Nông nghiệp phát huy đà tăng trưởng

Cập nhật, 06:55, Thứ Sáu, 23/02/2018 (GMT+7)

Mặc dù chỉ tiêu giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2018 của tỉnh chỉ tăng 1,32% so với năm 2017, nhưng ông Trần Hoàng Tựu- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- đã đề nghị ngành nông nghiệp phấn đấu đạt giá trị cao hơn.

Và 2% là chỉ tiêu tăng trưởng mà ngành nông nghiệp đặt ra để phấn đấu đạt được trong năm mới.

 Mô hình trồng hoa lan Mokara của hộ Lâm Quốc Hưng (Trường An- TP Vĩnh Long) do Trung tâm Khuyến nông tỉnh chủ trì thực hiện trong năm 2017.
Mô hình trồng hoa lan Mokara của hộ Lâm Quốc Hưng (Trường An- TP Vĩnh Long) do Trung tâm Khuyến nông tỉnh chủ trì thực hiện trong năm 2017.

Nông nghiệp phát huy đà tăng trưởng 1,32% và 2%

Để làm được điều này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Trần Hoàng Tựu chỉ đạo ngành nông nghiệp cần tập trung hoàn chỉnh, bổ sung các quy hoạch và quản lý sau quy hoạch, chỉ đạo liên kết sản xuất và phát triển kinh tế hợp tác;

đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, từng bước xây dựng và hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các đối tượng vật nuôi, cây trồng chủ lực có năng suất, chất lượng cao phù hợp nhu cầu thị trường, tạo điều kiện thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nông sản chủ lực của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, năm qua là một năm mà ngành nông nghiệp đã vượt khó để phục hồi và tăng trưởng.

Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh đã bắt đầu có hiệu ứng tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Theo đó, diện tích màu và cây ăn trái đều tăng mạnh như cây có múi, nhãn, chôm chôm, khoai lang, bước đầu đã gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm được chứng nhận VietGAP. Có thể nói ngành trồng trọt đạt bội thu trong năm 2017 với mức tăng trưởng giá trị sản xuất trên 5%.

Trong năm qua, dù ngành chăn nuôi heo gặp khó khăn nhưng đàn bò và đàn gia cầm toàn tỉnh vẫn tăng, giúp ngành chăn nuôi không bị giảm sâu về giá trị sản xuất.

Trong khi đó, sản xuất thủy sản tương đối ổn định và tăng trưởng nhẹ, toàn tỉnh có hơn 97% diện tích nuôi cá tra thâm canh đạt chứng nhận các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP/ASC.

Các hoạt động xúc tiến thương mại đã được chú trọng, qua đó thúc đẩy liên kết tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, quảng bá hình ảnh nông sản Vĩnh Long ra thị trường trong và ngoài nước.

Định hướng phát triển trong năm 2018, ngành nông nghiệp quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng 2% so với năm 2017, theo đó, ngành tập trung cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao chất lượng kinh tế hợp tác cùng với việc đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại.

Trong đó, tiếp tục phát triển các loại rau màu có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định, giảm dần diện tích lúa kém hiệu quả, phấn đấu giảm diện tích lúa cả năm xuống dưới 159.000ha.

Đối với cây lâu năm, hình thành và mở rộng các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung cho các sản phẩm chủ lực và tiềm năng, diện tích cây lâu năm đạt trên 55.000ha và tăng tổng sản lượng trái cây.

Trong chăn nuôi, tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi heo, giữ ổn định tổng đàn khoảng 350.000 con heo, 91.000 con bò và 8 triệu con gia cầm cùng các chính sách nhằm nâng cao chất lượng đàn vật nuôi.

Riêng lĩnh vực thủy sản, sản phẩm chủ lực cá tra và cá lồng bè sẽ được tập trung phát triển, tăng sản lượng cá tra thâm canh và thủy đặc sản, với mức phấn đấu đạt trên 80.000 tấn cá tra.

Tiềm năng ứng dụng công nghệ cao

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, định hướng phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao trong bối cảnh cơ cấu lại nông nghiệp sẽ là bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Vĩnh Long có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, các vùng chuyên canh đã cơ bản hình thành nên có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các mô hình như: trồng thanh long ruột đỏ áp dụng kỹ thuật xông đèn xử lý ra hoa nghịch vụ, trồng hoa lan trong nhà lưới, trồng rau và cây ăn trái có hệ thống tưới phun tự động…

Trong số đó, mô hình trồng rau thủy canh của kỹ sư trẻ Ngô Hữu Anh Khôi (xã Bình Phước- Mang Thít), mô hình trồng hoa cúc trong nhà màng của chị Lê Thị Bích Ngọc (xã Long Mỹ- Mang Thít), mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới kín của nông dân Nguyễn Văn Xua (xã Phước Hậu- Long Hồ) là những ví dụ tiêu biểu cho việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Bên cạnh đó, một số mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới tại các địa phương đã và đang hoạt động hiệu quả.

Trong năm 2018, ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu tăng trưởng 2% so với năm 2017.
Trong năm 2018, ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu tăng trưởng 2% so với năm 2017.

Trong chăn nuôi, toàn tỉnh có 5 trại heo áp dụng công nghệ chuồng lạnh, tự động hóa vận hành thức ăn, nước uống, sát trùng,… theo quy trình chăn nuôi tiên tiến, trong đó có 3 trang trại đã được chứng nhận chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học VietGAP và 2 trang trại được chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Toàn tỉnh cũng có 38 trang trại chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao gồm chuồng lạnh, tự động hóa khâu chăm sóc, nuôi dưỡng.

Thông qua các dự án hỗ trợ về tiến bộ kỹ thuật, công nghệ của ngành nông nghiệp, nhiều giống cây trồng có chất lượng cao như các giống lúa nguyên chủng, cây ăn trái, cùng các quy trình công nghệ sản xuất thâm canh tiên tiến được ứng dụng, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng và giá trị sản xuất nông nghiệp.

Mặc dù hiện trạng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, kết quả đạt được mới ở mức mô hình trình diễn, tỷ lệ ứng dụng đại trà công nghệ cao trong nông nghiệp còn hạn chế nhưng ông Nguyễn Văn Liêm đánh giá tiềm năng và khả năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao là lớn và nhiều triển vọng hiện thực hóa trong tương lai gần.

Đây cũng là tín hiệu đáng mừng và là cơ hội để tỉnh Vĩnh Long phát triển nông nghiệp bền vững.

Bài, ảnh: LÊ SƠN