Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng nấm rơm phối trộn với lục bình

Cập nhật, 13:28, Thứ Năm, 21/06/2018 (GMT+7)

KS Lương Mỹ Phương, Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân vừa thực hiện thành công dự án “Tập huấn và xây dựng mô hình trình diễn trồng nấm rơm từ nguyên liệu rơm phối trộn lục bình”. Dự án thực hiện từ tháng 9/2017 đến 6/2018, tổng kinh phí 153 triệu đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ hỗ trợ 80 triệu đồng.

 Sản phẩm nấm rơm
Sản phẩm nấm rơm

Qua 10 tháng thực hiện, dự án đạt được các mục tiêu đề ra, đã xây dựng và chuyển giao quy trình trồng nấm rơm từ nguyên liệu rơm phối trộn lục bình phù hợp với điều kiện canh tác của người nông dân (ND) huyện Phú Tân. Tổ chức 1 lớp tập huấn cho 30 ND ngụ ở 5 xã, thị trấn huyện Phú Tân về kỹ thuật trồng nấm rơm theo phương thức mới sử dụng nguyên liệu rơm phối trộn với nguyên liệu lục bình.

Thực hiện trình diễn 2 mô hình: trồng nấm rơm ngoài trời từ nguyên liệu 50% rơm phối trộn 50% lục bình do ND Nguyễn Thanh Phong trực tiếp sản xuất 200m2 với 180m mô. Sau 3 tháng trồng thu hoạch 270kg nấm tươi, với trung bình 1,5kg nấm tươi/m mô. Doanh thu 24,65 triệu đồng, lợi nhuận 10,115 triệu đồng.

Giá thành đầu tư sản xuất 1kg nấm là 53.850 đồng/kg nấm tươi, thấp hơn so với trước khi thực hiện dự án. Mô hình trồng nấm rơm trong nhà 80m2 với 135m mô của ND Ngô Quốc Dũng. Tổng năng suất nấm tươi thu hoạch đạt 356,3kg, với trung bình 2,6kg nấm tươi/m mô.

Doanh thu trong 3 tháng đạt 25,2 triệu đồng. Mặc dù tổng chi phí sản xuất cao hơn so với trước khi thực hiện dự án, nhưng nông hộ lại thu được lợi nhuận 12,2 triệu đồng, cao hơn so với trước khi thực hiện dự án. Vì thế, giá thành đầu tư sản xuất 1kg nấm là  36.541 đồng/kg nấm tươi, thấp hơn 26.272 đồng/kg nấm tươi so với trước khi thực hiện dự án.

KS Lương Mỹ Phương chia sẻ: "Dự án góp phần tăng thêm nguồn lợi ích bảo vệ môi trường. Từ dự án đã giải quyết được 20.475kg lục bình tươi (chiếm diện tích gần 1.500m2 trên mặt sông Hậu thuộc địa bàn huyện Phú Tân).

Sản lượng bã thải sau khi trồng nấm dùng để ủ phân hữu cơ thay thế phân hóa học, hạn chế ô nhiễm môi trường, tiết kiệm một phần chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm. Duy trì thực hiện mô hình sau khi dự án kết thúc, hoàn toàn phụ thuộc vào đánh giá cao của người ND về hiệu quả đạt được của mô hình”.

Điển hình như: hộ của ông Ngô Quốc Dũng duy trì thực hiện mô hình trồng nấm rơm trong nhà theo phương thức phối trộn nguyên liệu rơm và lục bình đến tháng 6/2018 được 2 vụ và tiếp tục thực hiện vào các vụ sau.

Việc triển khai dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường rất lớn, đồng thời các kết quả đạt được khẳng định sự đóng góp của khoa học - công nghệ trong việc tăng năng suất trồng nấm rơm, đem lại hiệu quả kinh tế cho người ND, góp phần giải quyết việc làm tại địa phương

Dự án đã chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng nấm rơm từ nguyên liệu rơm phối trộn lục bình cho ND. Qua đó, giúp người ND trồng nấm trên địa bàn huyện ứng dụng nguyên liệu lục bình phối trộn với rơm vào thực tiễn sản xuất, thay đổi các biện pháp canh tác cũ, góp phần tăng năng suất, sản lượng so với phương thức trồng nấm truyền thống hoàn toàn bằng rơm.

Nhiều ND đã áp dụng kiến thức đã tiếp thu vào cuộc sống, thu gom phơi lục bình phối trộn với rơm để trồng nấm, đem lại thu nhập cho bản thân và gia đình.

 Lục bình phơi khô làm nguyên liệu trồng nấm
Lục bình phơi khô làm nguyên liệu trồng nấm

KS Phương kiến nghị: Thông qua kết quả từ dự án, có thể phối hợp Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng nấm rơm từ nguyên liệu rơm và lục bình nhằm giới thiệu cho ND trên địa bàn khác trong và ngoài huyện để nhân rộng mô hình, góp phần tăng thêm hiệu quả kinh tế cho người dân khi trồng nấm rơm. Đồng thời liên kết với đại lý thu mua nấm cung ứng cho các thị trường khác ngoài huyện, đảm bảo đầu ra cho ND.

Tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình trồng nấm rơm từ nguyên liệu rơm phối trộn lục bình, vừa đem lại kinh tế cho người trồng nấm rơm cũng như góp phần giải quyết việc làm cho lao độngtại địa phương và tăng thêm nguồn lợi bảo vệ môi trường.

Trồng nấm rơm trong nhà là hướng đi mới cho nghề trồng nấm rơm, do có nhiều ưu điểm hơn so với cách trồng nấm rơm ngoài trời: chủ động điều chỉnh được ẩm độ, nhiệt độ, tiết kiệm được diện tích chất mô và không phụ thuộc vào thời tiết như trồng nấm rơm ngoài trời. Tuy nhiên, trồng nấm rơm trong nhà có nhược điểm là chi phí đầu tư ban đầu cao hơn so với trồng nấm rơm ngoài trời.

Theo Báo An Giang