Lấy Thu Đông "bù" Đông Xuân

Cập nhật, 05:19, Thứ Ba, 27/06/2017 (GMT+7)

Dự báo năm nay lũ ở ĐBSCL sẽ về sớm hơn. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp- PTNT chủ trương vẫn tăng sản xuất lúa Thu Đông trong điều kiện giá lúa gạo đang chiều hướng tăng và để “bù” vụ Đông Xuân sản lượng giảm do ảnh hưởng của thời tiết.

Bộ yêu cầu các tỉnh và ngành thủy lợi, thủy văn phải có dự báo, kế hoạch chắc chắn để bảo đảm sản xuất vụ lúa Thu Đông an toàn.

Giá lúa gạo đang có chiều hướng tăng nên vụ lúa Thu Đông được kỳ vọng sẽ “bù” vụ Đông Xuân.
Giá lúa gạo đang có chiều hướng tăng nên vụ lúa Thu Đông được kỳ vọng sẽ “bù” vụ Đông Xuân.

Giá lúa có chiều hướng tăng

Nhận định của ông Lê Thanh Tùng- Phó Trưởng Phòng Cây lương thực- thực phẩm (Cục Trồng trọt- Bộ Nông nghiệp- PTNT) tại hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ Hè Thu 2017 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông, mùa 2017 tại Đông Nam Bộ và ĐBSCL” diễn ra tại Cần Thơ mới đây cho thấy, vụ lúa Hè Thu vùng ĐBSCL gieo sạ 1,6 triệu hecta, năng suất ước đạt 5,69 tấn/ha, tăng trên 3 tạ/ha và sản lượng trên 9,3 triệu tấn, tăng 336.000 tấn so với năm 2016.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, vụ Hè Thu năm nay không có địa phương nào bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn.

Mặc dù có nhiều khó khăn về thời tiết nhưng các địa phương có chủ động, nhiều cánh đồng lúa chống chịu được sâu bệnh tốt.

Theo báo cáo, hiện nay nhiều địa phương đã thu hoạch được khoảng 30% diện tích. Những diện tích này cho năng suất tốt, có nơi năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha, giá bán cũng cao do thị trường có nhiều tín hiệu khả quan.

Trong khi đó, theo ông Huỳnh Thế Năng- Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện nay giá lúa Hè Thu đang cao, thị trường lúa gạo xuất khẩu từ nay đến tháng 9/2017 có dấu hiệu khả quan.

Một số địa phương trong vùng ĐBSCL thu hoạch lúa vụ Hè Thu sớm, nông dân bán lúa giá cao, các doanh nghiệp tiêu thụ tốt.

Song song đó, đang đấu thầu gạo Việt tại Philippines khoảng 250.000 tấn, trong khi gạo Thái Lan tồn kho còn ít- đó có thể là yếu tố đẩy giá lúa gạo tăng giá.

Ông Huỳnh Thế Năng cũng cho biết, “sản phẩm gạo an toàn lúc nào cũng có thị trường”, vì vậy lưu ý để việc xuất khẩu thời gian tới được thuận lợi phải tăng cường sản xuất lúa theo tiêu chuẩn để tránh những trường hợp bị trả về khi xuất qua các thị trường khó tính.

Sản xuất vùng an toàn với lũ

Về kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông, ông Lê Thanh Tùng cho biết năm nay ĐBSCL sẽ sản xuất 832.000ha, tăng 7.071ha so với năm 2016; năng suất ước đạt 55,9 tấn/ha, tăng 4,93 tấn/ha; sản lượng ước đạt hơn 4,65 triệu tấn, tăng 446.410 tấn so với vụ Thu Đông 2016.

Lý giải việc tăng diện tích lúa Thu Đông- theo ông Lê Thanh Tùng- là để bù việc sụt giảm 226.095 tấn lúa trong vụ Đông Xuân vừa qua do ảnh hưởng thời tiết, trong khi hiện tình hình xuất khẩu gạo có nhiều khả quan và nhiều triển vọng tăng trưởng về lượng và giá có lợi cho cả người sản xuất và doanh nghiệp.

Hệ thống thủy lợi đảm bảo giúp sản xuất lúa Thu Đông an toàn. Trong ảnh: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra tiến độ công trình thủy lợi tại huyện Vũng Liêm.
Hệ thống thủy lợi đảm bảo giúp sản xuất lúa Thu Đông an toàn. Trong ảnh: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra tiến độ công trình thủy lợi tại huyện Vũng Liêm.

Cục Trồng trọt đề xuất gieo sạ theo lịch thời vụ từ tháng 6 đến cuối tháng 8. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Khanh- Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi- Bộ Nông nghiệp- PTNT), dự báo năm nay có thể lũ sẽ về sớm và cao hơn so với năm 2015 và 2016, khả năng ở mức báo động 2, báo động 3.

Tổng cục Thủy lợi đã có văn bản yêu cầu các địa phương trong vùng ngập lũ xây dựng kế hoạch tu bổ hệ thống đê bao, đảm bảo vụ sản xuất Thu Đông hiệu quả.

Vụ Thu Đông toàn tỉnh có kế hoạch xuống giống 51.000ha; dự kiến năng suất 5,2 tấn/ha, sản lượng 265.200 tấn. Lịch xuống giống tập trung trong 3 đợt chính:

Đợt 1 xuống giống 10.000ha, từ ngày 5/6- 20/6 (nhằm ngày 11/5- 26/5 âl). Phân bố tập trung ở những vùng xuống giống lúa Hè Thu sớm ven QL54 của Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm, TX Bình Minh và vùng đất gò ven sông Măng thuộc huyện Tam Bình, ven sông Tiền thuộc huyện Mang Thít và Vũng Liêm.

Đợt 2 xuống giống 35.000ha, tập trung từ ngày 3/7- 1/8 (nhằm ngày mùng 10/6 trước đến ngày mùng 10/6 sau âm lịch). Đây là đợt xuống giống chính của tỉnh phân bố tại hầu hết tại các huyện- thị.

Đợt 3 xuống giống 6.000ha, tập trung từ ngày 11/8- 10/9 (từ ngày 20/6 sau đến ngày 20/7 âm lịch). Phân bố ở vùng trung tâm, vùng trũng, vùng chưa chủ động bơm tát và vùng chưa có đê bao hoàn chỉnh.

Ông Trần Anh Thư- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT An Giang cho rằng, ngành chuyên môn cần có những thông tin chính xác về dự báo mực nước lũ trong thời gian tới để giúp địa phương có sự chủ động kịp thời, tránh tình trạng “lúc dự báo thế này, lúc dự báo thế khác”.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo ưu tiên sản xuất vụ Thu Đông ở những vùng an toàn đối với lũ, lấy mức lũ năm 2011 để bố trí sản xuất lúa cho vùng ngập sâu khu vực Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra bằng những giải pháp đồng bộ về thời vụ, cơ cấu giống, chọn giống lúa chất lượng cao được thị trường chấp nhận và chống chịu sâu bệnh.

Riêng tại Vĩnh Long, nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất lúa Thu Đông trong điều kiện mưa bão và lũ, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các địa phương tuyên truyền, vận động nông dân nên làm đất, vệ sinh đồng ruộng thật kỹ, xuống giống đúng lịch thời vụ và áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế dịch hại phát triển.

Thời gian giữa 2 vụ lúa nên giữ cách ly ít nhất từ 3- 4 tuần trên cùng một cánh đồng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhất là đối tượng rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá lúa.

Những nơi có điều kiện thì nên thay thế một vụ rau màu, thủy sản theo hệ thống canh tác phù hợp với từng vùng sinh thái của tỉnh.

Cơ cấu giống lúa phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao, giống xác nhận hoặc tương đương. Đặc biệt, đối với những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của lũ nên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, kết hợp với bố trí lịch thời vụ sớm. Đối với các giống chất lượng thấp (IR50404, ML202…) sử dụng không quá 20% trong cơ cấu giống từng địa phương.

Nhóm giống chủ lực: OM 5451, OM 4900, OM 6976, OM 4218, OM 7347.

Nhóm giống bổ sung: OM 6600, OM 6162, OM 6561, OM 10424.

Nhóm giống sản xuất thử:

LH 8, LH 9, OM 6904, OM 6932.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG- LÊ SƠN