Trồng rau hữu cơ, an toàn

Cập nhật, 14:25, Thứ Tư, 20/09/2017 (GMT+7)

Rau vốn là loại cây trồng khá “nhạy cảm” với thời tiết, sâu bệnh; do đó, trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ĐBSCL như hiện nay, muốn xây dựng được mô hình trang trại theo hướng nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững để cho ra sản phẩm thực sự an toàn là hướng đi khó.

Tuy nhiên, chị Mai Kim Cương (ấp Phước Hanh A, xã Phước Hậu- Long Hồ), đang chọn hướng đi... khó, để hướng đến xây dựng nhãn hiệu Rau an toàn Phước Hanh trong tương lai.

 

Trang trại Rau an toàn Phước Hanh.
Trang trại Rau an toàn Phước Hanh.

Những khó khăn trước mắt

Một số loại rau thuộc dạng khó tính như: hành, hẹ, ngò rí, xà lách, cải xanh, cải ngọt... hễ nắng quá hay mưa nhiều cũng đều dễ bị ảnh hưởng, thêm nữa là dễ dàng bị sâu bệnh tấn công.

Do đó, ít nhất cần có màng lưới che chắn, còn việc đầu tư nhà lưới kín thì thật sự khó có thể triển khai một cách đại trà cho bà con, vì vấn đề chi phí quá cao, so với mặt bằng giá cả chung của thị trường hiện nay.

Tham khảo một số mô hình thí điểm nhà lưới như ở huyện Bình Tân, sử dụng loại lưới trắng có giá cao gấp đôi lưới đen, khung chịu lực bằng sắt thì chỉ 200m2, đã tốn gần 20 triệu đồng.

Như vậy, một công đất nông dân phải bỏ ra riêng cho nhà lưới là cả trăm triệu đồng rồi. Còn một số trang trại ở An Giang như Tâm Việt, Ếch Ộp... được đầu tư trung bình trong khoảng từ 50- 60 triệu đồng/công; để triển khai trồng 1ha rẫy màu, coi như đứt nghiến hơn nửa tỷ bạc.

Nếu chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, chưa bảo đảm đầu ra ổn định với giá cao, thì trồng rẫy kiểu này chẳng khác nào... đánh bạc.

Như một số hợp tác xã rau an toàn ở huyện Bình Tân, có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ các công ty, nhưng cũng đã có trường hợp không thực hiện đúng cam kết ở những thời điểm giá rau màu trên thị trường sụt giảm mạnh.

Ngoài những vùng chuyên canh xà lách xoong ở TX Bình Minh, huyện Bình Tân, có sử dụng màng che lưới bên trên, đa số bà con nông dân chưa mặn mà với cách làm này. Riêng ở Long Hồ, có lẽ ông Nguyễn Văn Sua (ấp Phước Lợi B, xã Phước Hậu) là mạnh dạn thực hiện từ mấy năm nay.

Chưa phải là nhà lưới kín, nhưng theo ông Sua thì hiệu quả đã thấy rõ, khi màng lưới hạn chế bớt ánh nắng, hoặc giảm độ va đập trực tiếp của mưa, nên năng suất cao hơn trồng bình thường.

Thí dụ, nếu cải xanh mọi người trồng tự nhiên ngoài trời đạt 100kg, thì rẫy ông Sua đạt từ 400kg; khi giá rau đạt khoảng 12.000- 14.000 đ/kg là ông có lời rồi.

Rẫy ông Sua có màng lưới hạn chế nắng, mưa nên tăng năng suất.
Rẫy ông Sua có màng lưới hạn chế nắng, mưa nên tăng năng suất.

Đến trồng rau hữu cơ

Tuy nhiên, mô hình của ông Sua chỉ hướng đến mục đích là tăng năng suất, chớ chưa thể nói là hạn chế được sâu bệnh. Nhưng cách làm của ông Sua đã “gợi ý” cho chị Mai Kim Cương xây dựng mô hình nhà lưới với giá thấp nhất có thể, đó là việc thay những trụ cột xi măng bằng những cột cây, chi phí sẽ giảm xuống rất nhiều.

Nhà lưới kín chỉ mới là điều kiện “cần” bắt buộc đầu tiên, để có thể sản xuất ra cọng rau an toàn. Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề quan trọng mà bản thân nông dân không thể tự mày mò, rút kinh nghiệm được nên đòi hỏi có sự giúp sức của các chuyên gia nông nghiệp cao cấp, cùng đội ngũ kỹ sư thường trực theo dõi, tư vấn và đặc biệt là có kế hoạch xây dựng thương hiệu, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm ở phân khúc thị trường tương đối cao một chút.

Theo thầy Huỳnh Ngọc Đức- giảng viên Khoa Nông nghiệp Hữu cơ, Trường ĐH An Giang, một nền nông nghiệp hữu cơ chủ yếu là “phòng bệnh”, còn trị bệnh chỉ là giải pháp cuối cùng.

Tại cuộc hội thảo khoa học vừa qua tại TP Long Xuyên, các chuyên gia Nhật, Úc đã trình bày và hướng dẫn khá cụ thể một số giải pháp căn cơ để có thể triển khai trồng rau màu theo hướng hữu cơ trên vùng đất ĐBSCL. Chẳng hạn như quy cách trồng, kỹ thuật xen các loại rau nhằm khắc chế được mầm sâu bệnh ngay từ đầu.

Chị Mai Kim Cương cho biết, trước mắt sẽ ứng dụng ngay một số kỹ thuật trồng xen các liếp rau với nhau và sắp tới sẽ kết nối để được sự hướng dẫn cụ thể, trực tiếp của các chuyên gia theo mô hình rau hữu cơ của Nhật.

Cùng với đó, là tiến hành đăng ký nhãn hiệu Rau an toàn Phước Hanh, nhằm đảm bảo cam kết mang cọng rau sạch đến người tiêu dùng ở địa phương mình.

Sản phẩm Rau an toàn Phước Hanh.
Sản phẩm Rau an toàn Phước Hanh.

Chị Mai Kim Cương cho biết, điều quan tâm lớn nhất là mặc dù trồng rau trong nhà lưới, nhưng vẫn không tránh khỏi sẽ có mầm bệnh sau vài vụ đầu tiên, ngoài ra, khi sử dụng phân chuồng sẽ phát triển mạnh các loại cỏ. Băn khoăn lớn nhất, là sẽ xử lý thế nào nếu không dùng đến các loại hóa chất độc hại, các loại thuốc bảo vệ thực vật như mọi người?

Câu hỏi này đã được thầy Huỳnh Ngọc Đức và chuyên gia Nhật Bản giải thích và hướng dẫn công thức pha chế thuốc diệt mầm sâu bệnh từ rượu và một số loại thảo mộc dễ tìm ở nông thôn mình.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG 

Các tin khác: