Chăm lo sức khỏe đàn vật nuôi mùa mưa bão

Cập nhật, 19:30, Thứ Ba, 12/06/2018 (GMT+7)

Thời tiết mưa bão dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Do đó, công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi trong mùa mưa bão đang được ngành chuyên môn chú trọng.

BVLHộ chăn nuôi cần chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi trong mùa mưa bão.
Hộ chăn nuôi cần chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi trong mùa mưa bão.

Theo nhận định tình hình dịch bệnh của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp- PTNT), hiện nay, nguy cơ phát sinh các ổ dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng hoặc đàn gia súc khỏe mạnh được vận chuyển đến vùng có ổ dịch cũ là rất cao.

Đối với bệnh tai xanh trên heo, trong thời gian tới, có thể xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao.

Riêng bệnh cúm gia cầm, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Số liệu tiêm phòng đợt I/2018 của tỉnh Vĩnh Long đạt 13.371 liều lở mồm long móng, 14.680 liều tai xanh trên heo; 8.401 liều lở mồm long móng trên trâu bò; 16.222 liều dại chó, đạt 74,4% kế hoạch.

Tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm 494.259 con gà, 1.146.640 con vịt (đạt 48,7% kế hoạch). Ngoài ra, các trại, hộ chăn nuôi tự tiêm phòng 752.500 con gà và 107.730 con vịt.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp- PTNT, kết quả tiêm phòng đợt I/2018 chưa đạt kế hoạch đề ra. Số liệu tiêm phòng bệnh cúm gia cầm, dại chó và bệnh lở mồm long móng còn thấp, trong đó có nguyên nhân do người chăn nuôi không quan tâm thực hiện tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Vừa qua, ông Nguyễn Thành Một- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT- đã ký ban hành công văn về việc tăng cường phối hợp chỉ đạo công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh động vật đến các địa phương.

Theo đó, đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh động vật, áp dụng các biện pháp tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh bắt buộc. Đặc biệt chỉ đạo các địa phương xử lý vi phạm hành chính đối với các hộ, cơ sở chăn nuôi có hành vi vi phạm trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh động vật.

Trước mắt, ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia súc gia cầm, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Bên cạnh, đẩy mạnh tiêm phòng và tiêu độc sát trùng- nhất là những vùng có nguy cơ cao, ổ dịch cũ; đồng thời kiểm dịch, kiểm soát giết mổ tại các lò giết mổ, bãi trung chuyển gia súc,…

Hộ chăn nuôi cần đăng ký với chính quyền địa phương để được hỗ trợ khi có thiên tai, dịch bệnh, đồng thời giúp cho việc quản lý được tốt hơn.
Hộ chăn nuôi cần đăng ký với chính quyền địa phương để được hỗ trợ khi có thiên tai, dịch bệnh, đồng thời giúp cho việc quản lý được tốt hơn.

Để đảm bảo chăn nuôi an toàn trong mùa mưa, ThS. Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo, người chăn nuôi cần tăng cường chăm sóc gia súc, gia cầm để tăng khả năng chống chịu các tác động bất lợi của thời tiết cùng sự đe dọa của dịch bệnh cho vật nuôi.

Cụ thể, cần đảm bảo chuồng trại vững chắc. Mái chuồng cần gia cố để hạn chế tốc mái khi có bão, kiểm tra rèm che chắn đề phòng mưa tạt, gió lùa vào chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh, hạn chế úng ngập khi mưa lớn.

Nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc, gia cầm đủ về lượng và đảm bảo về chất cũng như cần đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi uống. Song song đó, hộ chăn nuôi cần chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho vật nuôi theo đúng lịch trình phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi.

Ngoài ra, người chăn nuôi cần đăng ký với địa phương để chủ động kiểm soát cũng như được hỗ trợ kịp thời khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Đến nay, ngành chuyên môn đã vận động 20/35 cơ sở giết mổ lắp đặt camera theo dõi hoạt động giết mổ tại cơ sở giết mổ với tổng số 76 camera (đạt 57,1%).

Đến tháng 4/2018, đàn heo toàn tỉnh 303.064 con, giảm 14% (tương đương 49.443 con) so với cùng thời điểm năm trước. Đàn bò trên 93.000 con và đàn gia cầm trên 8 triệu con, tăng lần lượt là 9,1% và 3,5% so cùng kỳ năm trước.

 

 


Bài, ảnh: THÀNH LONG