Vĩnh Long- Vùng nông sản phong phú

Cập nhật, 19:48, Thứ Bảy, 24/03/2018 (GMT+7)

 

Bên cạnh chú trọng sản lượng, chất lượng sản phẩm, nhiều mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ đảm bảo đầu ra cho nông sản của Vĩnh Long đã được triển khai. Trong ảnh: Lúa thơm Thiện Mỹ (Trà Ôn) được bao tiêu.
Bên cạnh chú trọng sản lượng, chất lượng sản phẩm, nhiều mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ đảm bảo đầu ra cho nông sản của Vĩnh Long đã được triển khai. Trong ảnh: Lúa thơm Thiện Mỹ (Trà Ôn) được bao tiêu.

Khí hậu ôn hòa, đất đai phì nhiêu, màu mỡ đã tạo điều kiện cho tỉnh Vĩnh Long phát triển những vùng chuyên canh nông sản như lúa gạo, bưởi Năm Roi, cam sành, nhãn, xoài, chôm chôm, sầu riêng…

Huyện Tam Bình đã bước tiên phong trong việc trồng lúa hữu cơ. Từ vụ Hè Thu năm 2016, mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại Ấp 9- xã Mỹ Lộc được thực hiện với 44,3ha/74 hộ. Kể từ năm 2017, mô hình chỉ sản xuất 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu.

Tính đến vụ Đông Xuân 2017- 2018, đã sản xuất được 5 vụ lúa hữu cơ. Vụ Đông Xuân này với 43,35ha, năng suất lúa hữu cơ đạt 5 tấn/ha, mô hình bước đầu khẳng định hiệu quả khi làm lúa theo quy trình sản xuất sạch không sử dụng phân, thuốc vô cơ và được bao tiêu sản phẩm.

Cũng tại xã Mỹ Lộc, mô hình phát triển vùng lúa nguyên liệu 100% sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hữu cơ được thực hiện trong vụ Đông Xuân 2017- 2018.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lộc, ông Nguyễn Văn Đượm cho biết: Mô hình được triển khai 2ha, kết quả năng suất đạt khá cao, 7,5 tấn/ha.

Do đó, có khả năng mở rộng mô hình để hướng đến mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao an toàn sinh học, mang lại lợi nhuận cho nông dân bằng việc sản xuất gắn với tiêu thụ và góp phần bảo vệ môi trường.

Tại huyện Vũng Liêm, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Phân bón Bình Điền và các doanh nghiệp đã thu mua xoài xiêm núm, bưởi da xanh, lúa trong cánh đồng lớn.

Hiện nay xoài xiêm núm tại Vũng Liêm có diện tích 150ha, trong đó Tổ hợp tác Xoài xiêm núm Quới An có 47,56ha cho sản lượng 100 tấn/năm, được 80 tổ viên trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Huyện cũng đã kết nối với Công ty TNHH Kỹ thuật cao Việt Nam hợp đồng bao tiêu 50,8ha xoài xiêm núm ở Quới An, Trung Chánh.

Còn tại huyện Bình Tân, mô hình cây đậu bắp xanh với diện tích gần 10ha ở xã Tân Bình sản xuất theo hướng VietGAP được Công ty Thủy sản Bạc Liêu bao tiêu ổn định với sản lượng 25- 30 tấn/ha/vụ.

Công ty TNHH Thương mại Tùng Lâm chuyển giao mè giống cho các xã Tân Lược, Tân An Thạnh, Tân Bình, Thành Lợi xuống giống 16ha gắn liền với hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Riêng TX Bình Minh, Công ty TNHH 1TV Thần Nông liên kết sản xuất tiêu thụ lúa giống tại xã Đông Thạnh, với quy mô liên kết 30,4ha. Công ty hỗ trợ lúa giống, công gieo mạ, cấy và tiêu thụ sản phẩm.

