Vĩnh Long

Tiềm năng nông sản dồi dào

Cập nhật, 06:31, Chủ Nhật, 11/03/2018 (GMT+7)

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long dần chuyển sang hướng cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nhiều mặt hàng nông sản chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được sản xuất ngày càng nhiều, nhiều mô hình sản xuất liên kết được triển khai. Trong đó, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp đang tạo tiền đề xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao.

Doanh nghiệp đầu tư mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn sinh học tại Ấp 10 (xã Mỹ Lộc- Tam Bình).
Doanh nghiệp đầu tư mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn sinh học tại Ấp 10 (xã Mỹ Lộc- Tam Bình).

Cơ cấu lại đã có hiệu ứng tích cực

Theo ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh đã bắt đầu có hiệu ứng tích cực và góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Trong năm 2017, diện tích cây có múi tăng mạnh, cam tăng 8,3%, bưởi tăng 4,2%. Nhãn và chôm chôm cũng tăng diện tích 5,7% và 9,7%, đặc biệt là khoai lang tăng gần 25% diện tích so với năm 2016.

Bước đầu nhà vườn đã gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm đã được chứng nhận VietGAP như nhãn, xoài, chôm chôm.

Vùng bưởi Năm Roi (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) đã liên kết tiêu thụ với một số siêu thị tại Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Có thể nói, ngành trồng trọt bội thu trong năm 2017 với mức tăng trưởng giá trị sản xuất đến 5,08%.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, dù ngành hàng heo gặp khó khăn, song đàn bò toàn tỉnh tăng 3,1%, đàn gia cầm tăng thêm 3,8% giúp ngành chăn nuôi không bị giảm sâu về giá trị sản xuất.

Riêng sản xuất thủy sản tương đối ổn định và có mức tăng trưởng 1,38%, trong đó có hơn 97% diện tích nuôi cá tra thâm canh đạt chứng nhận các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP/ASC.

Thời gian qua, các hoạt động xúc tiến thương mại được chú trọng cùng với các hoạt động hỗ trợ các cơ sở xây dựng thiết kế nhãn hiệu, trưng bày, giới thiệu các mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh, qua đó thúc đẩy liên kết tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, quảng bá hình ảnh nông sản Vĩnh Long ra thị trường trong và ngoài nước.

Theo bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân- Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn (Sở Nông nghiệp- PTNT), quá trình thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã góp phần khẳng định thế mạnh của các loại nông sản chủ lực của tỉnh được thị trường trong và ngoài nước biết đến.

Ngành nông nghiệp đang phát triển các vùng nguyên liệu nông sản theo hướng hình thành các vùng chuyên canh tập trung gắn với chất lượng có liên kết tiêu thụ, đăng ký nhãn hiệu cũng như có mô hình kiểu mẫu được chứng nhận VietGAP.

Tiềm năng chờ khai phá

Nông sản Vĩnh Long có tiềm năng rất lớn.
Nông sản Vĩnh Long có tiềm năng rất lớn.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái quy mô lớn theo hướng GAP gắn với nhãn hiệu hàng hóa và tiêu thụ nông sản như bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, vùng nguyên liệu sầu riêng, xoài, nhãn và cam sành.

Mô hình sản xuất cây khoai lang đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhân giống khoai lang từ củ cũng được xây dựng và phát triển.

Nhiều mô hình hoa kiểng, rau màu chất lượng cao cho nông nghiệp đô thị TP Vĩnh Long và TX Bình Minh với 28 mô hình hoa lan, 10 mô hình rau màu thủy canh,…

Trong chăn nuôi, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai mô hình nuôi heo thịt sử dụng đệm lót sinh học quy mô nông hộ, hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sinh sản theo hướng an toàn sinh học, mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng vịt; nhân rộng mô hình chăn nuôi vịt chuyên trứng và nuôi vịt siêu thịt an toàn sinh học tại các địa phương trong tỉnh.

Đến nay, ngành nông nghiệp hỗ trợ xây dựng một số mô hình thủy sản có tiềm năng như cá trê vàng, cá bông lau, cá heo nước ngọt, tôm càng xanh, cá chạch lấu, cá hô,… cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Đóng góp cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, ông Phan Nhựt Ái- nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT- cho rằng Vĩnh Long nên phát triển nông nghiệp theo hướng lấy vườn cây ăn trái là ngành sản xuất chủ lực, bên cạnh đó cần chú trọng thủy đặc sản nước ngọt, chú trọng cơ giới hóa, tự động hóa để tăng sức cạnh tranh và nên xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Lấy kinh tế trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp làm nền tảng, hoạt động theo mô hình chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao.

Đồng thời tăng cường mời gọi đầu tư và nông nghiệp nông thôn, xúc tiến thương mại và vận dụng, cụ thể hóa chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả hơn.

Còn theo ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư, để hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư và nhất là vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tỉnh sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với vận dụng cơ chế chính sách để khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất cho sản xuất hàng hóa với quy mô lớn và đẩy mạnh mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển nông thôn.

Bên cạnh, nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các nông sản chủ lực, tiềm năng, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất, mời gọi đầu tư hoặc liên kết thực hiện nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến rau- củ- quả, thủy sản.

Bài, ảnh: LÊ SƠN