Tìm hướng phát triển cây thanh trà

Cập nhật, 06:05, Thứ Ba, 21/03/2017 (GMT+7)

Từ cây trồng ăn chơi, giờ đây thanh trà ở TX Bình Minh trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, những năm gần đây do ảnh hưởng thời tiết, thanh trà đậu trái khá thấp. Vì vậy, địa phương đang phối hợp các nhà khoa học nghiên cứu, tìm giải pháp khắc phục, để phát triển cây trồng này.

Thanh trà bày bán dọc QL54.
Thanh trà bày bán dọc QL54.

Có thể nói, giờ đây thanh trà là cây đặc sản thứ hai (sau bưởi Năm Roi) của Bình Minh. Bởi đến nay, ở ĐBSCL hầu như chỉ có địa phương này trồng nhiều thanh trà nhất (150ha) và cũng là nơi có nhiều “cây tổ” hơn 100 năm tuổi.

 Trong đó, phải kể đến các vườn thanh trà của ông Tư Bùa, ông Huỳnh Văn Trượng. Mỗi năm, trung bình mỗi cây thanh trà tổ này cho trái từ vài trăm ký đến hơn một tấn, giá trị hơn làm 3- 4 công ruộng. Hàng chục năm qua, nhiều người dân địa phương đến chiết cành, nhân giống mở rộng diện tích.

Theo ông Lê Thanh Thuận- Phó Phòng Kinh tế TX Bình Minh, phần lớn người dân trồng xen canh, tập trung nhiều ở các xã Đông Thành, Mỹ Hòa, Thuận An. Anh Đoàn Văn Giúp (ấp Đông Hưng 2- xã Đông Thành) cho biết, trước giải phóng cây có trái chín chủ yếu cho bà con lối xóm ăn cho vui.

Gần 30 năm qua, trái thanh trà mới được mang ra bán ở chợ. Và hiện nay, tới mùa cây có trái chín, thương lái khắp nơi đổ về mua, mang lên TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác tiêu thụ.

Anh Giúp cũng cho biết, thanh trà rất dễ chăm sóc, có thể xen với cây trồng khác. Hàng năm, cứ sau Tết Nguyên đán cho đến nửa đầu tháng 3 âm lịch là cả vùng Đông Hưng 1, 2 và 3, thuộc xã Đông Thành lại rộ mùa thanh trà. Khách qua cầu Cần Thơ, ở bờ Vĩnh Long lúc nào cũng ngợp mắt trước những chùm thanh trà óng ả, căng tròn, vàng rực được bày bán dọc hai bên lề đường.

Tuy nhiên những năm gần đây, do ảnh hưởng thời tiết, nhiều vườn bị thất mùa, năng suất khá thấp.

 

Theo một số người trồng, do tỷ lệ đậu trái thấp nên thanh trà khan hiếm, giá thương lái thu mua tại vườn hiện khá cao. Cụ thể, thanh trà chua 45.000- 50.000 đ/kg; thanh trà ngọt gần 100.000 đ/kg, nhưng “phải mót cả vườn mới được vài ký”.

Ông Lê Văn Quận (ấp Đông Hưng 2, xã Đông Thành) trồng khoảng 20 công thanh trà chua và thanh trà ngọt cho biết, mấy năm trước, thu hoạch được gần 5 tấn trái, nhưng năm nay, ước chỉ còn 2 tấn trái thanh trà chua. Riêng thanh trà ngọt có khoảng 200 cây thì thu hoạch… không tới 1kg trái.

Được biết, trước nay phần lớn nông dân ở đây trồng thanh trà theo lối quảng canh, không đầu tư phân thuốc, chủ yếu ra hoa, đậu trái tự nhiên.

Để khắc phục tình trạng này, năm 2015 Sở Khoa học- Công nghệ Vĩnh Long phối hợp với Khoa Nông nghiệp- Sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) thực hiện đề tài: “Ảnh hưởng của phân bón đến năng suất và phẩm chất trái thanh trà”.

PGS. TS Trần Văn Hâu (ĐH Cần Thơ)- người trực tiếp hướng dẫn thực hiện đề tài- cho biết, đã chọn một số vườn thanh trà thực hiện bón đầy đủ phân đạm- lân- kali vào gốc và phun qua lá theo tỷ lệ phù hợp. Kết quả, vụ vừa qua năng suất cải thiện tăng khoảng 30%, cây có đề kháng cao hơn, trái to, màu sắc tươi hơn những vườn trồng không bón phân hay tạo cành tỉa tán.

“Qua nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ thanh trà đậu trái thấp thời gian qua không chỉ do thời tiết mà còn do bông đực và bông cái ra không trùng khớp nhau nên giảm đáng kể sự thụ phấn. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để khắc phục tình trạng này”- PGS.TS Trần Văn Hâu cho biết.

Còn theo ông Lê Thanh Thuận, kết quả nghiên cứu bước đầu rất đáng mừng. Bởi, sau bưởi Năm Roi thì thanh trà được xem là đặc sản thứ 2 của Bình Minh. Thanh trà rất nhiều công dụng, ngoài ăn tươi còn dùng nấu canh chua, kho cá. Đặc biệt gần đây, nhiều người còn có sáng kiến dùng trái thanh trà ngâm rượu và ngào đường dùng uống lạnh.

 “Chúng tôi muốn khôi phục, phát triển thanh trà này, bởi ngoài giá trị kinh tế, còn có thể kết hợp phát triển du lịch. Vì thế, năm 2018, sau khi đề tài nghiên cứu kết thúc, địa phương có định hướng xây dựng chứng nhận địa lý, tiến tới nhân rộng diện tích, khuyến kích nhà vườn trồng một cách bài bản cây trồng này nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.”- ông Lê Thanh Thuận cho biết thêm.

  •  

    Cách bón phân cho thanh trà được khuyến cáo: Năm thứ 1, sau trồng 20 ngày bón NPK (15-15-15) hay NPK (16-16-8) liều lượng 100- 150 g/gốc, rải đều trên mặt đất. Sau đó, dùng cào cỏ cào nhẹ lớp đất mặt để phân thấm sâu. Có thể pha loãng phân với nước tưới, hiệu quả cao hơn. Năm thứ 2: dùng NPK bón liều lượng 0,5- 1 kg/gốc, bón vào đầu và cuối mùa mưa. Năm thứ 3 và 4, cây bắt đầu cho trái, bón mỗi gốc 1,5- 3kg, bón lần 1 sau thu hoạch, lần 2 trước ra hoa, lần 3 bón sau khi đậu trái 15- 20 ngày. Đối với cây trưởng thành, mỗi năm bón 3-4kg NPK, cộng thêm mỗi gốc 0,5- 1kg phân Kali.

    ™Bài, ảnh: HOÀNG MINH