Thông qua hỗ trợ của ngành nông nghiệp, thời gian qua doanh nghiệp Rồng Đỏ cũng đã tiếp cận vùng sản xuất nhãn Tân Hạnh, Hòa Ninh, An Bình (Long Hồ) với các mặt hàng nhãn tiêu da bò, Edor (Ido), xuồng cơm vàng. Đến nay, Tổ hợp tác nhãn Edor Hòa Ninh đã cung cấp nhiều sản phẩm nhãn xuất khẩu.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long khuyến khích nhà vườn chú trọng đến việc sản xuất trái cây đạt tiêu chuẩn chất lượng và có điều kiện nên đăng ký mã chỉ dẫn địa lý vùng trồng. Hiện địa phương có trên 10 cơ sở sản xuất trái cây đạt các tiêu chuẩn GAP, trong đó có 2 cơ sở đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, còn lại là VietGAP.

Kết hợp việc xây dựng thương hiệu, đăng ký mã vùng trồng đã đẩy mạnh việc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các trái cây của tỉnh một cách đáng kể.

Hiện trên địa bàn tỉnh, bước đầu đã có một số mô hình thực hiện được sự liên kết sản xuất- tiêu thụ bằng hợp đồng, hình thành kênh tiêu thụ riêng, đã và đang mang lại hiệu quả cho nhà vườn và tạo nguồn nguyên liệu nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Theo đó, Sở Nông nghiệp- PTNT đã kết hợp với Công ty TNHH 1TV Thương mại Hương Bưởi Mỹ Hòa xây dựng dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ bưởi Năm Roi.

Sau khi tham gia thực hiện chương trình GlobalGAP của dự án, doanh nghiệp trên đã hợp đồng liên kết hỗ trợ sản xuất- thu mua sản phẩm của 2 tổ hợp tác sản xuất bưởi Năm Roi 39ha, đồng thời hỗ trợ 1 triệu đồng/tấn cho bưởi loại 1 xuất khẩu.

Bên cạnh, sở cũng đã xây dựng 3 mô hình sản xuất trái cây an toàn cho nhãn, chôm chôm với CLB nông sản sạch vùng ĐBSCL.

Vùng nguyên liệu nông sản phong phú, Vĩnh Long cũng có nhiều chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong ảnh: Mô hình sản xuất củ cải trắng đạt chuẩn VietGAP tại xã Long Mỹ (Mang Thít).
Vùng nguyên liệu nông sản phong phú, Vĩnh Long cũng có nhiều chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong ảnh: Mô hình sản xuất củ cải trắng đạt chuẩn VietGAP tại xã Long Mỹ (Mang Thít).

Trong công tác thẩm định vùng trồng, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng hồ sơ đề nghị Trung tâm Kiểm dịch thực vật Vùng 6 cấp chứng nhận code xuất khẩu thị trường Mỹ cho nhãn tiêu da bò vùng sản xuất Tân Hạnh, nhãn Edor Hòa Ninh, An Bình, chôm chôm Java Bình Hòa Phước (Long Hồ) và cấp chứng nhận code xuất khẩu thị trường Hàn Quốc cho xoài xiêm núm ở Quới An, Trung Chánh (Vũng Liêm).

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, trước những tín hiệu mới trong sản xuất nông sản an toàn, hộ sản xuất cần liên kết lại tạo vùng nguyên liệu lớn, thay đổi tạp quán sản xuất cái thị trường cần, an toàn và truy xuất nguồn gốc, ký kết hợp đồng cần giữ chữ tín.

Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tỉnh đề xuất giảm hoặc miễn tiền sử dụng đất lúa nhằm giảm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp.

Làm việc tại Vĩnh Long gần đây, TS. Trần Văn Khởi- quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia- đánh giá với tổ chức chặt chẽ, diện tích đồng nhất và tiềm năng sản xuất đạt sản lượng, chất lượng nên liên kết tiêu thụ nông sản Vĩnh Long sẽ dễ dàng hơn.

Đây là cơ hội không những để nông dân nâng cao thu nhập mà kể cả doanh nghiệp dịch vụ, cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ cùng liên kết đầu tư phát triển bền vững.

Bài, ảnh: THÀNH LONG