Vũng Liêm tiếp tục phát triển kinh tế tập thể

Cập nhật, 06:09, Thứ Tư, 30/05/2018 (GMT+7)

Thực hiện chủ trương của tỉnh là đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, thời gian qua, huyện Vũng Liêm đã cụ thể và thực hiện có hiệu quả chủ trương này.

Theo đó, huyện tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hình thức phát triển kinh tế hợp tác thông qua các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), trang trại, làng nghề... đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Vụ lúa Hè Thu năm 2018 ở xã Tân An Luông (Vũng Liêm). Trong ảnh: Nông dân ở Ấp 8 đang khử lúa lẩn.
Vụ lúa Hè Thu năm 2018 ở xã Tân An Luông (Vũng Liêm). Trong ảnh: Nông dân ở Ấp 8 đang khử lúa lẩn.

Mở rộng mô hình kinh tế hợp tác

Đến cuối năm 2017, toàn huyện Vũng Liêm có 36 HTX, trong đó thành lập mới trong năm 13 đơn vị (9 HTX nông nghiệp, 2 HTX thương mại dịch vụ chợ, 1 HTX vận tải, 1 HTX tiểu thủ công nghiệp).

Tổng vốn điều lệ các HTX trong năm hơn 38,2 tỷ đồng, tổng doanh thu ước 69,7 tỷ đồng, lợi nhuận các HTX đạt 5,9 tỷ đồng.

Theo báo cáo kinh tế tập thể của huyện Vũng Liêm năm 2017, doanh thu bình quân của HTX 2 tỷ đồng/năm, lãi bình quân đạt 160 triệu đồng/năm.

Mới đây HTX Nông nghiệp xoài Quới Thiện đã thành lập, mở cơ hội sản xuất, hợp tác phát triển loại cây trái tiềm năng xoài xiêm núm, xoài cát núm xã cù lao này.

Vùng cây trái 2 xã Thanh Bình, Quới Thiện không chỉ xoài, mà chủ lực còn có bưởi da xanh và sầu riêng.

Và những năm qua, các cây trái này đã bén rễ các xã Trung Thành Tây, Quới An, Trung Chánh... đánh dấu bởi các THT hay HTX sản xuất, tạo hiệu quả kinh tế cho người dân, tham gia cơ cấu lại nông nghiệp tại các địa bàn.

Năm qua đánh giá chất lượng HTX tỷ lệ khá- giỏi 15 HTX (41,7%), trung bình có 7 HTX (19,44%) và 1 HTX loại yếu (2,8%).

Hiện trong số 37 HTX, có 15 HTX nông nghiệp- thủy sản, 10 HTX tiểu thủ công nghiệp, 8 HTX xây dựng, mỗi lĩnh vực thương mại dịch vụ và giao thông vận tải có 2 HTX.

Sự phát triển của lĩnh vực kinh tế tập thể còn thể hiện ở việc thành lập mới 40 THT trong năm qua, nâng toàn huyện hiện có 278 THT sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại- dịch vụ.

Ước lao động làm việc thường xuyên trong HTX hơn 1.600 người, trong THT gần 10.000 người.

Tương tự, mô hình kinh tế trang trại với việc phát triển mới 2 trang trại, nâng lên 8 trang trại đăng ký theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp- PTNT. Chủ yếu trong đó là 6 trang trại chăn nuôi heo, 1 trang trại nuôi cá tra và 1 trang trại sản xuất lúa.

Ở làng nghề, Vũng Liêm hiện có 4 làng nghề gồm 2 làng nghề xe lõi lác ở xã Quới Thiện và xã Thanh Bình, 2 làng nghề trồng và xe lõi lác ở xã Trung Thành Đông với 443 hộ tham gia, có 796 lao động, 462 máy xe lõi lác và diện tích trồng lác 143ha.

Trong tháng 4/2018, diện tích cây lác trồng mới ở Vũng Liêm là 2,4ha, nâng tổng số huyện có 309ha cây lác, trong đó chiếm nhiều nhất vẫn là vùng trồng cây lác xã Trung Thành Đông.

Đại diện HTX Nông nghiệp Tân An Luông (bên trái) xác nhận giá lúa giống với Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long.
Đại diện HTX Nông nghiệp Tân An Luông (bên trái) xác nhận giá lúa giống với Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long.

Nòng cốt là HTX

Phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt HTX là chủ trương của Đảng, Nhà nước. Thực hiện Luật HTX năm 2012 và Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020” theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 1/4/2016 về “Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế tập thể” giai đoạn trên.

Đồng thời chỉ đạo UBND tỉnh ban hành chương trình hành động thực hiện đề án này. Tỉnh cũng đã có quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Nghị quyết 04 trên địa bàn tỉnh.

Vũng Liêm cũng như các huyện đã cụ thể và tiếp tục thực hiện chủ trương này nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể.

Theo đó, tiếp tục kiện toàn nâng chất lượng, nhân rộng các mô hình HTX, THT có hiệu quả và các làng nghề, ngành nghề...

Riêng mô hình HTX tiếp tục từng bước phát triển ở quy mô lớn hơn, hiệu quả kinh doanh cao hơn theo mô hình HTX kiểu mới, trong đó chú trọng phát triển ở xã nông thôn mới.

Tuy nhiên, khó khăn chung của HTX là vốn tự có rất thấp và chủ yếu nằm ở tài sản cố định.

Trong khi phần lớn HTX khó tiếp cận với vốn vay các tổ chức tín dụng do chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh. Khó khăn còn ở chỗ nhiều HTX ít được thụ hưởng xúc tiến thương mại, khoa học kỹ thuật...

HTX Nông nghiệp Tân An Luông sản xuất và cung cấp lúa giống thành lập gần 4 năm qua, cung cấp trên địa bàn và các địa phương lân cận.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân An Luông, hiện nay vào các mùa lúa chỉ đưa ra thị trường tầm khoảng 30 tấn lúa giống, chủ yếu buôn bán- trao đổi với nông dân.

Ở xã Tân An Luông, ngoài HTX này, còn có 2 THT sản xuất và cung cấp lúa giống phục vụ vùng chuyên canh lúa.

Thực tế tại cơ sở mình, ông Nguyễn Văn Phúc nêu vấn đề là làm sao nâng hiệu quả hợp tác, mở rộng quy mô, hình thức cung cấp lúa giống cho bà con.

Ông cho biết hiện khó khăn của đơn vị là kho bãi, vốn sản xuất, đầu ra. Với kho bãi và vốn sản xuất, cơ sở cần hỗ trợ từ ban ngành cấp trên.

Với đầu ra, việc chưa đưa giống ra thị trường kiểu hàng hóa bởi chưa có thương hiệu và chủ yếu buôn bán- trao đổi giữa HTX với nông dân qua mối mang. Đó là một trong các hạn chế và cần cơ chế tháo gỡ.

Tính đến hiện tại, toàn huyện Vũng Liêm có 37 HTX, 278 THT, 8 trang trại và 4 làng nghề đang hoạt động. 

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN