồng ruộng (ruộng lúa bờ hoa), hạn chế bón đạm, điều tiết nước hợp lý.

Khi mật độ rầy trên 2.000 con/m2, cần phun thuốc bảo vệ thực vật kịp thời, đồng loạt và tập trung cả vùng cũng như tăng cường giải pháp phun nấm xanh để phòng trừ rầy nâu…

Riêng ruộng chuẩn bị xuống giống, khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa theo hướng ưu tiên giống chống chịu khá với rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Trước khi gieo sạ, cần cày xới đất tối thiểu 20 ngày nhằm cắt đứt nguồn lưu trú sâu bệnh, đồng thời giảm lượng giống lúa gieo sạ còn 80- 100 kg/ha/vụ. Ngoài ra, nông dân cần đặc biệt chú ý xuống giống sau các đợt cao điểm rầy di trú từ ngày 22- 27 dương lịch hàng tháng.

Bài, ảnh: THÀNH LONG